Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục, đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp
Chính sách thay đổi buộc dự án phải điều chỉnh
Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, tính đến nay, dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ đã xong bước sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư và Bộ GTVT đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 932 tỷ đồng vốn Nhà nước hỗ trợ cho dự án.
Theo ông Roãn, vướng mắc nhất của dự án hiện nay là việc nghiên cứu bổ sung đấu nối giữa dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ với dự án cầu Mỹ Thuận 2 (nút giao QL80) do phát sinh thêm kinh phí và đấu nối nút giao giữa cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ với đường Võ Văn Kiệt nhưng tuyến đường này chưa có trong quy hoạch của địa phương. Đồng thời, dự án có một số thay đổi, phát sinh nên kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư đang phải chờ cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Lý giải thêm về việc phải điều chỉnh lại dự án, đại diện Vụ PPP cho biết, ngày 21/3/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 463 đồng ý chủ trương đầu tư dự án Mỹ Thuận – Cần Thơ theo hình thức hợp đồng BOT và phương án hỗ trợ bằng quyền thu phí dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương. Đến ngày 28/8/2017, Bộ GTVT phê duyệt dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ tại Quyết định 2591.
Theo đó, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ dài 23,6km; Giai đoạn 1, phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, tổng mức đầu tư khoảng 5.408 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB quy mô hoàn thiện 6 làn xe là 932 tỷ đồng (chưa bao gồm xây dựng nút giao hoàn chỉnh QL80); Nhà nước hỗ trợ bằng quyền thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương khoảng 4 năm 4 tháng kể từ tháng 9/2028.
Đến ngày 21/6/2017, Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (hiệu lực thi hành từ 1/1/2018), trong đó có những quy định mới về quản lý và khai thác tài sản công là kết cấu hạ tầng giao thông, việc tiếp tục sử dụng hỗ trợ của Nhà nước bằng quyền thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương không còn phù hợp.
Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc dừng hỗ trợ này tại Văn bản 11394 ngày 9/10/2018. Khi đó, Quyết định phê duyệt dự án số 2591 ngày 28/8/2017 của Bộ GTVT không còn phù hợp, cần phải điều chỉnh, thay đổi.
Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ dài 23,6km
Vốn Nhà nước hỗ trợ tập trung tối đa cho GPMB
Chỉ đạo tại cuộc họp chiều 19/3, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Vụ Đối tác công – tư (PPP), Ban QLDA Thăng Long (đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại dự án) và đơn vị tư vấn (TEDI) bổ sung ngay hạng mục nút giao với QL80 vào dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.
“Việc điều chỉnh bổ sung nút giao với QL80 phải làm khẩn trương, trên tinh thần phải đảm bảo quy mô của nút giao hợp lý nhất, tiết kiệm nhất”, Bộ trưởng nói và cho biết, đối với nút giao giữa cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ với đường Võ Văn Kiệt sẽ không đưa vào dự án vì tuyến đường này chưa có trong quy hoạch của địa phương. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu Ban QLDA Thăng Long khẩn trương làm việc lại với tỉnh Vĩnh Long.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ được phê duyệt từ năm 2016 theo hình thức PPP, khi đó dự án chịu chi phối bởi Nghị định 15/2015, lãi suất vốn vay theo quy định của Thông tư 55/2016 của Bộ Tài chính… Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 63/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư và Bộ Tài chính cũng thay thế Thông tư 55/2016 bằng các Thông tư 75/2017, mới nhất là Thông tư 88/2018.
Đồng thời, do những ràng buộc của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nên cơ cấu nguồn vốn của dự án cũng thay đổi khi không sử dụng quyền thu phí dự án TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, thay bằng hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị liên quan phải khẩn trương cập nhật lại lưu lượng, các thông số về lãi suất vốn vay… để điều chỉnh dự án, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo Ban QLDA Thăng Long phối hợp với Vụ Môi trường nhanh chóng hoàn thiện thủ tục để phê duyệt lại báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án.
Đề cập đến nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cho dự án bằng ngân sách (khoảng 932 tỷ đồng) đang chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị nghiên cứu để tập trung phần vốn này phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, còn dư mới hỗ trợ phương án tài chính của dự án.
“Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định bố trí nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho dự án, các đơn vị phải triển khai ngay công tác cắm mốc và bàn giao cho chính quyền địa phương hai tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp để triển khai công tác kiểm đếm, giải phóng mặt bằng”, Bộ trưởng nói và chỉ đạo Ban QLDA Thăng Long phải bố trí ngay nhân sự, tổ chức phòng làm việc tại hiện trường dự án và làm việc với chính quyền địa phương để tập trung cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.
Sau thời gian 2 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định bố trí vốn ngân sách hỗ trợ dự án, công tác giải phóng mặt bằng dự án phải có chuyển động, đồng thời, phấn đấu đến tháng 9, 10/2019 công bố nhà đầu tư dự án. – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể
Theo baogiaothong.vn