Sáng nay (2/6), ACV ký hợp đồng với tư vấn khảo sát và lập FS giai đoạn 1”, sân bay Long Thành.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chứng kiến lễ ký hợp đồng “Tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1”, Dự án CHK quốc tế Long Thành
Liên danh Nhật – Pháp – Việt trúng thầu
Sáng nay (2/6), TCT Cảng hàng không VN (ACV) tổ chức ký Hợp đồng “Tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1”, Dự án CHK quốc tế Long Thành.
Báo cáo tại buổi ký kết, Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cho biết từ tháng 11/2017, ACV đã khẩn trương tiến hành các thủ tục đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) giai đoạn 1 dự án.
Sau 6 tháng, ACV đã lựa chọn được tư vấn trúng thầu là liên danh Nhật Bản – Pháp – Việt Nam (Viết tắt là liên danh nhà thầu JFV). Đồng thời, ACV cũng hoàn thành thủ tục chỉ định thầu tác giả của phương án kiến trúc “Bông sen” (Công ty Heerim Architects & Planners Co., Ltd – Hàn Quốc) là nhà thầu phụ đặc biệt lập thiết kế cơ sở nhà ga hành khách trong gói thầu tư vấn lập FS tổng thể của giai đoạn 1 sau khi phương án kiến trúc nhà ga được Bộ GTVT lựa chọn vào tháng 3/2018.
Theo ông Lại Xuân Thanh, việc hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi đúng tiến độ, ACV đã báo cáo Bộ GTVT kế hoạch chi tiết bảo đảm hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 6/2019; Chuẩn bị sẵn nguồn lực và tiến hành các công việc chuẩn bị đầu tư để có thể khởi công dự án vào cuối năm 2020, hoàn thành và đưa vào khai thác chậm nhất năm 2025.
“Việc triển khai thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ được thực hiện từ tháng 6/2018 – 6/2019; Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi từ 7/2019 – 9/2019 trước khi trình Quốc hội thông qua dự án vào tháng 10/2019”, ông Thanh thông tin thêm.
Chuẩn bị sẵn mọi nguồn lực đầu tư cho Long Thành
Liên quan đến vốn triển khai dự án, ông Thanh cho hay, ngoài các nguồn vốn ngân sách nhà nước (GPMB, xây dựng trụ sở các cơ quan QLNN tại cảng), vốn của TCT Quản lý bay VN (đối với công trình bảo đảm hoạt động bay), vốn xã hội hoá (các công trình cung cấp dịch vụ thương mại như bảo dưỡng tàu bay, xuất ăn hàng không, xăng dầu hàng không…), ACV sẽ cân đối nguồn vốn tự có bảo đảm 50% tổng vốn đầu tư xây dựng giai đoạn 1 đối với các công trình chính của cảng gồm: khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay; hệ thống kỹ thuật khu bay, hệ thống tra nạp nhiên liệu ngầm; …); nhà ga hành khách, nhà ga hàng hoá, nhà khách VIP… Phần vốn còn lại ACV sẽ huy động từ nguồn vay, trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi ký kết, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: Việc thực hiện gói thầu “Tư vấn khảo sát và lập FS giai đoạn 1” của CHK quốc tế Long Thành đã quy tụ được các công ty tư vấn lớn, có năng lực, kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực thiết kế các cảng hàng không lớn trên thế giới và trong nước.
Về phía các nhà thầu tư vấn, Công ty HEERIM đã được chỉ định là nhà thầu phụ đặc biệt lập thiết kế cơ sở nhà ga hành khách CHK quốc tế Long Thành.
“Bộ GTVT đề nghị Công ty phối hợp chặt chẽ với Tư vấn chính là Liên danh JFV để đảm bảo hiện thực hóa các ý tưởng thiết kế kiến trúc của mình theo đúng thỏa thuận, cam kết với tư vấn chính và chủ đầu tư. Bộ GTVT tin tưởng rằng với trách nhiệm, kinh nghiệm và năng lực của mình, tư vấn chính – Liên danh JFV sẽ sát cánh cùng Công ty HEERIM chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ theo hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư, góp phần khẳng định tên tuổi, uy tín của các công ty tư vấn Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc và Việt Nam”, Thứ trưởng nói.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng yêu cầu ACV nỗ lực tối đa, chỉ đạo tư vấn hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi đảm bảo chất lượng lượng và đáp ứng tiến độ trình Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2019.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu ACV nỗ lực tối đa, chỉ đạo tư vấn hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi đảm bảo chất lượng lượng
Được biết, liên danh JFV bao gồm các công ty nổi tiếng hàng đầu về tư vấn, thiết kế trong lĩnh vực CHK với nhiều năm kinh nghiệm thực hiện các dự án CHK, nhà ga hành khách lớn, tiêu biểu trên thế giới, đạt chất lượng cao.
Cụ thể, Japan Airport Consultants (JAC) là tư vấn hàng đầu và duy nhất chuyên về CHK của Nhật, đã tham gia các công trình lớn của Nhật và trên thế giới như: Papua New Guinea, Philippines, Ai Cập, Sri Lanka, Tajikistan, Hàn Quốc, Panama… Tại Việt Nam, đây cũng là tư vấn thiết kế và giám sát 2 dự án nhà ga hành khách quốc tế tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài; Là tư vấn chính trong công tác quy hoạch tổng thể CHK quốc tế Long Thành cũng như nghiên cứu tiền khả thi dự án “Xây dựng CHK quốc tế Long Thành.
ADPi cũng là cái tên “đáng nể” thuộc Tập đoàn ADP của Pháp với nhiều năm kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực thiết kế các CHK, nhà ga hành khách trên thế giới đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, hiệu quả trong khai thác. Công ty đã thực hiện quy hoạch tổng thể cho CHK Paris Charle de Gaulle. Doanh nghiệp này cũng góp mặt tại nhiều dự án lớn ở: Ethiopia, Bahrain, Hàn Quốc, Philippines, Myanmar, Dubai… Đặc biệt, ADPi đã tham gia lập quy hoạch tổng thể CHK quốc tế Long Thành cùng với tư vấn đứng đầu liên danh là JAC.
Tư vấn Nippon Koei trong liên danh này cũng rất nổi tiếng với kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án lớn trên thế giới. Một cái tên khác cũng đến từ Nhật Bản là Oriental Consultants Global nổi tiếng với tư cách là công ty tư vấn thực hiện quy hoạch tổng thể, thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết phát triển CHK quốc tế mới Mandalay (Myanmar)…
Hai thành viên khác trong liên danh đến từ Việt Nam là Công ty Tư vấn và thiết kế công trình hàng không (ADCC) và TCT Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cũng là những cái tên hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn xây dựng công trình giao thông. TEDI với tư cách là thành viên liên danh sẽ chủ trì thực hiện phần kết nối giao thông đồng thời phối hợp với Nippon Koei (Nhật bản); OCG (Nhật Bản) trong việc thiết kế dân dụng cho mặt bằng và Quy hoạch giao thông tĩnh.
Nhà thầu phụ đặc biệt lập thiết kế cơ sở nhà ga hành khách trong gói thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi tổng thể giai đoạn 1 là Heerim Architects & Planners. Đây là doanh nghiệp hàng đầu ngành công nghiệp kiến trúc Hàn Quốc với doanh thu khoảng 131 triệu USD/năm với nhiều kinh nghiệm tại khoảng 150 dự án trên toàn cầu.
Theo T. Bình báo www.baogiaothong.vn