Vùng Tây Bắc là địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh và đối ngoại của cả nước. Với điều kiện tự nhiên khá tương đồng, có thể nói các tỉnh Tây Bắc có nhiều điểm chung về tiềm năng và điều kiện phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, có ưu thế về tài nguyên, khoáng sản, thủy điện, thủy sản; phát triển cây công nghiệp, cây dược liệu, các loại rau quả cũng như thế mạnh về chăn nuôi gia súc và phát triển kinh tế cửa khẩu.
Đặc biệt, vùng Tây Bắc sở hữu tiềm năng du lịch rất lớn với thiên nhiên, văn hóa đặc sắc và các địa danh lịch sử hào hùng. Được ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ, riêng có về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái, Tây Bắc có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt. Ngày 22/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 201/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030“. Theo đó, phê duyệt danh mục các khu du lịch Quốc gia thuộc vùng Tây Bắc như: Khu du lịch hồ Hòa Bình (Hòa Bình), Khu du lịch Mộc Châu (Sơn La), Khu du lịch Điện Biên Phủ – Pá Khoang (Điện Biên)…
Quy hoạch tỉnh Hòa Bình
Tuy nhiên đến nay, vùng Tây Bắc vẫn là khu vực nghèo nhất cả nước còn nhiều khó khăn, thách thức như: Quy mô nền kinh tế nhìn chung còn nhỏ, hiệu quả thấp, thiếu sức cạnh tranh; Số lượng dân cư thấp, mật độ thưa thớt; Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; Tỷ lệ hộ nghèo cao, diện cận nghèo và tái nghèo còn lớn; Tình trạng di cư tự do và các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo hoạt động trái pháp luật diễn ra phức tạp… Đặc biệt, trong khi kết cấu hạ tầng được coi là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, thì kết cấu hạ tầng của vùng Tây Bắc vừa thiếu, vừa yếu, không phát huy, khai thác được những tiềm năng, thế mạnh của vùng. Trong đó, khó khăn nhất là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Về giao thông đường thủy, khu vực Tây Bắc có nhiều dãy núi cao, là nơi phát nguyên của nhiều dòng sông, suối. Tuy nhiên do địa hình cao, độ dốc lớn, lòng sông nhỏ hẹp, điều kiện tự nhiên chỉ phù hợp để khai thác tiềm năng về thủy điện (Thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La…), nhưng lại không có lợi thế trong khai thác giao thông đường thủy. Về giao thông đường sắt, cũng do khó khăn về điều kiện địa hình, khu vực Tây Bắc chưa được kết nối với mạng lưới đường sắt. Về giao thông hàng không, trong khu vực hiện có một số sân bay hoạt động, tuy nhiên không phát huy được hiệu quả do nhu cầu vận chuyển thấp, chi phí cao, khả năng kết nối các khu vực quanh sân bay còn hạn chế. Do đó, giao thông đường bộ là lựa chọn có nhiều lợi thế nhất để ưu tiên đầu tư xây dựng, kết nối trực tiếp với vùng Thủ đô, từ đó liên kết với hệ thống hạ tầng giao thông trên cả nước.
Trước thực trạng đó, ngày 17 tháng 5 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 579/QĐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (tỉnh Sơn La) theo hình thức đối tác công tư. Mục tiêu đầu tư tuyến đường nhằm kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh Tây Bắc, các khu kinh tế, khu du lịch Quốc gia, khu công nghiệp, phục vụ mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng – an ninh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Kết nối các khu vực lân cận và dọc tuyến để tạo điều kiện phát triển cho các khu vực này, đặc biệt là sự phát triển khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình và khu du lịch Quốc gia Mộc Châu và các dự án khác trong khu vực; Kết nối khu vực chính của tỉnh Hòa Bình và tỉnh Sơn La, thay đổi tình trạng Quốc lộ 6 là đường độc đạo. Dự án được phê duyệt dưới hình thức hợp đồng hỗn hợp (kết hợp BOT và BT). Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La được giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La trong quá trình thực hiện dự án.
Đến nay, tuyến đường đã được cập nhập trong quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 và được xác định được đầu tư hoàn thành trước năm 2030. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện do gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách khi áp dụng hình thức hợp đồng hỗn hợp, đồng thời do tổng mức đầu tư lớn, phương án tài chính dự kiến là không khả thi, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã có đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép dừng thực hiện dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (tỉnh Sơn La) theo hình thức đối tác công tư; Đồng thời đề xuất cho phép thực hiện dự án theo hình thức đầu tư công (Tờ trình số 66/TTr-UBND ngày 16/4/2021 và Báo cáo số 384/BC-UBND ngày 14/10/2021, Tờ trình số 258/TTr-UBND ngày 08/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La; Tờ trình số 232/TTr-UBND ngày 29/11/2021 của UBND tỉnh Hòa Bình). Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình và Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La sẽ chịu trách nhiệm triển khai nghiên cứu, đề xuất đầu tư các đoạn tuyến theo hình thức đầu tư công trên địa phận mình quản lý. Đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có chiều dài khoảng 53 km, trên địa bàn tỉnh Sơn La có chiều dài khoảng 31 km.
Phạm vi nghiên cứu dự án
Do khó khăn trong việc bố trí ngay nguồn vốn để thực hiện toàn bộ dự án, phương án đầu tư hiện chia tuyến đường thành 03 đoạn để triển khai, cụ thể như sau:
– Đoạn tuyến từ Km0 – Km19 (thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình): Đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 440/NQ-HĐND ngày 28/4/2021 và Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 29/7/2021. Dự án có tổng mức đầu tư 4.120 tỷ đồng, nằm trong danh mục kế hoạch vốn nguồn ngân sách Trung ương bố trí giai đoạn 2021 – 2025 theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Số vốn Trung ương đã bố trí là 2.500 tỷ đồng, bao gồm 1.600 tỷ đồng để thực hiện đoạn Km0 – Km19 (từ Hòa Bình – Đà Bắc), và 900 tỷ đồng để cùng ngân sách địa phương (1.620 tỷ đồng) thực hiện đoạn liên kết vùng từ Hòa Bình – Kim Bôi.
– Đoạn tuyến từ Km53 – Km84 (thuộc địa phận tỉnh Sơn La): Đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 277/NQ-HĐND ngày 12/5/2021. Dự án có tổng mức đầu tư 3.307 tỷ đồng, nằm trong danh mục kế hoạch vốn nguồn ngân sách Trung ương bố trí giai đoạn 2021 – 2025 theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 với số vốn Trung ương đã bố trí là 1.700 tỷ, số vốn của địa phương là 1.607 tỷ đồng.
– Đoạn từ Km19 – Km53 (thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình): Hiện đang được Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình nghiên cứu sơ bộ phương án thực hiện theo phương án tuyến đã được thống nhất cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La và Bộ Giao thông vận tải. Qua khảo sát đánh giá, tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.777 tỷ đồng.
Hiện nay, ngoài việc kết nối với tỉnh Hòa Bình và tỉnh Sơn La, tuyến đường Hòa Bình – Mộc Châu (tỉnh Sơn La) còn giúp hình thành nút giao thông liên vùng: Sơn La, các tỉnh Tây Bắc – Hà Nội, Hòa Bình, đường Hồ Chí Minh – Phú Thọ, các tỉnh vùng núi phía Bắc, trong đó, đoạn tuyến từ Km19 – Km53 đóng vai trò then chốt, đảm bảo việc thông tuyến, kết nối theo hướng Sơn La và các tỉnh Tây Bắc. Việc chậm triển khai đoạn tuyến này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng khai thác của toàn bộ trục giao thông liên vùng, tạo điểm nghẽn, không phát huy được tối đa hiệu quả đầu tư các dự án đang triển khai thực hiện.
Ngoài ra, sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, việc đầu tư xây dựng hoàn thiện đoạn tuyến từ Km19 – Km53 sẽ giúp nâng cao tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế tại địa phương, cải thiện sức chống chịu, năng lực cạnh tranh theo tinh thần Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 10/11/2021 về phiên họp thường kỳ tháng 10 năm 2021 của Chính phủ.
Tổng công ty TVTK GTVT – CTCP (TEDI) là đơn vị thực hiện bước lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đã và đang tích cực phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình và Sơn La triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án.
Một số hình ảnh kiểm tra thực địa dự án của TEDI và các địa phương:
Làm việc về dự án đường liên kết vùng tỉnh Hòa Bình trong đó có đoạn từ Km0-Km19 thuộc dự án đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu
Kiểm tra vị trí lòng hồ sông Đà
Phối cảnh cầu Hòa Sơn (dự kiến)
Kiểm tra hiện trường đoạn tuyến thuộc địa phận tỉnh Sơn La