Thông tin trên được Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định trong buổi họp báo chiều qua (19/12) về phương án vận hành tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã – Yên Nghĩa.
Xe buýt nhanh tại bến xe Kim Mã – Ảnh: K.L
Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải, tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên của Thủ đô sẽ phục vụ 17 giờ/ngày (từ 5h – 22h hàng ngày) với tần suất phục vụ ngày thường từ 5 – 10 – 15 phút/lượt, ngày chủ nhật 7 – 10 – 15 phút/lượt. Ngoài việc khẳng định giá vé buýt nhanh BRT sẽ chỉ bằng vé buýt thường là 7.000 đồng/lượt, ông Hải cũng cho biết sẽ miễn phí vé cho hành khách sử dụng buýt BRT trong tháng đầu tiên vận hành (từ 1-31/1/2017).
Trước đó, trao đổi với báo giới, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã khẳng định tuyến buýt nhanh sẽ chính thức đón khách từ 1/1/2017. Cụ thể, theo ông Viện, sau khi thử nghiệm các tác nghiệp tại hai đầu bến, từ 18 – 23/12/2016, các lái xe sẽ thử lái trên làn đường riêng, dừng đỗ tại các điểm chờ dọc tuyến.
Việc thử nghiệm vận hành BRT theo tiêu chí vận hành tuyến được duyệt với tình huống giả định dừng đón trả khách tại các điểm dừng, dừng chờ đèn tín hiệu dọc tuyến sẽ được tiến hành trong các ngày từ 24 – 27/12 để có thể thử nghiệm vận hành tuyến theo biểu đồ hoạt động của phương án trong các khung giờ cao điểm, rà soát tình trạng kỹ thuật của toàn bộ đoàn phương tiện trong hai ngày sau đó.
3 ngày cuối cùng của tháng (từ 29-31/12/2016) sẽ dành để hiệu chỉnh các thiết bị, bổ sung nội dung cần thiết tạo thuận lợi cho hoạt động của BRT, tổng kết rút kinh nghiệm về tổ chức giao thông để sẵn sàng đưa tuyến vào hoạt động chính thức từ 1/1/2017.
Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông về việc Sở GTVT có cam kết buýt nhanh BRT sẽ nhanh hơn buýt thường không, khi lộ trình của buýt có đi qua đường Tố Hữu – điểm nóng ùn tắc hiện nay khi khảo sát cho thấy có thời điểm, xe phải chờ tới 20 nhịp đèn đỏ mới qua được ngã tư, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, vận tốc trung bình của tuyến buýt nhanh dự kiến là 19,6km/h, cao hơn 20% so với buýt thường.
“Xe buýt nhanh được ưu tiên, thuận lợi hơn buýt thường. Thông qua việc tổ chức giao thông, áp lực trên tuyến giảm đi, xung đột trên đường giảm, lái xe không phải ra vào để đón khách nên thời gian vận hành như dự kiến là hoàn toàn khả thi”, ông Hải nói.
Bổ sung thêm thông tin, Giám đốc Vũ Văn Viện cho rằng giải quyết vấn đề phương tiện cá nhân tăng cao không gì khác là phải bằng giao thông công cộng. “Chúng tôi tin rằng trong tương lai, lượng phương tiện cá nhân trên tuyến sẽ giảm khi người dân thấy có một phương tiện công cộng tiện ích hơn”, ông Viện nói và cho biết thêm: Thời gian tới, khi kết nối được đèn giao thông theo “làn sóng xanh” thì buýt nhanh sẽ còn có thể nhanh hơn nữa. Người đứng đầu Sở GTVT Hà Nội cũng khẳng định tiền đầu tư cho hệ thống BRT chỉ bằng 1/10 đường sắt trên cao và bằng 1/20 tàu điện ngầm. Kinh nghiệm thế giới đã chỉ ra rằng trong quá trình quá độ chờ triển khai tàu điện ngầm, tàu điện trên cao thì nên tổ chức BRT.
Cuối cùng, theo ông Viện, đến thời điểm này, phương án vận hành cũng chỉ là thử nghiệm. “Chúng ta chưa hình dung hết BRT khi tham gia giao thông sẽ vận hành thế nào. Cái gì mới cũng có nhiều khó khăn. Từ nay đến khi BRT được vận hành chính thức vẫn còn khá nhiều thời gian để cơ quan chức năng điều chỉnh, để đảm bảo vận hành hiệu quả, an toàn cũng như không ảnh hưởng nhiều đến các tuyến giao thông khác”, ông Viện nói.
Nguồn báo www.baogiaothong.vn