Đà Nẵng vừa tổ chức thi tuyển quốc tế để chọn ra phương án xây dựng công trình giao thông qua sông Hàn.
Phối cảnh miệng hầm chui bờ Tây sông Hàn kết hợp nút giao khác mức tại nút Đống Đa – 3/2 của Công ty BRITEC
Đà Nẵng vừa tổ chức thi tuyển quốc tế để chọn ra phương án xây dựng công trình giao thông qua sông Hàn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, rất khó có phương án hoàn hảo cho hầm chui hay cầu vượt sông này.
Hầm chui có “Lép vế” cầu vượt?
7 phương án thiết kế công trình giao thông qua sông Hàn vừa được 11 đơn vị hợp thành 6 liên danh (cả trong và ngoài nước) trực tiếp trình bày với Hội đồng giám khảo do UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Sở GTVT Đà Nẵng tổ chức thi tuyển (ngày 25/9). Vị trí triển khai bờ Tây được xây dựng tại nút giao thông Đống Đa – Như Nguyệt (quận Hải Châu) và bờ Đông tại nút giao thông Vân Đồn – Lê Văn Duyệt – Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà). Đề bài được UBND TP Đà Nẵng đặt ra là hạn chế tối đa việc GPMB, đảm bảo kết nối giao thông thuận lợi cho hai quận Sơn Trà – Hải Châu, tạo thêm điểm nhấn kiến trúc độc đáo trên sông Hàn. Cùng đó là tính thẩm mỹ, thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động lễ hội trên sông Hàn và hạn chế tối đa ảnh hưởng tác động của công trình đến dòng chảy trên sông Hàn; Tổ chức giao thông rành mạch, hạn chế xung đột.
Dù “lép vế” khi là phương án hầm chui duy nhất được trình bày, nhưng Công ty CP Tư vấn thiết kế Cầu lớn – Hầm (BRITEC – Bộ GTVT) liên danh với Oriental Consultants Global Company LTD (Nhật Bản) tái khẳng định, ý tưởng xây hầm chui qua sông dài 1.300m đã được nghiên cứu rất công phu, kỹ lưỡng. Khác với báo cáo phương án lần 1, lần này, BRITEC thêm điểm nhấn bằng nút giao thông khác mức và đường gom vào hầm ở phía bờ Tây. Tổng mức đầu tư dự án 4.100 tỷ đồng, chi phí vận hành 26,4 tỷ đồng/năm.
6 phương án còn lại đều chọn giải pháp xây cầu. Trong đó, Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng GTVT Việt Nam đưa ra phương án cầu dây văng tháp cánh buồm gần 2.800 tỷ đồng hoặc tháp chim hạc 2.600 tỷ đồng. Liên danh Công ty TNHH Chodai (Nhật Bản) và Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng giao thông đề xuất phương án cầu nâng hình con thuyền có tổng vốn từ 1.200 – 1.500 tỷ đồng. Công ty CP Tư vấn Thiết kế GTVT Hà Nội với phương án cầu vượt nổi hình cánh buồm kết hợp cầu nâng, tổng vốn 1.900 tỷ đồng. Liên danh Công ty TNHH Đầu tư VTCO và Công ty Tư vấn Pedelta S.L (Tây Ban Nha) đề xuất phương án cầu nổi hình chim phượng với tổng vốn 2.500 – 2.700 tỷ đồng. Còn Liên danh Công ty OTB (Anh) và Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng EEC có phương án cầu nổi vòm 2.200 tỷ đồng.
Điều dễ nhận thấy, sự tương phản rất lớn giữa cầu và hầm chui thể hiện ở kinh phí xây dựng, kỹ thuật công trình và tầm nhìn ra qua sông. Theo ban giám khảo, sở dĩ chỉ có một phương án hầm chui vì các liên danh nhận thấy cầu vượt sẽ tạo thêm điểm nhấn kiến trúc trên sông Hàn, chi phí xây dựng và duy tu thấp cùng việc dễ gây ấn tượng với các hình dạng (kết hợp truyền thuyết) đẹp mắt, đánh mạnh vào thị giác của người xem. Trong khi đó, với hầm chui, dù đáp ứng tốt “đề bài” do Đà Nẵng đặt ra nhưng có điểm bất lợi ở chi phí khá cao, việc thi công và bảo dưỡng phức tạp.
Khó có phương án hoàn hảo theo kiểu “ngon, bổ, rẻ”
Theo PGS. TS. Hoàng Phương Hoa, Trưởng bộ môn Cầu hầm (ĐH Bách khoa Đà Nẵng), đây là một lựa chọn mang tính lịch sử, một công trình để lại cho nhiều đời sau nên phải tuyển chọn kỹ càng. Tuy nhiên, rất khó để có phương án hoàn hảo theo kiểu “ngon, bổ, rẻ”. “Muốn ngon, bổ thì phải đắt. Ngay từ đầu tôi đã lưu ý nếu làm hầm thì khó xử lý được ô nhiễm bụi, tiếng ồn. Nhưng vẫn có thể giải quyết được nếu đơn vị thi công sử dụng các kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài. Rất khó để phương án giải quyết tốt yêu cầu hài hòa giữa kiến trúc và thi công”, ông Hoa đánh giá.
“Thiết kế đẹp nhưng phải tính đến tính khả thi khi thi công và khai thác. Cá nhân tôi thấy nếu thiết kế khéo léo vẫn giữ được cảnh quan sông Hàn. Riêng về hầm, tôi thấy phương án của BRITEC cần giải quyết tốt vị trí tạo khúc cua (hình chữ L – PV) khi xuống dốc để tránh nguy cơ mất ATGT”, ông Hoa nói thêm.
Trao đổi về phương án hầm chui của mình, đại diện Công ty BRITEC khẳng định, đã tính toán kỹ lưỡng việc đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, an toàn cho người dân sau hơn một năm nghiên cứu. “Chúng tôi cũng tính đến giải pháp làm cầu. Nhưng với yêu cầu hạn chế việc ảnh hưởng của công trình tới các hoạt động trên sông (như đua thuyền) phải làm cầu tĩnh không cao sẽ phá vỡ cảnh quan sông Hàn và GPMB lớn. Nếu làm cầu thấp, kỹ thuật nâng – hạ cầu phức tạp. Trong khi đó, về hầm, khi thi công rất khả thi vì hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ của nước ngoài, kể cả việc khử âm”, vị này cho biết.
Theo kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Đà Nẵng, việc xây thêm cầu sẽ làm mất không gian và vẻ đẹp của dòng sông, biến sông Hàn thành con kênh chật chội và làm xấu đi cấu trúc đô thị. “Hầm chui là phương án tốt nhất dù tốn nhiều tiền đầu tư và vận hành”, ông Huy nói và kiến nghị, Đà Nẵng cần xem xét kỹ vị trí xây hầm chui có tuyến metro đi qua trong tương lai không, từ đó có thể nghiên cứu kết hợp 2 trong 1.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Đà Nẵng muốn giữ lại khoảng mặt sông rộng rãi duy nhất còn lại trên sông Hàn phục vụ đua thuyền, các lễ hội trên sông và có khả năng chỉnh sửa thiết kế về sau… thì giải pháp hầm chui là phù hợp nhất. Hơn nữa, cảng sông Hàn (cách vị trí dự kiến làm công trình khoảng 500m) đang được Đà Nẵng quy hoạch thành bến tàu du lịch. Việc làm hầm sẽ giúp công năng của cảng này phát huy tối đa.
Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung cho biết, sau khi ban giám khảo cho điểm các phương án, Sở sẽ trình lãnh đạo thành phố cho ý kiến và quyết định. Theo một thành viên ban giám khảo, sau khi quyết được hầm hoặc cầu, Đà Nẵng sẽ tiếp tục tổ chức thi tuyển thiết kế cho riêng phương án được chọn.
Nguồn báo www.baogiaothong.vn