Nhân đang cuộc thi tuyển chọn phương án Cầu Trần Hưng Đạo muốn bàn luận một chút về nghệ thuật làm cầu.
Một chiếc cầu xây dựng thành công phải xét đầy đủ 4 tiêu chí: VỮNG VÀNG, ĐÚNG CHỨC NĂNG, TIẾT KIỆM, TAO NHÃ. Giải quyết hài hòa bốn tiêu chí trong đó có tiêu chí TAO NHÃ thì việc xây dựng chiếc cầu không chỉ là một kỹ thuật mà là một nghệ thuật.
VỮNG VÀNG, AN TOÀN khi sử dụng là điều kiện hàng đầu, không an toàn thì không thể tồn tại được.
ĐÚNG CHỨC NĂNG là điều kiện cốt yếu, là mục đích của việc xây dựng. Làm chiếc cầu là để thỏa mãn giao thông thuận tiện cho lưu lượng mọi loại phương tiện (ô tô, xe máy và có lẽ đến lúc phải xét tới cả xe đạp theo như khuynh hướng hiện tại).Từ đó mà xét tới bề rộng mặt cầu đủ đảm bảo số làn xe và đường lên xuống thích hợp cho từng loại phương tiện. Tùy điều kiện tại chỗ (địa hình, địa chất, thủy văn…) và các yêu cầu khác như vấn đề thông thuyền, chiều cao tối đa, điều kiện và khả năng thi công v.v..để xác định chiều dài nhịp và kết cấu thích hợp cho từng đoạn cầu, tạo nên hình dáng chiếc cầu (có 4 hình dạng kêt cấu chịu lực cơ bản: dầm, vòm, dây văng, dây võng). Từ đó có câu “HÌNH DẠNG ĐI THEO CHỨC NĂNG” (Form follows Function)
TIẾT KIỆM thuộc phạm trù kinh tế cũng là yếu tố quyết định. Làm chiếc cầu không phải là bằng mọi giá, phải với chi phí hợp lý, cố gắng tiết kiệm ở mức có thể. Chi phí ở đây là chi phí toàn vòng đời của công trình bao gồm cả chi phí xây dựng, chi phí sử dụng, chi phí bảo dưỡng bảo trì mà khi thiết kế phải xét tới. Với những chiếc cầu thông thường, xét tới yếu tố mỹ quan phải chi thêm dăm bẩy % có thể chấp nhận được. Với các cầu mang tính cách tiêu biểu cho địa phương, chi phí phụ thêm có thể cao hơn nhưng không thể quá cao, nếu cao đến mức đắt thêm tới hàng chục % thì phải cân nhắc. Với một chiếc cầu dài nhiều cây số kinh phí đầu tư là rất lớn, nếu số tiền dôi ra đó dùng vào việc xây dựng biết bao công trình phải làm thì “đẹp hơn”, tạo cái đẹp của toàn vùng, toàn địa phương.
TAO NHÃ thuộc phạm trù THẨM MỸ và ở đây vẻ đẹp phải là tự nhiên, đơn giản, độc đáo nhưng khả thi và hài hòa với môi trường tại chỗ, có tỷ lệ cân bằng thanh nhã tạo cho công chúng ấn tượng thuận mắt từ nhiều góc nhìn (nhìn khi đi trên cầu, nhìn từ dưới lên, trên xuống, từ hai bờ…) không đơn giản chỉ nhìn trên mô hình. Trang trí khiên cưỡng không xét tới yếu tố truyền lực chỉ tạo ra ấn tượng phản cảm trong khi chiếu sáng mỹ thuật toàn cầu có thể tạo ấn tượng hiệu quả.
NGHỆ THUẬT CẦU là như vậy thì ai là người thích hợp nghiên cứu xây dựng lựa chọn phương án đảm bảo đủ 4 tiêu chí nói trên, là nhà kiến trúc hay người kỹ sư ? Đương nhiên phải là người kỹ sư cầu, là người am hiểu sâu về kỹ thuật xây dựng cầu có bổ sung thêm những kiến thức về mỹ học công trình cầu (Bridge aesthetics) để đưa cái đẹp vào ngay bước xây dựng phương án. Trên mạng hiện không thiếu các tài liệu lý thuyết và cả các bản chỉ dẫn thực hành (Bridge Aesthetics Guidelines). Các kiến trúc sư rất am hiểu và đi sâu vào nghệ thuật xây dựng nhà cửa, dinh thự, khu đô thị, tượng đài v.v…, nhưng không có am hiểu sâu về kỹ thuật xây dựng cầu nên không thích hợp để lựa chọn ra các phương án cầu có xét đầy đủ tới 4 tiêu chí của nghệ thuật công trình cầu. Nếu họ cũng am hiểu các vấn đề đó thì họ cũng đã là kỹ sư cầu. Hiệu quả khi nghề nào làm đúng chuyên môn nghề đó.
Cầu Bay Bridge – một trong những cây cầu đắt đỏ nhất Thế giới (tổng vốn xây dựng 6,4 tỷ USD thời điểm năm 2013)
Cầu Rạch Miễu (Bến Tre) cây cầu dây văng đầu tiên do các kỹ sư công nhân Việt Nam
tư vấn thiết kế và thi công xây dựng, một ví dụ về cây cầu hài hòa các tiêu chí:
VỮNG VÀNG, ĐÚNG CHỨC NĂNG, TIẾT KIỆM, TAO NHÃ
GS. TS. Nguyễn Phúc Trí
Nguyên Viện trưởng Viện Thiết kế Giao thông
Nay là Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT – CTCP (TEDI)