Mở cửa “ốc đảo”
Từ thuở cha ông ta vừa đặt chân đến Bến Tre khai hoang lập ấp, dòng sông Tiền đã bao đời vang lên tiếng gọi “đò ơi”. Với sông mênh mông, nước mênh mông, bao đời cư dân mảnh đất cù lao này sống trong mơ ước có một cây cầu vượt sóng.
Người dân đôi bờ sông Tiền cũng hẳn chưa quên một thời chưa xa, để qua mỗi chuyến phà từ Bến Tre sang Tiền Giang, ít nhất cũng phải mất hơn 1 giờ đồng hồ. Vào những giờ cao điểm, hai đầu bến phà nườm nượp người xe, có khi kéo dài hàng cây số. Không ít ngày, hai đầu bến phà Rạch Miễu ùn tắc liên miên, kéo dài đằng đẵng từ 5h sáng đến 20h tối. Để qua phà, người dân phải nhích từng centimet, chen lấn giữa tiết trời nóng nực đến rã người của mảnh đất phương Nam.
Để phá thế gần như cô lập và cách trở sông nước của Bến Tre, dự án xây dựng cầu Rạch Miễu được nghiên cứu từ những năm 1980. Tuy nhiên, phải đến năm 2002, công trình mới được khởi công xây dựng. Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức cho rằng, đây là công trình đặc biệt quan trọng, không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, quốc phòng mà còn mang nặng nghĩa tình của bà con cả nước với Bến Tre, mảnh đất kiên trung, kiên cường theo cách mạng. Suốt những năm kháng chiến, xứ Dừa Bến Tre luôn là biểu tượng của lòng quả cảm với “quê hương của Đồng Khởi”, “đội quân tóc dài”, “bến tàu không số” …
Kỹ sư Nguyễn Duy Thắng – Trưởng phòng Thiết bị kỹ thuật Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) khi nhắc tới cầu Rạch Miễu vẫn không quên những tình cảm vô cùng thắm thiết mà người dân Bến Tre dành cho anh em thợ cầu. Xuất phát từ niềm mong mỏi bấy lâu có một cây cầu “mở cửa” cho ốc đảo nên bà con chờ đợi từng giây từng phút để được thấy cây cầu nên vóc nên hình. Ngày khánh thành, hàng ngàn người dân Bến Tre, Tiền Giang từ hai đầu cầu nô nức rủ nhau đi tham quan cây cầu lộng gió, cây cầu dây văng đầu tiên 100% do thợ cầu Việt Nam xây dựng.
“Dù đã tham gia xây dựng nhiều công trình trên khắp chiều dài đất nước nhưng chưa khi nào tôi thấy có sự quan tâm đến vậy. Để động viên tinh thần cán bộ, công nhân trên công trường, có khi tháng vài lần, lãnh đạo tỉnh Bến Tre trực tiếp xuống tặng quà, động viên, thăm hỏi”- kỹ sư Thắng kể.
Từng có kiến nghị chỉ xây… “nửa cầu”
Theo phong thủy, địa thế xây dựng cầu Rạch Miễu khá đặc biệt. Cây cầu bắc qua bốn cồn đất nằm giữa sông mà người dân nơi đây vẫn coi là “tứ linh” gồm: “Long – Ly – Qui – Phụng”. Cồn Qui và cồn Phụng thuộc tỉnh Bến Tre còn cồn Long và Ly (hay còn gọi là cồn Thới Sơn) thuộc địa giới hành chính Tiền Giang. Ít ai biết, trong thời điểm khó khăn về nguồn vốn trước khi khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu, đã có ý kiến đề xuất chỉ xây cầu từ phía Tiền Giang sang đến cồn Thới Sơn (cồn Lân) rồi sau đó sẽ tiếp tục đi phà để lên bờ phía Bến Tre, phần còn lại sẽ xây dựng tiếp khi có điều kiện. Tuy nhiên, ý kiến này đã bị bác bỏ ngay lập tức bởi, giải pháp nửa vời này chẳng thể giải quyết được nhu cầu đi lại của người dân và đặc biệt QL60 vẫn chưa được nối thông.
Ông Chu Ngọc Sủng, trước khi xây cầu Rạch Miễu đang là Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế cầu lớn – hầm, đồng thời là Chủ nhiệm dự án thiết kế công trình cầu Rạch Miễu nhớ lại, thời điểm đó để thuyết phục các cơ quan chức năng về việc sử dụng 100% nội lực để xây dựng cầu dây văng Rạch Miễu vô cùng khó khăn. Các cuộc họp ngay tại trụ sở Bộ GTVT, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta chưa thể đủ năng lực thực hiện việc này. Thậm chí sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có văn bản đề nghị Bộ GTVT phải khẳng định chắc chắn việc sử dụng nguồn lực trong nước để làm cầu Rạch Miễu thành công.
Tuy nhiên, với những kiến thức cơ bản, kinh nghiệm tích lũy trong những lần hợp tác với nước ngoài, xây dựng cầu dây văng Mỹ Thuận, chúng tôi khẳng định với Bộ GTVT hoàn toàn có thể làm được và làm tốt. “Trước đó, cầu dây văng Đắk Rông (Quảng Trị) cũng đã từng được các kỹ sư và thợ cầu Việt Nam thi công thí điểm. Với những lý lẽ thuyết phục, cuối cùng, Bộ GTVT đã quyết định xây dựng cầu Rạch Miễu bằng tất cả nội lực của mình” – ông Sủng tự hào nói.
Không chỉ gặp khó khăn khi thuyết phục thực hiện dự án, những kỹ sư tư vấn thiết kế còn gặp phải những tranh cãi xung quanh việc khảo sát, thiết kế hướng tuyến. Khi bắt tay vào thiết kế, nhiều ý kiến tại địa phương không đồng ý với hướng tuyến do đơn vị tư vấn đưa ra. Tuy nhiên, theo ông Sủng, với những kinh nghiệm và tính toán kỹ lưỡng, chúng tôi xác định vị trí cách bến phà Rạch Miễu 1km, bắc qua cồn Thới Sơn là vị trí lý tưởng nhất bởi nó rút ngắn được gần 100m so với phương án của địa phương đưa ra. Hơn nữa, việc thiết kế cầu bắc qua cồn Thới Sơn và đảo dừa sẽ phát huy được những giá trị du lịch tại đây. Thế nhưng khi ấy, bàn đi bàn lại rất nhiều vẫn không thể thống nhất được. Cuối cùng, đơn vị thiết kế đã phải xin gặp riêng Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre để thuyết phục.
Tiền Giang, Bến Tre ứng vốn cho Rạch Miễu
Cầu Rạch Miễu được khởi công ngày 30/4/2002 nhưng sau đó do khó khăn về vốn nên phải đình lại. Năm 2004, dự án mới được tái khởi động. Kỹ sư Nguyễn Duy Thắng cho biết, từ chỗ không có liên quan gì đến dự án, Cienco 1 đã được Bộ GTVT tín nhiệm cử làm lãnh đạo liên doanh để triển khai thi công.
Thời kỳ đó, việc xây dựng các công trình cơ bản gặp rất nhiều khó khăn vì vay tiền ngân hàng rất khó, có vay được thì lãi suất cũng rất cao, có thời điểm lên đến 20%. Rồi giá vật tư, vật liệu liên tục leo thang. Khi lập dự toán, giá thép chỉ có 6.700 đồng/kg thì đến lúc khởi công đã lên tới hơn 20.000 đồng/kg. Vướng mắc ở chỗ khi thanh toán thì nhà thầu chỉ được giải quyết theo dự toán.
Rất may sau đó Bộ GTVT đã có những tháo gỡ kịp thời. Bên cạnh sự quan tâm của lãnh đạo Bộ, chính quyền hai tỉnh cũng tạo mọi điều kiện. Thậm chí, hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre còn tạm dừng lại một số dự án trong tỉnh để lấy vốn ứng trước cho cầu Rạch Miễu. Những sự quan tâm ấy là “liều thuốc” quý báu để công trình tiếp tục về đích, khích lệ tinh thần của các nhà thầu.
Do lần đầu tiên làm cầu dây văng khẩu độ lớn lại thi công trong điều kiện sông nước, thời tiết không thuận lợi nên những thợ cầu Việt Nam không khỏi bỡ ngỡ. Tuy nhiên càng khó khăn, thợ cầu Việt Nam càng chứng tỏ được bản lĩnh và sự sáng tạo của mình. Đã có rất nhiều công nghệ lần đầu tiên được áp dụng cho công trình này như: Dùng xi măng mác cao tới 50 MPA; Thiết kế, chế tạo các kết cấu phục vụ việc thi công tháp và dầm…
Đầu năm 2009, cầu Rạch Miễu được đưa vào khai thác bằng những nỗ lực không mệt mỏi của đơn vị thi công, chủ đầu tư dự án, của chính quyền và người dân Bến Tre, Tiền Giang. Đến bây giờ, nhiều người vẫn thường gọi Rạch Miễu bằng cái tên “cầu dây văng thương hiệu Việt”.
Cầu Rạch Miễu là một kỳ tích của sức mạnh tự lực, tự cường, của niềm tin sắt đá, tinh thần lao động sáng tạo, quả cảm, vượt muôn ngàn khó khăn, thử thách của hàng ngàn kỹ sư, công nhân trong 6 năm đằng đẵng”.
Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng
“Trong quá trình thực hiện cầu Rạch Miễu, có những thời điểm tưởng chừng không có lối thoát, thậm chí có ý kiến đề xuất “bán” lại dự án cho chủ đầu tư khác. Nhưng với trách nhiệm, khát vọng và niềm tin của “người GTVT”, tất cả đã đồng lòng, chung sức vượt qua bao khó khăn để nối xong đôi bờ Tiền Giang bằng cây cầu dây văng đầu tiên hoàn toàn được xây bằng bàn tay, khối óc của những kỹ sư, thợ cầu người Việt”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức
Theo giaothongvantai.com.vn