Theo đề xuất, cao tốc Bắc – Nam phía Đông từ Nha Trang đến Phan Thiết sẽ có quy mô 4 làn xe…
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên,Thứ trưởng Nguyễn Nhật và đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế thị sát hiện trường dự án cao tốc Bắc – Nam
Ngày 11/6, Đoàn khảo sát thực tế của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã trực tiếp khảo sát hiện trường phục vụ xây dựng công trình cao tốc Bắc – Nam phía Đông qua 4 tỉnh. Đi cùng đoàn có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban khác của Quốc hội, lãnh đạo các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và các vụ, ngành chức năng…
Đoàn khảo sát đã trực tiếp kiểm tra hiện trường các dự án thành phần của dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông như dự án: Nha Trang – Cam Lâm; Cam Lâm – Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo – Phan Thiết: Phan Thiết – Dầu Giây để đánh giá sự cần thiết xây dựng đường cao tốc, tính kết nối của dự án, khả năng giải phóng mặt bằng…
Theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), theo đề xuất, cao tốc Bắc – Nam phía Đông từ Nha Trang đến Phan Thiết sẽ có quy mô 4 làn xe, cứ khoảng 4-5km sẽ có một điểm dừng xe khẩn cấp. Riêng đoạn từ Phan Thiết đến Dầu Giây sẽ được thiết kế 4 làn xe hoàn chỉnh bao gồm 2 làn dừng xe khẩn cấp. Tốc độ tối đa từ 100-120km/h. Tổng chiều dài tuyến từ Nha Trang đến Dầu Giây là 333km. Đoạn Dầu Giây – Phan Thiết là 98km. Tại các tuyến này địa hình, địa chất tương đối tốt, rất thuận lợi trong thi công đường cao tốc.
“Hiện nay, đoạn từ Nha Trang – Phan Thiết đang được nghiên cứu khả thi và đã được đánh giá tác động môi trường. Còn đoạn Phan Thiết – Dầu Giây đã được phê duyệt, cắm cọc GPMB toàn tuyến, và cũng đã được đánh giá tác động môi trường, sẵn sàng triển khai ngay công tác GPMB khi có kinh phí”, ông Sơn nói.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, hiện trên trục Bắc – Nam đã có đường Hồ Chí Minh và QL1 và một số đoạn tuyến ven biển, tuy nhiên đến năm 2020, nhu cầu vận tải sẽ vượt quá năng lực của cả hệ thống.
Đầu tư đường bộ cao tốc Bắc – Nam với vai trò là trục xương sống của hệ thống đường bộ quốc gia sẽ tạo sự đột phá về kết cấu hạ tầng đường bộ, với sức lan tỏa đến không chỉ 20 tỉnh, thành phố dự án đi qua mà sẽ tác động, ảnh hưởng tích cực đến một phạm vi rộng lớn hơn của đất nước, bao gồm các địa phương lân cận vùng dự án, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước là Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ và Tây Nguyên. Tạo cơ sở hạ tầng vững chắc cho phát triển KT – XH của đất nước trong giai đoạn sắp tới. “Hiện, Bộ GTVT đã làm việc và thống nhất với các địa phương về dự án. Chính phủ và Bộ GTVT cũng đang xây dựng phương án để trình Quốc hội” Thứ trưởng nói.
Theo báo www.baogiaothong.vn