Hà Nội sẽ xây nhiều cầu đẹp, hiện đại qua sông Hồng, sông Đuống để tạo điểm nhấn và phát triển đô thị thông minh trục Nhật Tân – Nội Bài, theo nghị quyết Chính phủ.
Ngày 7/2, Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Sông Hồng được định hướng là trục xanh, phát triển đô thị hài hòa. Ngoài 8 cầu hiện có bắc qua sông (Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Việt Trì – Ba Vì), theo quy hoạch đến 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có thêm 10 cầu qua sông. Đó là các cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Vân Phúc, Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), Phú Xuyên.
Chính phủ giao thành phố nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô ở phía bắc với các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn; phía tây với khu đô thị Hòa Lạc và thị trấn Xuân Mai. Năm 2025, thành phố phấn đấu có 3-5 huyện lên quận, năm 2030 có thêm 1-2 quận.
Thành phố sẽ hoàn thành vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị xây vành đai 5 trước 2030. Hệ thống đường trên cao, ngầm, đường sắt đô thị cũng được đẩy nhanh xây dựng. Tuyến quốc lộ, cao tốc, đường xuyên tâm, vành đai kết nối nội vùng và liên vùng được đẩy nhanh.
Cầu Nhật Tân qua sông Hồng. Ảnh: Giang Huy
Năm 2030, Hà Nội phấn đấu là thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại, trở thành động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; có sức cạnh tranh cao với khu vực, thế giới. Tốc độ tăng trưởng GRDP thành phố bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2030 tăng 7,5-8%; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8-8,5%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 8.300-8.500 USD, năm 2030 đạt 12.000-13.000.
Tầm nhìn đến 2045 Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người hơn 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển ở khu vực và thế giới.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc trở thành trung tâm nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội và quốc gia. Năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu nằm trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, công nghệ 5G và sau 5G. Năm 2045, Thủ đô là một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu một số lĩnh vực khoa học cơ bản như toán, vật lý, y học… trong Đông Nam Á và châu Á.
Sau khi di dời nhà máy, trường đại học, cao đẳng, nghề ra khỏi nội đô, quỹ đất sẽ dành làm công viên, vườn hoa cây xanh. Các sông ô nhiễm như Nhuệ, Đáy, Tô Lịch, Tích được cải tạo.
Nguồn: vnexpress.net