Bộ trưởng yêu cầu rà soát lại quy định để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà thầu nội tham gia đấu thầu các dự án cao tốc Bắc – Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thế chủ trì cuộc họp
Cuối tháng 4/2019, bàn giao toàn bộ cọc GPMB cho địa phương
Hôm nay (27/3), chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá cao nỗ lực của các ban QLDA, đơn vị liên quan, nhất là Thứ trưởng phụ trách dự án đã nỗ lực, tập trung bám sát kế hoạch triển khai công trình.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, từ nay đến cuối năm 2019, công việc triển khai cao tốc Bắc – Nam còn rất nhiều. Để đảm bảo tiến độ dự án trọng điểm này, trước mắt về mặt thể chế chính sách, các ban QLDA cần căn cứ vào tình hình thực tế, kinh nghiệm tại dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên nghiên cứu một số cơ chế mới phù hợp để đẩy nhanh tiến độ dự án.
“Đây là công trình trọng điểm quốc gia, cái gì phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, chúng ta phải đề xuất cơ chế đặc biệt, đảm bảo đúng quy định để đẩy nhanh tiến độ triển khai”, Bộ trưởng nói và giao Cục QLXD&CLCTGT làm đầu mối để tập hợp ý kiến của các đơn vị liên quan, báo cáo Bộ GTVT.
Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của 11 dự án cao tốc Bắc – Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các ban QLDA, chậm nhất ngày 15/4/2019 phải trình hồ sơ thiết kế cơ bản để Cục QLXD&CLCTGT rà soát, thẩm định.
“Đến cuối tháng 4/2019, toàn bộ cọc giải phóng mặt bằng dài 654km của các dự án phải được bàn giao cho chính quyền địa phương, dự án của ban nào không xong, giám đốc của ban đó phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng nói và yêu cầu, công tác bàn giao cọc cho địa phương chỉ làm một lần, sau khi cọc được bàn giao, các ban QLDA phải chụp lại hình, xác định rõ vị trí để giám sát hàng ngày để quản lý cọc GPMB.
“Giám đốc các ban QLDA phải bố trí cán bộ để hàng ngày đều có người thăm tuyến nhằm phát hiện sự thay đổi hiện trạng, không để xảy ra tình trạng tại một số địa phương nơi dự án đi qua xuất hiện một số trường hợp cố ý xây dựng công trình trái phép để chờ đền bù giải phóng mặt bằng”, Bộ trưởng nói và gợi ý, các ban QLDA cần tham khảo kinh nghiệm của Công ty Đèo Cả trong công tác quản lý mặt bằng dự án cao tốc.
Các dự án của Đèo Cả, hàng ngày đều dùng flycam bay dọc tuyến, sau đó truyền dữ liệu trực tiếp về trung tâm kiểm soát để quản lý mặt bằng, khi có sự thay đổi trong phạm vi mặt bằng của dự án sẽ chỉ đạo xử lý ngay
Mời chuyên gia góp ý hồ sơ mời thầu 8 dự án PPP
Đề cập đến công tác thiết kế kỹ thuật 11 dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo, chậm nhất trong tháng 9/2019 phải phê duyệt xong hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán của toàn bộ 11 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam. Đồng thời, Vụ Đối tác công tư (PPP) cần sớm tổ chức hội thảo, mời các chuyên gia, cơ quan báo chí, đại biểu quốc hội tham gia góp ý vào dự thảo hồ sơ mời thầu.
“Vụ PPP phải tham mưu để Bộ GTVT đề nghị cơ quan có thẩm quyền rút ngắn thời gian đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định, phấn đấu cuối tháng 12/2019 sẽ kết thúc thời gian lựa chọn nhà đầu tư của 8 dự án cao tốc Bắc – Nam đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT”, Bộ trưởng nói.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng, tại cuộc họp kiểm điểm tiếp theo của dự án cao tốc Bắc – Nam, các ban QLDA phải báo cáo danh sách các nhà đầu tư quan tâm đến dự án. Sau đó, Bộ GTVT sẽ tổ chức các hội thảo nhằm cung cấp thông tin về dự án từ tổng mức đầu tư, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, nguồn vốn tín dụng,… đến các nhà đầu tư.
“Trong hồ sơ mời thầu quốc tế, Vụ PPP và các cơ quan liên quan phải nghiên cứu kỹ thông tư của Bộ KH&ĐT về quy định hướng dẫn đấu thầu quốc tế. Đồng thời, rà soát soát lại quy định để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà thầu của Việt Nam tham gia đấu thầu các dự án cao tốc Bắc – Nam”, Bộ trưởng nói thêm.
Liên quan đến thời gian khởi công các dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo, đối với 3 dự án sử dụng vốn đầu tư công (Cao Bồ – Mai Sơn, Cam Lộ – La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2), các ban QLDA phải khẩn trương thực hiện tốt công tác GPMB, công đoạn tổ chức đấu thầu thi công.
“Chậm nhất, tháng 6/2019, một số gói thầu của các dự án này phải được khởi công xây dựng”, Bộ trưởng nói và yêu cầu, đại diện chủ đầu tư phải rà soát lại cơ chế, linh động, tạo điều kiện cho các nhà thầu tạm ứng sau khi dự án khởi công.
Theo baogiaothong.vn