Ngày 24.12, tại Tiền Giang, Bộ GTVT tổ chức lễ khánh thành và thông xe dự án cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, song song với cầu Mỹ Thuận hiện hữu.
Đến dự buổi lễ khánh thành có Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ; ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cùng các đại biểu T.Ư và địa phương.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu là một trong 11 DA thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư.
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng các đại biểu cắt băng khánh thành cầu Mỹ Thuận 2
Cầu Mỹ Thuận 2 có tổng kinh phí hơn 5.000 tỉ đồng chính thức thông xe, do các Kỹ sư TEDI trực tiếp thực hiện công tư vấn khảo sát thiết kế
Trong quá trình thiết kế cầu Mỹ Thuận 2, đội ngũ cán bộ kỹ sư TEDI đã áp dụng nhiều công nghệ, phần mềm tiên tiến để đưa ra đưa ra giải pháp thiết kế tối ưu. Đặc biệt, TEDi đã ứng dụng công nghệ BIM trong thiết kế cầu Mỹ Thuận 2
Đối với cầu chính Mỹ Thuận 2 với tính chất đặc biệt của công trình, toàn bộ kết cấu của cầu chính được mô hình hóa khá đầy đủ và chính xác. Các hạng mục được triển khai bao gồm:
- Kết cấu trụ neo bao gồm cả hệ cáp dự ứng lực và cốt thép
- Kết cấu trụ tháp (bệ; thân tháp; dầm ngang; neo trên đỉnh tháp với 2 phương án)
- Kết cấu hệ dầm mặt cầu gồm dầm chủ; dầm ngang; hệ thống cáp DƯL và neo;
- Hệ thống các phụ kiện như neo dây văng; gối cầu; khe co giãn.
Mô hình BIM cầu chính
Các vị trí có cấu tạo phức tạp được tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng và mô hình hóa chi tiết nhằm kiểm soát các giao cắt có thể phát sinh ngay từ bước thiết kế kỹ thuật từ đó hạn chế tối đa các khó khăn khi triển khai thực hiện các bước tiếp theo:
- Cấu tạo tại khu vực bệ trụ neo
- Cấu tạo tại khu vực liên kết giữa dầm cầu và thân trụ neo
- Cấu tạo tại khu vực dầm ngang trụ tháp
Các hạng mục thiết kế BIM của cầu chính
Đây là Dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng, từ vốn ngân sách nhà nước. Cầu Mỹ Thuận 2 có điểm đầu tại Km101+126 tại nút giao An Thái Trung, nằm trên trục đường cao tốc từ TP.HCM đi TP.Cần Thơ, kết nối 2 tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ, nối liền 2 tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang, là trục đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất trong các trục quốc lộ chính trong khu vực.
Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 6,61 km (phần cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu). Trong đó, cầu Mỹ Thuận 2 có nhịp chính với kết cấu dây văng khẩu độ 350m, tĩnh không thông thuyền 37,5m, bề rộng mặt cầu 28m (gồm 6 làn xe,) lần đầu tiên do đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập DA, thiết kế cho đến thi công.
Phần tuyến chính thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-2012 với vận tốc thiết kế 100 km/giờ, riêng cầu Mỹ Thuận 2 là cầu đặc biệt lớn thiết kế với vận tốc 80 km/giờ để giảm kinh phí đầu tư. DA được khởi công ngày 16.3.2020.
Cầu Mỹ Thuận 2 là công trình quan trọng kết nối hai tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ. Dự án này khi đưa vào khai thác bên cạnh việc giúp giảm áp lực của cầu Mỹ Thuận hiện hữu, so với cầu Mỹ Thuận hiện hữu, cầu Mỹ Thuận 2 có quy mô hơn, dài hơn, cao hơn và rộng hơn. Dự án tạo ra dư địa, không gian phát triển mới, động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh thu hút mời gọi đầu tư… Góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.