Lý tưởng cộng sản cao đẹp, niềm tin về những điều tử tế vẫn hiện diện đậm nét tại nhiều công ty cổ phần ngành giao thông dù Nhà nước đã thoái hết vốn từ rất lâu.
Niềm tin vào sự tử tế
Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Trancosin), sau gần 15 năm, vẫn còn nhớ như in ngày được Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải ký quyết định điều động làm Phó giám đốc Công ty Xây dựng và Dịch vụ giao thông vận tải (Trancosin – doanh nghiệp tiền thân).
Từ cán bộ có vai vế tại một doanh nghiệp lớn trong ngành được điều làm phó giám đốc một doanh nghiệp đoàn thể trực thuộc Công đoàn Giao thông – Vận tải Việt Nam có quy mô vốn chỉ dăm tỷ đồng, với hơn 40 cán bộ lao động, trụ sở đi thuê, bé như chuồng chim cu, sản phẩm là đường giao thông nông thôn, đường cấp thấp, có thể coi đây là cú sốc đối với ông Khôi.
Ông Phạm Văn Khôi (người giơ hai tay) chỉ đạo thi công Dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ do Phương Thành Trancosin tham gia đầu tư.
Vào lúc đó, nếu ai dự đoán rằng, Phương Thành Trancosin rồi sẽ trở thành một thương hiệu uy tín trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng, chủ đầu tư nhiều tuyến đường cao tốc thì chắc chắn sẽ bị cho là “lạc quan tếu”. “So với những đại gia giao thông lúc đó như Cienco1, Cienco5, Thăng Long…, Trancosin gần như là một con số không tròn trĩnh: không thương hiệu, không kinh nghiệm, không vốn, không trụ sở…”, ông Khôi nhớ lại.
Chỉ ít ngày sau khi nhậm chức, nhiệm vụ có thể coi là lớn đầu tiên của vị phó giám đốc tại đơn vị nửa xí nghiệp, nửa hợp tác này chính là bắt tay vào cổ phần hóa đơn vị. Đối với hầu hết lãnh đạo các doanh nghiệp giao thông, khi đó, cổ phần hóa vẫn là khái niệm xa lạ, thậm chí mọi người còn rất dè dặt trước nguy cơ “không còn là người nhà nước”, thì ở Trancosin đó lại là một nhu cầu tự thân.
Do vốn điều lệ quá ít, hầu hết cán bộ chủ chốt tại Trancosin, trong đó có ông Khôi đã tự mang tiền nhà làm vốn sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Khái niệm “cổ phần” đối với cán bộ, công nhân viên của Trancosin trên thực tế được định nghĩa rất giản dị là không chỉ đơn thuần góp vốn, mà còn góp cả “nồi cơm” của gia đình, danh dự, tương lai bản thân vào thành công chung của đơn vị.
Chính thức chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào tháng 6/2004, Trancosin gần như không có khái niệm “cổ cồn trắng” khi tổng giám đốc ngoài việc bám các chủ đầu tư kiếm việc, cũng lăn vào các công trường chỉ huy thi công như đội trưởng. Ông Khôi với vai trò là tổng giám đốc rất được chủ đầu tư nể không chỉ do trúng nhiều gói thầu lớn, mà còn nổi tiếng ở việc tổ chức thi công công trình hợp lý, đúng tiến độ, chất lượng và nhất là biệt tài khiến “quân cán” làm việc say như điếu đổ.
Có lẽ chúng tôi thành công là vì người Phương Thành Trancosin vẫn đối xử với nhau như những người nhà nước, hay nói cách khác, chúng tôi vẫn luôn duy trì được niềm tin vào sự tử tế của các cộng sự – vốn là các đảng viên lão thành.
“Chúng tôi đều xác định là làm cho bản thân mình, vì nồi cơm chung. Giám đốc, lãnh đạo công ty nêu gương không tơ hào chuyện ‘phết phẩy’, ‘gửi giá’, sắm xe xịn mà dành tiền mua máy móc, thiết bị hoặc để bổ sung vốn kinh doanh”, ông Khôi nhớ lại.
Cần phải nói thêm rằng, câu chuyện cán bộ thì giàu, doanh nghiệp thì teo tóp do lãnh đạo đem những “miếng nạc” trong các gói thầu cho “sân sau” vào lúc đó là chuyện “bình thường như cân đường”, khiến nhiều cienco ngày một lụi bại.
Bước ngoặt lớn nữa lại đến với Trancosin khi sau 3 năm cổ phần hóa, lãnh đạo Công ty đã chủ động đề xuất lên cấp có thẩm quyền thực hiện thoái toàn phần vốn nhà nước. Đây là yếu tố quan trọng để Công ty có đầy đủ điều kiện tham gia đấu thầu các dự án có vốn nước ngoài (ODA) và đi vào hoạt động cạnh tranh bình đẳng trong cơ chế thị trường. Các dự án có nguồn vốn nước ngoài cũng là “phao cứu sinh” giúp Công ty vượt qua khó khăn trong những năm 2008 – 2009, khi mà nguồn vốn nhà nước chậm và khan hiếm, để tích lũy nguồn lực cho đợt tăng tốc bứt phá sau đó.
Cho đến thời điểm này, nếu lấy doanh thu, lợi nhuận, cổ tức là thước đo đánh giá sự thành công của một công ty cổ phần thì người ở Phương Thành Trancosin có thể tự hào về mình. Tại thời điểm hoàn tất cổ phần hóa (năm 2004), Công ty chỉ có có hơn 100 lao động, sản lượng hơn 100 tỷ đồng, thu nhập bình quân hơn 2 triệu đồng, sau 12 năm, Phương Thành Trancosin có hơn 650 lao động, 868 tỷ đồng vốn, hơn 400 đầu máy, 2.000 tỷ đồng sản lượng, thu nhập bình quân 12 triệu đồng/tháng, cổ tức 16%/năm. Từ một doanh nghiệp không tên tuổi, đơn vị đã trở thành nhà thầu quốc tế khi liên tiếp trúng thầu thi công nhiều gói thầu lớn sử dụng vốn ODA đòi hỏi kỹ thuật thi công phức tạp, như: gói thầu A5, A7 Cao tốc Nội Bài – Lào Cai; các gói thầu Quốc Lộ 1 tại Thanh Hóa, Khánh Hòa, các tuyến đường cao tốc trọng điểm: Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đường cao tốc Sài Gòn – Long Thành – Dầu Giây… Phương Thành Trancosin cũng đang là nhà đầu tư có vai vế tại Việt Nam với 2 tuyến cao tốc trọng yếu là Pháp Vân – Cầu Giẽ và Hạ Long – Vân Đồn.
Có không ít người từng đặt câu hỏi với ông Khôi về việc đâu là lý do khiến Phương Thành Trancosin thành công. Tìm được mô hình phát triển đúng? Do chủ động tìm kiếm thị trường và xác định đúng hướng đầu tư? Kịp thời đổi mới và tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp?… Những yếu tố này tuy đúng nhưng chưa đủ để kiến giải sự thành công bền vững tại doanh nghiệp này.
“Có lẽ chúng tôi thành công là vì người Phương Thành Trancosin vẫn đối xử với nhau như những người nhà nước, hay nói cách khác, chúng tôi vẫn luôn duy trì được niềm tin vào sự tử tế của các cộng sự – vốn là các đảng viên lão thành”, ông Khôi lý giải.
Có một chuyện khá lạ là dù không còn một đồng vốn nào của Nhà nước từ rất lâu, nhưng tại Phương Thành Trancosin vẫn duy trì đều đặn các hoạt động của tổ chức Đảng và đoàn thể như công đoàn, đoàn thanh niên trong doanh nghiệp. Công ty vẫn tham gia đều đặn, năng nổ vào mọi hoạt động do Đảng bộ, Công đoàn ngành giao thông – vận tải phát động. Hiện Đảng bộ tại Phương Thành Trancosin có 45 đảng viên là cán bộ chủ chốt và cổ đông. Đảng ủy thực hiện nhất thể lãnh đạo: Cấp ủy, bí thư các chi bộ đều là trưởng, phó phòng. Nhiều năm liền Đảng bộ được công nhận trong sạch vững mạnh xuất sắc tiêu biểu. Ghi nhận những đóng góp của Phương Thành Trancosin, năm 2015, Công ty và cá nhân ông Khôi được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
“Anh em chúng tôi trên hết vẫn là những đảng viên. Lý tưởng của Đảng là điểm tựa để chúng tôi sống tử tế, có niềm tin với nhau hơn”, ông Khôi nói.
Chuyện Đảng ở “giới tinh hoa” giao thông
Khác với Phương Thành Trancosin, khi Nhà nước tiến hành cổ phần hóa Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông – vận tải (TEDI) năm 2014, tổng công ty này đã là một tên tuổi rất lớn vượt khỏi biên giới Việt Nam trong nghề tư vấn thiết kế cầu đường. TEDI có thể coi là “giới tinh hoa, cổ cồn trắng” của ngành giao thông – vận tải, nơi những giá trị tinh thần, trí tuệ luôn được đề cao.
Câu chuyện cổ phần hóa tại TEDI cho đến thời điểm này vẫn là một điều thú vị.
Đã có sự e ngại nhất định về nguy cơ ế cổ phiếu TEDI khi tại doanh nghiệp này, lợi thế đất đai là không đáng kể. Tuy nhiên, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng ủy, Công đoàn Tổng công ty, các kỹ sư, lao động bậc cao thuộc diện được mua cổ phần tại TEDI đã mua 2,53 triệu cổ phần, tương ứng 20,3% vốn điều lệ mà Nhà nước quyết định thoái. Tính cả đợt phát hành cổ phiếu để cổ phần hóa lần đầu vào năm 2014, người lao động tại TEDI đã bỏ ra gần 80 tỷ đồng để sở hữu một lượng lớn cổ phiếu, chiếm hơn 6 triệu cổ phần.
Hiện tại, trong cơ cấu cổ đông tại đơn vị tư vấn giao thông uy tín nhất Việt Nam có số vốn điều lệ 125 tỷ đồng này, tập thể người lao động sở hữu 48,353% vốn điều lệ; công đoàn cơ sở chiếm 0,28%; cổ đông chiến lược FECON (Việt Nam) nắm 30,112%; Công ty TNHH Oriental Consultants (Nhật Bản) nắm 4,35%. Với cơ cấu vốn điều lệ này, người lao động TEDI đã thực sự được tham gia quản lý và làm chủ doanh nghiệp.
Cần phải nói thêm rằng, trong danh sách 390 cổ đông của TEDI được chốt đến thời điểm 31/5/2016, có tới 307 người TEDI, trong đó có nhiều đảng viên giữ vị trí lãnh đạo.
Thành công trong công tác cổ phần hóa TEDI không thể không nhắc đến vai trò của Đảng bộ TEDI với gần 500 đảng viên, chiếm 40% lực lượng lao động. Các đảng viên trong Đảng bộ đang nắm giữ các vị trí lãnh đạo, hoặc kỹ sư chính đã noi gương thế chấp cả “sổ đỏ” tại ngân hàng để vay vốn mua cổ phần, với niềm tin vào sự phát triển trong tương lai của doanh nghiệp.
Điều đáng nói là, mặc dù chỉ đứng thứ ba về quy mô vốn sở hữu, nhưng các cổ đông tại TEDI vẫn đồng thuận ủng hộ ông Hitoshi Yahagi (thành viên HĐQT, đại diện phần vốn của đối tác Nhật Bản) làm Chủ tịch HĐQT TEDI. Sự tham gia của đối tác chiến lược đến từ Nhật Bản không chỉ làm tăng thêm uy tín, kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiện đại, mà còn mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm ra các thị trường tư vấn quốc tế.
Bên cạnh đó, toàn bộ Ban giám đốc 6 thành viên đều là các chuyên gia đầu ngành của TEDI, trong đó nhiều người là cán bộ có uy tín, giàu kinh nghiệm, có tính Đảng cao. Nhờ những yếu tố này, Đảng, các tổ chức chính trị xã hội và các cổ đông lớn tại TEDI đã sớm tìm được tiếng nói chung vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, bảo vệ được lợi ích cốt lõi của người lao động.
Đây cũng chính là phương án mà tập thể người lao động tại TEDI kiến nghị với Chính phủ gần 1 năm qua, nhằm tránh cho TEDI không bị “tan đàn, xẻ nghé” khi chia tay các kỹ sư đầu đàn – tài sản quý giá nhất với một doanh nghiệp tư vấn.
Kinh nghiệm tại TEDI là ngay khi cổ phần hóa, các tổ chức Đảng cần chủ động, đổi mới phương thức lãnh đạo, bám sát các hoạt động của doanh nghiệp, tránh tạo khoảng trống khó lấp về sau theo phương châm: “Hoạt động sản xuất – kinh doanh có hiệu quả là mục tiêu, động lực của công tác xây dựng Đảng”.
Sự tử tế, tinh thần noi gương, vượt khó trong các cán bộ đảng viên tại TEDI không chỉ gắn kết được thành viên HĐQT đến từ Nhật Bản, mà còn mang lại những kết quả kinh doanh ấn tượng. Kết quả kinh doanh năm 2016 của TEDI được đánh giá là tiếp tục giữ vững nhịp tăng trưởng ổn định sau gần 3 năm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Cụ thể, doanh thu tăng bình quân 14,7%/năm, lợi nhuận tăng bình quân 24,3%, thu nhập cho người lao động tăng 7,6%, uy tín thương hiệu TEDI tiếp tục được khẳng định và được các đối tác đánh giá cao.
Cần phải nói thêm rằng, ngoài TEDI, trong ngành giao thông vận tải hiện có khá nhiều công ty cổ phần mà tổ chức Đảng được chủ doanh nghiệp tôn trọng và khẳng định được vai trò như: Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4, Tổng công ty Xây dựng Đường thủy…
Vĩ thanh
Lý giải cho quyết định đổi tên Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông thành Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành vào tháng 6/2011, ông Khôi cho biết, đó tâm nguyện của Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công nhân viên Công ty. Đó là “Dù đi thi công nơi đâu, phương nào, làm việc gì cũng được thành công, cũng luôn nghĩ về cội rễ của mình – những người nhà nước đi làm kinh tế” với sự tử tế, chân thành được đặt lên hàng đầu.
Nguồn báo www.baodautu.vn