Lãnh đạo Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đang đau đầu bởi sau định giá doanh nghiệp, vốn điều lệ công ty sẽ tăng gấp đôi trước cổ phần hóa. Vốn tăng đột biến, khiến tỷ suất lợi nhuận giảm, TEDI lo không đảm bảo được đời sống người lao động.
Nghịch lý vốn và cổ tức
TEDI – đơn vị tư vấn xây dựng công trình hàng đầu của ngành GTVT đang phải tiến hành tái cơ cấu mạnh mẽ toàn TCT và hoàn thành cổ phần hóa (CPH) Công ty mẹ – hiện vốn Nhà nước giữ 100% – ngay trong năm 2013.
Trong khi nhiều doanh nghiệp Nhà nước đang rất khó để CPH vì tài sản được Nhà nước giao, sau nhiều năm làm ăn không hiệu quả, nay đã không còn, tức là vốn chủ sở hữu bị âm, thì TEDI lại gặp khó trong một trường hợp hoàn toàn ngược lại.
Ông Bùi Doãn Toản – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty cho biết sau nhiều năm tích lũy, làm ăn có lãi, cộng với giá trị tài sản trụ sở lớn nên ước toán giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ phải CPH lên tới gần 200 tỷ đồng. Đây là con số quá lớn so với yêu cầu về vốn của một doanh nghiệp tư vấn. Trung bình một công ty cổ phần tư vấn xây dựng công trình giao thông có quy mô tương đương, vốn chỉ khoảng trên 10 tỷ đồng.
Ông Bùi Doãn Toản – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty cho biết sau nhiều năm tích lũy, làm ăn có lãi, cộng với giá trị tài sản trụ sở lớn nên ước toán giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ phải CPH lên tới gần 200 tỷ đồng. Đây là con số quá lớn so với yêu cầu về vốn của một doanh nghiệp tư vấn. Trung bình một công ty cổ phần tư vấn xây dựng công trình giao thông có quy mô tương đương, vốn chỉ khoảng trên 10 tỷ đồng.
Từ số vốn do Nhà nước cấp ban đầu cho doanh nghiệp là 53,731 tỷ đồng, do làm ăn có lãi, nhiều năm nay Công ty mẹ TEDI nhận với Nhà nước vốn điều lệ lên tới 94 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận trên vốn là 17,65%.
Cùng với đó, Công ty mẹ còn tích lũy từ SXKD để đầu tư xây dựng trụ sở ở Hà Nội và toàn bộ nhà đất chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh – với cách tính giá trị tài sản trên đất theo hướng dẫn CPH doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hiện nay, thì đây là khối tài sản chủ chốt đã góp phần khiến giá trị tài sản của TEDI tăng lớn.
Điều dễ thấy nhất là vốn tăng hơn 100 tỷ do cách định giá doanh nghiệp tính cả tài sản, trụ sở sẽ khiến TEDI khó khăn hơn khi chào bán cổ phần lần đầu. Vốn tăng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn giảm, sẽ rất khó đảm bảo tiền lương, phúc lợi xã hội cho người lao động, cổ tức cho nhà đầu tư – ông Toản cho biết.
Bỏ ra gần 100 tỷ để giảm vốn
Tại nhiều cuộc họp với lãnh đạo Bộ GTVT, TEDI đã trình bày về đặc thù của doanh nghiệp tư vấn để đề xuất xin được giảm vốn mới mong CPH thành công Công ty mẹ. Ông Phạm Hữu Sơn – Tổng giám đốc TEDI cho biết: “Nhiều doanh nghiệp tư vấn lớn làm ăn hiệu quả và là công ty đại chúng hiện cũng chỉ có khoảng 11 – 12 tỷ đồng vốn, cổ tức cao nhất hiện nay đạt khoảng 13 – 15%/năm. Nếu vốn lớn đột biến, cao hơn 150% hay 200% trước CPH như trường hợp của TEDI trong khi quy mô và ngành nghề truyền thống không có nhiều đột phá sau CPH, sẽ là áp lực rất lớn, doanh nghiệp không thể nào vượt qua được”.
Kịch bản lạc quan nhất của TEDI, theo ông Sơn là giảm được vốn, chỉ còn giữ khoảng 100 tỷ đồng. Bước đầu Công ty mẹ có 35% vốn đầu tư của cổ đông ngoài Nhà nước để vừa vẫn giữ được định hướng kinh doanh lĩnh vực tư vấn công trình giao thông, đồng thời tái cơ cấu được phần vốn đầu tư 51% của Công ty mẹ vào 5 công ty con chủ chốt hiện nay. Tại 5/10 công ty con còn lại, vốn Nhà nước sẽ giảm chỉ còn giữ 36% vốn điều lệ.
Theo ông Phạm Hữu Sơn, đây là lúc phải tìm ra phương án kinh doanh hiệu quả nhất với nhân lực ít nhất, đồng vốn thấp nhất. Mục tiêu của TEDI là giữ mô hình nhóm công ty tư vấn, Công ty mẹ được quản trị công khai minh bạch hơn với cổ tức hàng năm tương đối hấp dẫn. Các công ty con và công ty liên kết có điều kiện tham gia đấu thầu các dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư và các dự án ODA.
Phương án cuối cùng sẽ được Hội đồng thành viên quyết định vào giữa tháng 7 này để trình Bộ GTVT. Nếu TEDI thống nhất và đề xuất được với Bộ phương án giữ mức vốn điều lệ thấp – tương đương mức vốn hiện nay, TEDI phải chấp nhận triệt để thắt lưng buộc bụng, tìm mọi cách để có được gần 100 tỷ đồng thoái vốn trả lại Nhà nước trước CPH.
“Đổi mới doanh nghiệp ở TEDI vừa phải giữ được ngành nghề Tư vấn truyền thống, vừa phải mạnh mẽ, quyết liệt, tạo ra sự chuyển dịch lớn sau CPH. Nếu không, TEDI khó có thể tiếp tục phát triển chỉ sau rất ít năm nữa”. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông
Theo giaothongvantai.com.vn