Ngày 30/9/2022 UBND thành phố Cần Thơ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội nghị về dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Cần Thơ và xem xét khả năng nạo vét cho tàu trọng tải hơn 10.000 tấn ra vào.
Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, luồng Định An – Cần Thơ có chiều dài hơn 121km, được chia làm 2 đoạn. Trong đó, đoạn ngoài cửa (từ phao số “0” đến phao “14”) diễn biến hết sức phức tạp thường xuyên thay đổi, hàng năm đều phải nạo vét duy tu và dịch chuyển phao. Việc nạo vét đã được thực hiện từ những năm 1983, tuy nhiên sau khi nạo vét, độ sâu luồng thì chỉ tồn tại được vài tháng, bồi lấp diễn ra rất nhanh.
Đối với luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu qua tuyến kênh Tắt – Quan Chánh Bố, từ trước đến nay đã có nhiều nghiên cứu của các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước:
- Nghiên cứu của tư vấn Heacon (Bỉ) năm 1997-1999.
- Nghiên cứu của tư vấn SNC- Lavalin (Canada) năm 2002.
- Nghiên cứu của Liên danh tư vấn SNC – Lavalin (Canada), Royal Haskoning – Delft Hydraulics (Hà Lan) và Công ty Tư vấn thiết kế giao thông phía Nam (TEDI -South) năm 2004 – 2005.
- Nghiên cứu trên mô hình toán tuyến luồng qua kênh Quan Chánh Bố và Kênh Tắt của Tư vấn Porcoast phối hợp với Tư vấn nước ngoài năm 2005-2009.
Trên cơ sở đánh giá kết quả của các nghiên cứu, Bộ GTVT đã triển khai dự án giai đoạn 1 đưa vào khai thác từ năm 2017 với quy mô thiết kế đáp ứng cho tàu trọng tải 10.000 – 20.000 DWT (giảm tải) ra vào. Bộ GTVT đặc biệt quan tâm và quyết liệt chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam, các đơn vị trong ngành phối hợp các địa phương nạo vét duy tu tuyến luồng này, nhưng do còn một số khó khăn, phức tạp, đặc biệt là yếu tố xói lở hai bên bờ sông và vị trí đổ thải vật chất nạo vét nên có thời điểm luồng không đạt được độ sâu như thiết kế. Hiện Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục triển khai đầu tư dự án giai đoạn 2 để hoàn thiện dự án.
Bản đồ vị trí và các tuyến luồng hàng hải qua cửa sông Hậu
Trên cơ sở kiến nghị của chính quyền địa phương và Bộ GTVT, mới đây Quốc hội đã có Nghị quyết 45 thông qua một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho TP.Cần Thơ, trong đó có công tác nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ. Theo đó, việc nâng cấp luồng sẽ được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, đáp ứng các điều kiện, bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên và có cơ chế tài chính hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh, hiện nay luồng sông Hậu có vai trò hết sức quan trọng không chỉ riêng TP. Cần Thơ mà còn của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần phát triển KT-XH cả nước.
Đối với luồng Định An, Bộ GTVT đã đưa vào trong danh mục các tuyến luồng xã hội hóa nạo vét cho tàu 5.000 tấn, giao Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức triển khai, lựa chọn tư vấn chuyên ngành để lập dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm. Đến thời điểm hiện tại, Tư vấn lập BCNCKT Dự án (Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tư vấn Thiết kế Việt Nam) đã hoàn thành báo cáo (lần đầu) đối với Dự án Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – sông Hậu và nội dung báo cáo bổ sung sơ bộ về nghiên cứu phương án nạo vét cho tàu tải trọng 10.000 tấn trở lên. Khó khăn hiện nay trong quá trình lập BCNCKT là hiện chưa đánh giá được hiệu quả kinh tế của Dự án do chưa có giá sản phẩm tận thu do UBND tỉnh Sóc Trăng, UBND tỉnh Trà Vinh ban hành. Để nghiên cứu tính khả thi của phương án nạo vét bổ sung cho tàu có trọng tải đến 10.000 tấn trở lên cần có nghiên cứu, khảo sát bổ sung về địa chất, điều kiện thủy hải văn, đặc điểm sa bồi, nghiên cứu mô hình toán… Ngoài ra, việc đánh giá tính khả thi của dự án phụ thuộc vào công nghệ thi công và thực tế khả năng tận thu sản phẩm nạo vét.
Theo báo cáo tham luận của Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI):
- Nếu chỉ nạo vét luồng theo giải pháp thông thường cho tàu 5.000 tấn thì khó có hiệu quả do luồng nhanh bị sa bồi trở lại, khối lượng nạo vét ít, vật liệu nạo vét lớp trên chủ yếu là bùn sét nên cần phải có bãi chứa làm khô đất, cải tạo đất mới phục vụ được cho san nền, hoặc cần áp dụng công nghệ tách bùn cát khi nạo vét làm chi phí cao, khó thu hút Nhà đầu tư.
- Phương án nạo vét luồng Định An cho tàu 10.000-20.000 tấn vào cảng Cần Thơ có tận thu vật liệu nạo vét có thể khả thi nếu kết hợp giải pháp nạo vét bể chứa bùn đất sa bồi, bố trí thêm các tuyến đê ngầm giảm sóng, bẫy bùn cát để ổn định luồng và kéo dài thời gian duy trì độ sâu luồng tàu, cần thực hiện dự án (gồm cả nạo vét duy tu) trong thời gian tối thiểu từ 10-15 năm.
- Có thể xem xét thêm phương án nạo vét luồng kết hợp đê bao làm bãi chứa, lấn biển Cù Lao Dung để tăng hiệu quả kỹ thuật, tạo quỹ đất phát triển đô thị sinh thái du lịch (khoảng 11.000 ha), tăng khả năng huy động vốn đầu tư, hiệu quả đa ngành của dự án.
- Đây là một dự án lớn, phức tạp về mọi mặt nên cần được khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện để đạt hiệu quả cao nhất và lâu dài.
Báo cáo tham luận của TEDI tại hội nghị
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho rằng các nghiên cứu trước đây về nạo vét, chỉnh trị luồng Định An tại thời điểm này chỉ mang tính tham khảo. Trong thời gian tới cần tổ chức nghiên cứu sâu hơn, bài bản, quy mô…. từ đó đánh giá một cách toàn diện, khoa học về những tác động từ việc chỉnh trị, nạo vét luồng ảnh hưởng đến môi trường, xã hội, kinh tế. Việc đánh giá này không chỉ trong phạm vi khu vực ĐBSCL mà còn cho cả khu vực sông Mê Kông, phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu cuối cùng là có tuyến luồng tốt nhất.
Với mục tiêu đánh giá lại tổng thể dự án, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang kỳ vọng qua hội nghị lần này đã và sẽ tiếp tục có được nhiều ý kiến đóng góp để xem xét lựa chọn phương án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng Định An – Cần Thơ.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang giao nhiệm vụ đầu mối cho Cục Hàng hải Việt Nam và đề nghị UBND TP. Cần thơ, các địa phương liên quan, các đơn vị tư vấn, chuyên gia, doanh nghiệp… tiếp tục quan tâm, phối hợp với Bộ GTVT để triển khai các bước tiếp theo của dự án.