Thực tế cho thấy, dưới tác động của môi trường, kim loại bị xâm thực, bị ăn mòn trong không khí, trong đất hay trong vùng ngập nước làm cho tuổi thọ công trình bị xuống cấp nhanh chóng, nhất là các dạng rỉ điểm, rỉ lỗ không đồng đều càng làm giảm khả năng chịu tải của kết cấu, tuổi thọ công trình. Ở nước ta, chi phí cho bảo vệ chống ăn mòn còn rất thấp, thường dành chi phí cho các phương pháp sơn chống rỉ thông thường nên không ít các công trình sau vài năm sử dụng đã phải nâng cấp, bảo dưỡng. Một giải pháp công nghệ mới của Mỹ là sơn mạ kẽm lạnh giàu kẽm Zinc Rich Compound (ZRC 95%) hiện có mặt tại Việt Nam được các chuyên gia về VLXD đánh giá là công nghệ ưu việt, có khả năng thay thế công nghệ mạ kẽm nhúng nóng trong việc bảo vệ các kết cấu sắt thép không bị mòn, rỉ, nâng cao chất lượng công trình.
Qua thực tế chứng minh, kẽm là một thành phần có khả năng chống được rỉ sét và ăn mòn rất hiệu quả cho kim loại, đặc biệt là các kết cấu. Tuy nhiên, đối với các loại sơn truyền thống hay sơn kẽm khác có hàm lượng kẽm dưới 92% lại không có khả năng chống rỉ sét tuyệt đối bởi chỉ cần bị một lỗ thủng rất nhỏ cũng đủ để các tác nhân xâm thực có đường đột nhập vào sắt thép. Các biện pháp chống rỉ và ăn mòn phổ biến hiện nay là sử dụng các vật liệu ít bị ăn mòn, các vật liệu này thường có giá thành cao, chỉ lắp đặt ở những nơi không bị ngập nước và biện pháp phổ biến nhất là dùng sơn phủ bảo vệ. Lớp sơn phủ bảo vệ nhằm tạo một lớp màng chắn cách ly kim loại với môi trường nhưng khi lớp bảo vệ này bị hỏng thì hơi ẩm thâm nhập và ăn mòn tấn công vào bên dưới lớp sơn gây phồng rộp và ăn mòn nên có tuổi thọ thấp chỉ vài năm.
ZRC 95% sẽ tạo dòng điện liên tục trên lớp mạ, cung cấp chức năng chống ăn mòn catốt. Khi có sự hiện diện của chất điện phân do ẩm ướt, kẽm trở thành anốt hy sinh do kẽm có điện thế chuyển dịch electron cao hơn sắt thép. Các ion kẽm phân tán giải phóng electron tạo dòng điện chạy qua sắt thép làm cản trở sự phân tán của các ion thép và bắt đầu chu kỳ điện hóa.
Quá trình phản ứng tạo ra hydro cacbonat kẽm và các muối kẽm khác tạo nên lớp màng mới không thấm nước, ngăn cản nước và thời tiết tấn công, làm dừng quá trình ăn mòn điện hóa. Lớp màng sẽ đóng vai trò bảo vệ thụ động như các loại sơn truyền thống. Nếu lớp màng bảo vệ này bị hư hỏng thì các phân tử kẽm sẵn sàng tham gia vào quá trình chống ăn mòn điện hóa mới, giúp bảo vệ cho kim loại không bị ăn mòn và tự hàn gắn điểm trầy xước.
Với đặc tính kỹ thuật trên, sơn ZRC 95% có thể thay thế mạ kẽm nhúng nóng trong trường hợp sơn sửa lớp mạ kẽm nhúng nóng bị hư hỏng do hàn, cắt, khoan lỗ; tái tạo bề mặt mạ kẽm nhúng nóng bị môi trường ăn mòn theo thời gian; mạ kẽm tại công trường hay nơi sản xuất mà không phải đưa vào xưởng mạ; dùng sơn lót cho kết cấu kim loại bất kỳ kết hợp với loại sơn truyền thống phủ ngoài cùng để có được màu sắc như mong muốn.
Nhờ những tính năng ưu việt trên mà công nghệ ZRC 95% được các nhà thầu, doanh nghiệp xây dựng… trên thế giới tin tưởng, ứng dụng vào một số lĩnh vực quan trọng như trụ điện; tháp truyền tải; trụ đèn chiếu sang; ăng-ten parabol; đài radar; kết cấu thép công trình, cầu cảng, nhà xưởng, thiết bị ngoài khơi, bồn bể, đường ống; bảo trì thiết bị, phụ kiện trong các hệ thống phân phối, truyền tải, trạm biến áp điện lực… Ngoài ra, các công trình điện lực, dầu khí, giao thông, thủy sản, hóa chất, đóng tàu, xử lý nước thải cũng được ứng dụng giải pháp công nghệ này.
Theo đại diện Cty CP Kỹ thuật Công nghệ Hoàn Cầu, một trong số các nhà phân phối sản phẩm công nghệ sơn mạ kẽm lạnh do Mỹ sản xuất thì, công nghệ sơn mạ kẽm lạnh là giải pháp phù hợp nhất khi thi công mới nhằm bảo vệ trực tiếp các kết cấu mà không cần phải vận chuyển đi mạ kẽm nhúng nóng. Mặt khác, với các kết cấu và công trình đã thi công xong đến thời hạn cần bảo trì thì không thể tháo rời đi mạ kẽm nhúng nóng rồi lắp đặt lại, như thế thì không khả thi và trong trường hợp này thì mạ kẽm lãnh đáp ứng được tất cả yêu cầu mà công việc mong muốn.Tuy nhiên, vấn đề mà các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp quan tâm khi ứng dụng công nghệ này chính là chi phí bỏ ra để đầu tư. Bởi so với công nghệ mạ kẽm nóng, thì công nghệ mạ kẽm lạnh có chi phí đầu tư cao hơn, nên sức cạnh tranh trong thị trường nội địa sẽ khó khăn hơn. Nhưng dù thế nào đi nữa thì các chủ đầu tư cũng cần quan tâm nghiên cứu về tính năng ưu việt của công nghệ mạ kẽm lạnh 95% để có quyết định đầu tư đúng hướng và hiệu quả nhất.
(theo baoxaydung.com.vn)