Ngày 26/2/2021, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã chủ trì Hội thảo góp ý quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030. Phát biểu khai mạc Hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng cho biết, kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh đất nước. Đây cũng chính là một trong 3 khâu đột phá chiến lược trong suốt nhiều nhiệm kỳ đã được nêu trong các văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc.
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khai mạc hội thảo.
Tham dự hội thảo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể gửi lời cảm ơn VUSTA đã tổ chức buổi hội thảo với sự tham gia của nhiều nhà khoa học ở mọi lĩnh vực, trong đó có ngành GTVT và cho rằng: “Đây là nguồn cổ vũ rất lớn đối với ngành GTVT. VUSTA là tổ trức trí tuệ nhất bởi vì ở đây tập trung các chuyên gia được đào tạo về lý thuyết, có kinh nghiệm thực tiễn rất lớn của các bộ ngành, cơ quan”. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể mong nhận được nhiều ý kiến thảo luận giá trị, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc gúp cho ngành GTVT hoàn chỉnh được quy hoạch.
Tại hội thảo ông Phạm Hữu Sơn – Tổng giám đốc TEDI đã báo cáo tóm tắt về nội dung quy hoạch đường bộ. Nội dung quy hoạch với khối lượng số liệu lớn, tổ chức thực hiện công phu và được các nhà khoa học đánh giá cao.
Với những đóng góp rất sâu sắc của các nhà Khoa học trong nhiều lĩnh vực nội dung hồ sơ quy hoạch cũng cần phải rà soát thật sự chính xác về mục đích, tiến độ, chất lượng, phân tích chi tiết, cụ thể các cách làm, sao cho phải bám với xu thế chung của thế giới. Ví dụ như các chương trình, vành đai, con đường của Trung Quốc, những chiến lược mới của Vương quốc Bỉ cùng những đánh giá tác động của nó. Xem xét, đánh giá các bài học rút ra trong thời gian vừa qua để từ đó có những giải pháp đúng đắn trong thời gian tới về các vấn đề như việc giao các dự án địa phương hay là Bộ Giao thông vận tải, BOT, nhà đầu tư, mô hình đầu tư, bảo trì khai thác, thu phí… Đặc biệt là các dự án giao thông xã hội hóa đã giao để xác định đầu tư công bao nhiêu, xã hội bao nhiêu, quy hoạch phải gắn với chiến lược và các nội dung đã được ghi trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Nhưng phải là vấn đề cụ thể của ngành giao thông vận tải”.
Kết luận hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng mong muốn quy hoạch này sớm hoàn chỉnh để được thông qua. Quy hoạch đường bộ phát triển nhanh, bền vững nhưng phải gắn với bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Xây dựng giao thông Việt Nam phải đặt trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển rất nhanh (giao thông thông minh) trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của xe tự lái, cảm biến…”