Để khai thác đường song hành vành đai 4 cuối năm 2025, phải sớm xây cầu Mễ Sở, Hồng Hà vượt sông Hồng và Hoài Thượng qua sông Đuống, theo Bí thư Hà Nội.
Ngày 4/1, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội đã đi kiểm tra tình hình triển khai dự án trên địa bàn hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra hiện trường thi công vành đai 4 vùng Thủ đô, ngày 4/1. Ảnh: Hoàng Phong
Báo cáo đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, cho hay đến nay Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên đã phê duyệt phương án và thu hồi hơn 1.300 hecta, đạt gần 94%. Trong đó, Hà Nội hoàn thành với tỷ lệ cao nhất, đạt 96,54% và cũng đã khởi công xây dựng 12/13 khu tái định cư.
Hưng Yên thu hồi đất đạt 85%, thi công xây dựng 5/11 khu tái định cư và 2/7 khu cải tạo mở rộng nghĩa trang. Bắc Ninh thu hồi đất gần 94%, thi công xây dựng 2/12 khu tái định cư, các khu còn lại dự kiến triển khai quý II/2024.
Phối cảnh cầu Hồng Hà vượt sông Hồng tại khu vực xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng (Hà Nội). Ảnh: UBND TP Hà Nội
Với dự án đường song hành, đại diện ba tỉnh, thành đều cam kết tiến độ hoàn thành chậm nhất cuối năm 2025. Hà Nội phấn đấu khởi công dự án thành phần 3 (xây dựng đường cao tốc trên cao theo phương thức PPP) đầu quý IV/2024.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), nếu phải đợi hoàn thành đường trên cao năm 2027 mới khai thác đường song hành thì sẽ lãng phí nguồn lực hạ tầng.
Trước vấn đề này, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, cần có cơ chế để sớm khởi công, hoàn thành ba cầu vượt sông Hồng và Đuống. “Những cầu này thuộc dự án thành phần 3, dự kiến hoàn thành năm 2027. Như vậy, nếu làm xong đường song hành mà cầu chưa thông thì cũng không thể khai thác ngay”, ông Dũng nói, cho biết sẽ kiến nghị bộ ngành trung ương có hướng giải quyết sớm.
Phối cảnh cầu Mễ Sở, đầu cầu phía Hà Nội thuộc khu vực trạm bơm xã Hồng Vân, huyện Thường Tín. Bên phía Hưng Yên, cầu nằm ở xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang. Ảnh: UBND TP Hà Nội
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các địa phương tập trung di dời xong các mộ trước ngày 23 tháng Chạp năm Quý Mão và công trình hạ tầng trước ngày 30/6. Đối với di dời đất ở, nếu không xong kịp các khu tái định cư, có thể vận dụng phương án tạm cư.
Khó khăn lớn nhất là thiếu đất đắp phục vụ dự án ở hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, tuy nhiên đại diện các bộ cho hay có thể thay thế bằng cát đắp. Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát, bổ sung các mỏ phía Đông, sát hai tỉnh để sẵn sàng hỗ trợ. “Tinh thần là phải chọn phương án rẻ nhất, tốt nhất, minh bạch nhất để làm” – Trưởng ban Chỉ đạo Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô nói.
Phối cảnh cầu Hoài Thượng bắc qua sông Đuống ở Bắc Ninh. Ảnh: UBND TP Hà Nội
Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, kết nối cao tốc Hà Nội – Lào Cai và Nội Bài – Hạ Long, tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng. Dự án khởi động từ năm 2022, mục tiêu cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.
Hạng mục xây dựng ba cầu Mễ Sở, Hồng Hà và Hoài Thượng dự kiến khởi công dịp 10/10/2024, hoàn thành năm 2027. Dự án nghiên cứu tiền khả thi, cả ba cầu rộng 17,5 m (mặt cắt ngang) nhưng sau đó chốt lại 24,5 m để bố trí thêm hai làn xe máy và xe thô sơ tạo thuận lợi cho người dân đi lại hai bên sông.
Nguồn: vnexpress.net