Năm 2015 ngành GTVT dẫn đầu trong các bộ ngành về công tác Cổ phần hóa sắp xếp doanh nghiệp, kết quả này cũng được xem là động lực lớn cho toàn ngành trong mục tiêu đã đặt ra trong năm 2016. Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) là một trong những đơn vị đã hoàn thành được mục tiêu đã đặt ra.
Là đơn vị có bề dày kinh nghiệm về tư vấn thiết kế, Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI) đã tạo ra những giá trị đặc biệt, gắn liền với mỗi công trình giao thông của đất nước qua các thời kỳ.
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT, TEDI đã xây dựng, triển khai mô hình CPH Tổng công ty và các đơn vị thành viên ngay trong năm 2014, trong khi lộ trình phải đến năm 2015 (10 đơn vị thành viên đã thực hiện CPH từ 2005 – 2006, trong đó, Công ty mẹ – Tổng công ty nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên. Năm 2014, TEDI thực hiện CPH Công ty Mẹ – TCT).
Trước khi CPH, tài sản của TEDI chưa được làm rõ nên giá trị chưa được nhìn nhận và đánh giá một cách chính xác. Khi tiến hành CPH, giá trị doanh nghiệp được xác định cụ thể, từ đó, TEDI có cơ sở và tạo niềm tin vững chắc khi được giao trọng trách là người tiên phong đối với mỗi công trình giao thông.
Không chỉ riêng TEDI mà đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, muốn phát triển bền vững phải đặc biệt coi trọng hệ thống quản trị, luôn đào tạo, chăm lo người lao động, tạo động lực để người lao động gắn bó lâu dài. Đây là giá trị cốt lõi giúp TEDI đứng vững và phát triển trong cơ chế thị trường.
Với số vốn sở hữu hơn 173 tỷ đồng, so với trước CPH là 90 tỷ đồng thì rõ ràng con số lớn hơn gấp đôi, điều đó đòi hỏi TEDI phải có chiến lược và hoạch định rõ ràng cho bài toán sản xuất, kinh doanh khi chuyển đổi sang mô hình mới. Trước yêu cầu đó, người lãnh đạo phải quản trị doanh nghiệp chặt chẽ hơn, chi tiết hơn, tiết kiệm hơn, chế độ chăm sóc người lao động phải được tốt hơn. Một sản phẩm của TEDI được làm nên bởi tập thể, trong đó mỗi cá thể được xác định là mắt xích quan trọng và tham gia vào tất cả các khâu như: Khảo sát, thiết kế, dự toán, đánh giá hiệu quả, dự báo… Và, cũng chính những con người đó sẽ tiếp tục đi cùng dự án để theo dõi sản phẩm của chính mình, thực hiện chính sách hậu mãi của Tổng công ty khi sản phẩm đưa vào khai thác, vận hành. Vì vậy, TEDI luôn duy trì và đào tạo đội ngũ nhân lực để nâng cao trình độ, tạo sự hài lòng và tin tưởng đối với các đối tác.
TEDI luôn xác định CPH phải đảm bảo hài hòa lợi ích của 3 chủ thể là Cổ đông – Người lao động – Doanh nghiệp. Nếu 3 chủ thể đó thống nhất về mục tiêu, ý chí và hành động thì doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững. Trong đó, yếu tố cốt lõi được TEDI quán triệt là doanh nghiệp càng phát triển thì càng phải khẳng định người lao động là chủ thể quan trọng và được hưởng những quyền lợi từ sự phát triển đó.
Hiện tại, phần vốn thuộc sở hữu của Nhà nước tại TEDI là 29%. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GTVT, TEDI đã trình phương án thoái vốn, trong đó sẽ bán 30% ra thị trường, còn lại 70% bán thỏa thuận cho người lao động để chọn lựa các nhà đầu tư, những cổ đông có chung mục tiêu và định hướng phát triển của Tổng công ty. Sở dĩ 70% cổ phần dự kiến được bán cho người lao động là bởi HĐQT và Ban lãnh đạo TEDI xác định, CPH phải giữ được người lao động, nếu CPH không giữ và vì người lao động thì sẽ mất đi giá trị và mục tiêu của doanh nghiệp. Đó chính là nền tảng để làm nên một TEDI như ngày hôm nay.
Có thể khẳng định, sau khi CPH, bộ máy của TEDI vẫn vận hành trơn tru, đúng hướng đích và có hiệu quả, các công ty con đều có bước phát triển ổn định. Đặc biệt, sự thay đổi lớn nhất chính là trong tư duy và phương pháp quản trị doanh nghiệp. Từ đó, một số đơn vị tư vấn trước kia hoạt động yếu thì nay đã có những bước tiến đáng ghi nhận.
Sau CPH, về mặt tổng thể, hoạt động của hệ thống cơ bản được giữ nguyên, nhưng cũng đã có sự điều chỉnh để phù hợp với mô hình mới. Ngay từ đầu năm 2015, Đại hội cổ đông của Công ty mẹ và các công ty con đã được tổ chức để đề ra chiến lược sản xuất, kinh doanh, đồng thời, TEDI cũng đã thay đổi Điều lệ của Tổng công ty cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp ngay từ khi Luật còn chưa có hiệu lực, từ đó tạo nền tảng để Tổng công ty và các công ty thành viên đi vào thực hiện Luật Doanh nghiệp sớm.
Đến nay, TEDI và các đơn vị thành viên vẫn tiếp tục duy trì hệ thống ISO, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vượt qua thử thách để tiến thêm những bước thành công mới. Trong bảng xếp hạng các đơn vị tư vấn của Bộ GTVT vừa qua, TEDI có 7/10 doanh nghiệp đứng trong top đầu, điều đó thể hiện sức mạnh của một đơn vị có bề dày truyền thống và sự tiếp nối của các thế hệ cán bộ, công nhân viên TEDI qua các thời kỳ.
Link phóng sự “Chính sách và cuộc sống” đài truyền hình Hà Nôi thực hiện:
https://www.youtube.com/watch?v=SVOw3TOWyW0&feature=youtu.be
Ban biên tập TEDI