Ngày 09/3/2024, Ủy ban nhân dân xã Ngọc Chiến, huyện Mường La phối hợp với Báo Giao thông đã tổ chức Khánh thành Dự án ĐTXD Cống thoát nước bản Chặm Pộng, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Đây là công trình do Chương trình Chung tay vì An toàn giao thông của Báo Giao thông và các nha tài trợ thực hiện. TEDI với vai trò là đơn vị Tư vấn đã thực hiện hỗ trợ công tác khảo sát, thiết kế, giám sát công trình cống thoát nước (đạp tràn) này.
Trước đây, từ bản Nậm Nghiệp xuống TT xã Ngọc Chiến qua bản Chặm Pộng phải đi mất 12km đường rừng núi và phải qua con đường có chiếc cầu tạm bắc qua suối. Mỗi khi mưa lũ về là sẽ mất khoảng 1-2 tuần không thể di chuyển được. Đường đi lại cách trở, cây cầu tạm được dựng lên bởi thân cây gỗ rừng thường xuyên bị ngập và cuốn trôi mỗi khi mưa lũ về. Từ bản Nậm Nghiệp ra đến trung tâm xã là 12km, thì con đường có cây cầu này là lối đi duy nhất.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay thì cây cầu tạm qua vị trí này này đã 5 lần bị cuốn trôi, và mỗi khi mưa lũ về là người dân không thể đi lại được khoảng gần 2 tuần. Đặc biệt là các cháu học sinh, việc đến trường rất khó khăn. Cây cầu được dựng tạm lên từ 2 thân cây gỗ bắc qua 2 bên bờ với những dây thép cuốn quanh. 2 mố cầu được xếp bởi những hòn đá chênh vênh, mặt cầu với những lỗ hổng to hoác là khoảng cách giữa những thanh gỗ xếp ngang. Những ngày trời nắng đẹp, không mưa, cây cầu là lối đi bộ của gần 1.100 người dân 2 bản Nậm Nghiệp và Chặm Pộng nơi đây.
Vì địa hình ở đây là đồi núi, các bản thì ở trên cao, đường đi bị trũng sâu xuống, lại có dòng suối bắc qua nên mưa lũ là ở đây mênh mông nước và cuộn xiết. Việc tắc nghẽn không thể di chuyển được vì nước dâng cao và thường xuyên xảy ra tai nạn mùa lũ đã trở thành một nỗi ám ảnh với người dân ở đây…
Do vậy, việc xây dựng một công trình kiên cố tại đây là mong ước của những người dân trong bản và chính quyền xã, được sự hỗ trợ của Báo Giao thông và các đơn vị tài trợ, Dự án ĐTXD Cống thoát nước bản Chặm Pộng, xã Ngọc Chiến đã được triển khai từ năm 2023 và đến nay đã hoàn thành. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã làm cho việc đi lại của người dân trong bản về trung tâm xã được thuận tiện, con đường đến trường của các em học sinh cũng dường như gần hơn, an toàn và chắc chắn. Việc kiên cố hóa các công trình qua suối tại đây cũng phần nào góp phần vào việc phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của người dân.
Lễ cắt băng khánh thành dự án
Sau đây là một vài thông tin về Dự án
- THÔNG TIN CHUNG
- Vị trí địa lý: Xã Ngọc Chiến thuộc huyện Mường La, tỉnh Sơn La ở vị trí cách trung tâm thành phố Sơn La khoảng 80 km, cách Mù Cang Chải (Yên Bái) tầm 40 km và gần 300 km tính từ trung tâm thành phố Hà Nội. Bởi vậy, di chuyển tới Ngọc Chiến, du khách có thể chọn từ 2 hướng, qua thành phố Sơn La tới, hoặc qua đèo Khau Phạ sang.
Hướng di chuyển từ Hà Nội lên khu vực dự án
-
- Đặc điểm khu vực và sự cần thiết xây dựng cầu: Vị trí xây dựng cầu thuộc bản Chặm Pộng, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, trên tuyến đường nối bản Chặm Pộng và bản Nậm Nghiệp.
Vị trí dự án trong bản đồ khu vực
Từ bản Nậm Nghiệp xuống TT xã Ngọc Chiến qua bản Chặm Pộng phải đi mất 12km đường rừng núi và phải qua con đường có chiếc cầu tạm bắc qua suối, và đây là lối đi duy nhất. Mỗi khi mưa lũ về là cầu tạm lại bị cuốn trôi và người dân sẽ mất khoảng 1-2 tuần không thể di chuyển được.
Đường đi lại cách trở, cây cầu tạm thường được dựng lên bởi thân cây gỗ rừng. Vì địa hình ở đây là đồi núi, các bản thì ở trên cao, đường đi bị trũng sâu xuống, lại có dòng suối bắc qua nên mưa lũ là ở đây mênh mông nước và cuộn xiết. Việc tắc nghẽn không thể di chuyển được vì nước dâng cao và thường xuyên xảy ra tai nạn mùa lũ đã trở thành một nỗi ám ảnh với người dân ở đây…
Do vậy, việc xây dựng một công trình kiên cố tại đây là thực sự cấp bách
2. QUY MÔ VÀ TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT:
- Đường giao thông nông thôn loại C (Tiêu chuẩn thiết kế: TCVN 10380:2014 Đường Giao thông nông thôn -Yêu cầu thiết kế)
- Tốc độ thiết kế 15km/h
- Bán kính đường cong nằm tối thiểu R=15m:
- Tải trọng thiết kế:
- Quy mô mặt cắt ngang
- Bề rộng nền đường: Bnền = 4,5m.
- Bề rộng mặt đường: Bmặt = 3,5m.
- Bề rộng lề: Blề =2×0.50m.
- Dốc ngang 2 mái, i=2%; dốc lề đường 5%
- Tiêu chuẩn thiết kế cầu TCVN 11823:2017
- Tiêu chuẩn thiết kế: TCVN 10380:2014 Đường Giao thông nông thôn -Yêu cầu thiết kế.
- Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu mặt đường BTXM trong xây dựng công trình giao thông TCCS 40-2022 TCĐBVN.
3. GIẢI PHÁP THIẾT KẾ
3.1 Kết cấu cống
- Xây dựng cống hộp đảm bảo khả năng thoát nước trong trường hợp lũ H4%
- Xây dựng cống có khẩu độ 3x(4×4)m, chiều dài cống L=5.694m. Cống được đặt song song với tim dòng chảy, tạo góc chéo với đường 75º;
- Thân cống đổ tại chỗ bằng BTCT C30, đặt trên lớp bê tông đệm C10 dày 10cm và lớp đá dăm đệm dày 15cm;
- Tường đầu, tường cánh, sân cống bằng BTCT C30 đổ tại chỗ;
- Trên mặt đỉnh cống bố trí lớp bê tông tạo dốc với chiều dày 71mm kết hợp lưới thép chống nứt;
- Taluy đầu cống được gia cố bằng đá hộc xây vữa C10 dày 25cm đặt trên lớp đá dăm đệm dày 10cm.
3.2 Gia cố sân cống:
- Phía thượng lưu và hạ lưu cống tiến hành gia cố đá hộc xây phạm vi 10m mỗi phía để tránh xói lở sân cống.
3.3 Thiết kế nền đường:
- Trong phạm vi 30cm kể từ đáy kết cấu áo đường, nền đường được lu lèn đảm bảo độ chặt K95, đảm bảo sức chịu tải CBR > 5, dưới chiều sâu nói trên đảm bảo độ chặt K90 (đầm nén tiêu chuẩn theo TCVN 12790: 2020).
- Taluy đường được đắp với độ dốc 1/1,5.
- Đào xử lý đất không thích hợp: chiều dày trung bình 30cm. Chiều dày cụ thể đào xử lý lớp đất không thích hợp sẽ được Tư vấn giám sát và Chủ đầu tư quyết định theo các điều kiện thực tế tại hiện trường.
- Đào cấp: khi độ dốc ngang nền tự nhiên >20% phải đào thành bậc cấp có bề rộng tối thiểu 2,0m trước khi đắp nền đường
4. DỰ TOÁN CÔNG TRÌNH
Tổng mức đầu tư dự án: 1,837 tỷ đồng, trong đó:
- Chi phí Xây dựng: 1,547 tỷ đồng
- Tổng cộng CHI PHÍ KHẢO SÁT, TƯ VẤN THIẾT KẾ, GIÁM SÁT 157 triệu đồng do TEDI tài trợ, bao gồm:
+ Chi phí Khảo sát: khoảng 30 triệu
+ Chi phí Thiết kế: 77.5 triệu
+ Chi phí giám sát: 49,5 triệu
Tổng cộng: 157 triệu đồng
Một số hình ảnh công trình tại thời điểm khánh thành: