Tổng quan về đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn” là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030, với mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông…”.
Trong thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã quan tâm, dành nguồn lực đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông. Đến nay tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông, từ Cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) đến Thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) dài khoảng 2.063 đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km và chưa đầu 756km, đã được triển khai như sau:
– Đoạn Lạng Sơn (cửa khẩu Hữu Nghị) – Hà Nội (dài 167 km) đã đưa vào khai thác 124 km đoạn Hà Nội – Lạng Sơn, đang đầu tư 43 km đoạn Lạng Sơn – Cửa khẩu Hữu Nghị.
– Đoạn Hà Nội – Cần Thơ (dài 1.772 km) đã đưa vào khai thác 354 km, đang đầu tư 786 km, còn lại khoảng 632 km chưa đầu tư (gồm đoạn Hà Tĩnh – Quảng Trị và Quảng Ngãi – Nha Trang).
– Đoạn Cần Thơ – Cà Mau (dài 124 km) chưa đầu tư.
Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025
Việc đầu tư hoàn thành tuyến đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông phù hợp với chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia nói chung, các vùng, miền và địa phương nói riêng; Phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải và quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc. Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025 (Dự án) bao gồm việc đầu tư 3 đoạn tuyến cao tốc: Bãi Vọt – Cam Lộ dài 267 km, Quảng Ngãi – Nha Trang dài 353km và Cần Thơ – Cà Mau dài 109 km được chia thành 12 dự án thành phần đi qua 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau).
Quy mô đầu tư Dự án: theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam, quy mô mặt cắt ngang 4 – 6 làn xe, bề rộng nền đường Bnền = 24,75 – 32,25 m, vận tốc thiết kế 80-120km/h; giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường Bnền = 17 m, tốc độ khai thác 80km/h.
Giai đoạn 2021 – 2025 đầu tư theo phương thức PPP 9/12 dự án thành phần, dài 552 km, gồm các đoạn Bãi Vọt – Vũng Áng (Hà Tĩnh) dài 90 km, đoạn Quảng Ngãi – Nha Trang (353 km) và Cần Thơ – Cà Mau (109 km). Đối với 03 dự án thành phần đoạn Vũng Áng – Bùng, Bùng – Vạn Ninh và Vạn Ninh – Cam Lộ (dài 177 km), giai đoạn 2021 – 2025 triển khai đầu tư công trước công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư (kinh phí khoảng 4.584 tỷ đồng) và chuyển tiếp đầu tư trong giai đoạn 2026 – 2030. Tổng nhu cầu vốn khoảng 118.672 tỷ đồng, nhu cầu vốn nhà nước khoảng 61.628 tỷ đồng.
Công tác tư vấn của Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải – CTCP (TEDI) trong các dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông.
Ngay từ năm 2000, với các kinh nghiệm thiết kế được tích lũy từ các dự án sử dụng vốn ODA, TEDI đã tham gia khảo sát thiết kế các tuyến cao tốc đầu tiên của Việt Nam là Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương; Và sau này tham gia khảo sát, thiết kế và tư vấn giám sát các đoạn cao tốc thuộc trục cao tốc Bắc Nam như Hà Nội – Lạng Sơn, Pháp Vân – Cầu Giẽ và Cầu Giẽ – Ninh Bình…
Giai đoạn từ năm 2017 đến nay, với chủ trương hoàn thiện tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Quốc hội và Chính phủ đã quan tâm dành nguồn lực đầu tư đường bộ cao tốc. Ngoài các dự án riêng như cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ, TEDI đã được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ lập hồ sơ báo cáo tiền khả thi dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 trình Quốc hội thông qua tại kỳ hợp tháng 11 năm 2017. Trong bước Báo cáo nghiên cứu khả thi, thông qua đấu thầu TEDI tiếp tục tham gia vào 8 đoạn với chiều dài 418 km. Đồng thời để đảm bảo tính thống nhất về các giải pháp thiết kế toàn dự án, dưới sự chỉ đạo của các đơn vị thuộc Bộ GTVT, TEDI đã ban hành các quy định và hướng dẫn nguyên tắc thiết kế cho toàn dự án. Giai đoạn TKKT, TEDI tiếp tục tham gia vào các gói thầu TKKT của 10/11 dự án thành phần. Điều đó khẳng định TEDI tiếp tục phát huy truyền thống của một đơn vị tư vấn thiết kế đầu ngành với lực lượng kỹ sư, chuyên gia nhiều kinh nghiệm đã tham gia sâu rộng vào các bước thiết kế của các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020.
Năm 2021, TEDI tiếp tục là đơn vị tư vấn tổng hợp Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (trực tiếp thực hiện BCNCTKT của 10/12 dự án thành phần). Với các kinh nghiệm đã tích lũy qua triển khai cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, TEDI đã hoàn thành báo cáo NCTKT Dự án. Ngày 29/7/2021, Bộ Giao thông vận tải đã có tờ trình số 7766/TTr-BGTVT trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025. Hiện nay báo cáo NCTKT Dự án đang được Hội đồng thẩm định Nhà nước xem xét làm cơ sở để trình Quốc hội thông qua. Đây là những bước đầu tiên để hoàn thành trục xương sống cao tốc Bắc Nam phía Đông nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XIII, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh./.
Bản đồ mạng lưới cao tốc Việt Nam đến năm 2030, xem chi tiết tại đây.