Công tác GPMB, tái định cư của dự án đã được tư vấn tính toán rất kỹ lưỡng nhằm hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến người dân.
Công tác GPMB cao tốc Bắc – Nam sẽ được tách thành các dự án độc lập theo địa giới các tỉnh, thành và giao các địa phương liên quan tổ chức thực hiện (Trong ảnh: 65km cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã được thông xe kỹ thuật và khai thác tạm từ 2/8/2017)
Theo Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông của Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp đang diễn ra thì giai đoạn 2017 – 2020 sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 3.736ha đất, di dời khoảng 2.020 hộ dân để đầu tư xây dựng 654km cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Chỉ giải phóng mặt bằng trong phạm vi đầu tư
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI – Tư vấn lập dự án) cho biết, trước đây, Chính phủ có chủ trương tiến hành GPMB toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam ngay từ đầu. Tuy nhiên, căn cứ vào nguồn kinh phí, tính hiệu quả của việc GPMB, qua nhiều lần họp bàn, Thường trực Chính phủ đã cân nhắc rất kỹ lưỡng và lựa chọn phương án chỉ GPMB trong phạm vi thực hiện đầu tư.
“Đối với những đoạn tuyến chưa thực hiện đầu tư sẽ chưa GPMP để tránh lãng phí đất đai”, ông Sơn nói và cho biết, Chính phủ đã xem xét và chỉ đạo GPMB với quy mô 4-6 làn xe, đồng thời thực hiện ngay việc cắm mốc lộ giới mỗi bên 17m giao cho địa phương, các cơ quan quản lý đường bộ quản lý nhằm hạn chế tối đa phát sinh khối lượng GPMB và phục vụ mở rộng trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch, mở rộng quy mô dự án 6-10 làn xe.
Trong Tờ trình “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, trên cơ sở kết quả rà soát, cập nhật số liệu về công tác GPMB, tái định cư theo ý kiến của các địa phương có liên quan, nhu cầu sử dụng đất để đầu tư một số đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020 khoảng 3.736ha, gồm: Đất trồng lúa khoảng 1.037ha, đất nông nghiệp khác khoảng 738ha, đất dân cư khoảng 220ha, đất lâm nghiệp khoảng 679ha, đất đồi núi khoảng 876ha, đất khác khoảng 186ha.
“Tổng số hộ bị ảnh hưởng khoảng 8.200 hộ, trong đó, dự kiến số tái định cư khoảng 2.020 hộ. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 14.155 tỷ đồng. Trong giai đoạn báo cáo nghiên cứu khả thi, sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án GPMB, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định”, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ.
Lý giải về việc phạm vi thực hiện đầu tư giai đoạn 2017-2020 (654km) nhưng diện tích và kinh phí GPMB (3.736ha, 14.155 tỷ đồng) lớn hơn so với phương án cũ đầu tư 713km (diện tích GPMB 3.523ha, kinh phí 13.028 tỷ đồng), ông Sơn cho biết, theo phương án trước đây, giai đoạn 2017- 2020 sẽ đầu tư xây dựng khoảng 713km cao tốc, trong đó có bao gồm việc mở rộng từ 2 làn lên 4 làn xe đoạn La Sơn – Túy Loan dài 66km. Thực tế, đoạn La Sơn – Túy Loan đã hoàn thành công tác GPMB từ trước nên không tính vào tổng diện tích và kinh phí GPMB.
“Phương án hiện nay, Chính phủ đã thống nhất chưa đầu tư mở rộng lên 4 làn xe đối với đoạn La Sơn – Túy Loan, thay vào đó là xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 dài 7km. Vì vậy, việc giảm phạm vi đầu tư từ 713km xuống 654km nhưng diện tích và kinh phí GPMB tăng lên là việc bổ sung khối lượng GPMB của cầu Mỹ Thuận 2”, ông Sơn thông tin.
Kinh nghiệm từ dự án mở rộng QL1 cho thấy, với sự vào cuộc quyết liệt, có trách nhiệm của chính quyền địa phương, khâu GPMB sẽ không còn là “điểm nghẽn”. (Trong ảnh: QL1 qua Thanh Hóa)
Kiến nghị GPMB ngay khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi
Đề cập đến phương án GPMB, Tờ trình của Chính phủ cho biết, công tác GPMB sẽ được tách thành các dự án độc lập theo địa giới các tỉnh, thành và giao các địa phương liên quan tổ chức thực hiện. “Phạm vi GPMB từ mép ngoài cùng của nền đường ra mỗi bên 3m đối với trường hợp không có đường gom và 1m trong trường hợp có đường gom. Thực hiện cắm mốc lộ giới mỗi bên 17m từ phạm vi đất GPMB và giao cho địa phương, các cơ quan quản lý đường bộ quản lý hành lang an toàn đường bộ, phục vụ mở rộng trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch với tầm nhìn dài hạn hơn”, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ.
Theo ông Phạm Hữu Sơn, công tác GPMB, tái định cư của dự án đã được tư vấn tính toán rất kỹ lưỡng nhằm hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến người dân, đồng thời xem xét tối giản để tránh các khu dân cư làm đảo lộn sinh hoạt của bà con. “Việc thực hiện phương án này sẽ không phải GPMB nhiều lần, vừa đảm bảo an toàn cho công trình trong quá trình khai thác, vừa đáp ứng khả năng mở rộng quy mô dự án lên 6-10 làn xe trong tương lai”, ông Sơn nói.
Liên quan đến cơ chế chính sách trong công tác GPMB, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư (PPP – Bộ GTVT) cho biết, theo quy định, phải phê duyệt thiết kế mới triển khai công tác cắm cọc GPMB. Tuy nhiên, sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đã cơ bản xác định được phạm vi GPMB, chỉ điều chỉnh nhỏ (nếu có) khi phê duyệt thiết kế.
Trong khi đó, công tác GPMB rất phức tạp và thường kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, đặc biệt đối với dự án đầu tư theo hình thức PPP, nhà đầu tư rất quan ngại vấn đề này. “Để đẩy nhanh tiến độ, tăng mức hấp dẫn nhà đầu tư, trong tờ trình, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép tiến hành GPMB ngay sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi”, ông Huy chia sẻ.
Theo báo www.baogiaothong.vn