Sáng 17/11, trong chương trình công tác tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự khởi công dự án Đường Vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ (nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C). Cùng dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo thành phố; đại diện các nhà thầu tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công dự án và đông đảo nhân dân thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang.
Tuyến đường Đường Vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ có tổng chiều dài khoảng 19,4km, trong đó có 24 vị trí cầu trung và nhỏ, một vị trí cầu lớn; tuyến đường đi qua quận Ô Môn, quận Bình Thủy, huyện Phong Điền, quận Ninh Kiều và quận Cái Răng; quy mô mặt cắt mỗi bên 19,5m, trong đó phần mặt đường 11m, lề đất bên trong 0,5m, vỉa hè 8m; tổng mức đầu tư dự án hơn 3.837 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2026.
Tuyến đường sẽ hình thành trục vành đai ngoài đặc biệt quan trọng của thành phố, kết nối với các tuyến giao thông quan trọng của Quốc gia và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Quốc lộ 91, Quốc lộ 61C, Quốc lộ 1A tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa thành phố với các tỉnh lân cận được thuận lợi, nhanh chóng và an toàn. Ngoài ra việc đưa dự án vào khai thác sử dụng góp phần rất lớn vào việc giảm ùn tắc giao thông khu vực nội ô quận Ninh Kiều, mở rộng không gian phát triển thành phố về phía tây tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc xây dựng và phát triển thành phố ngày càng văn minh, hiện đại.
Điểm nhấn lớn nhất trên tuyến là công trình cầu Ba Láng qua sông Cần Thơ, không những đảm trách vai trò cầu nối giao thông, cầu còn có kiến trúc đẹp, nâng tầm mỹ quan khu vực đô thị, cầu Ba Láng còn mang một ý nghĩa lịch sử to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển vùng đất Cần Thơ. Cùng với việc đang xây dựng cầu Phong Điền và cầu Vàm Xáng mới vừa đưa vào khai thác sử dụng sẽ ngày càng khẳng định vùng đất: “Cái Răng – Ba Láng – Vàm Xáng – Phòng Điền” một vùng đất đã đi sâu trong ký ức của rất nhiều thế hệ người dân thành phố nói riêng và người dân Miền Tây nói chung trong suốt quá trình lịch sử, hình thành và phát triển vùng đất Cần Thơ trù phú, trữ tình.
Cầu Ba Láng được nhiều tư vấn đề xuất các phương án kiến trúc. Trên cơ sở tham vấn ý kiến của Thành ủy Thành phố, phương án kiến trúc cầu dây văng 2 mặt phẳng dây với ý tưởng “Cánh chim hòa bình” do Tổng công ty TVTK GTVT –CTCP (TEDI) đề xuất đã được sự đồng thuận của UBND thành phố Cần Thơ và thống nhất lựa chọn là phương án thiết kế và đưa vào thi công
Ý tưởng kiến trúc tổng thể “Cánh chim hòa bình”, đây là một hình ảnh rất đời thường nhưng mang trong nó nhiều ý nghĩa thiêng liêng, đó là sự tự do, hòa bình cho tất cả mọi người. Tháp cầu cùng với dầm cầu được thiết kế tượng hình như cánh chim hòa bình, phương ngang được thiết kế cong, vòng ôm sát mặt cầu với hai mặt phẳng dây như là Cổng trên vành đai phía Tây thành phố. Cấu tạo tháp cầu nghiêng,mềm mại nhưng vẫn cứng cáp và mang tính hiện đại. Dây treo được bố trí xiên hai bên, tạo nên sự hài hòa về kiến trúc. Kết cấu không quá phô diễn nhưng nét hiện đại không bị giảm bớt, đây là nét đặc thù của trường phái đơn giản nhưng hiện đại.
Cầu Ba Láng với nét kiến trúc độc đáo, kết hợp sự làm việc của các vật liệu và kết cấu như BTCT, BTCT DƯL, thép kết cấu, dây treo…đã khẳng định và cũng cố hơn nữa vị trí của TEDI trong lĩnh vực thiết kế công trình giao thông.
Cầu được xây dựng theo 2 giai đoạn, nét độc đáo về kiến trúc ở đây được lựa chọn tháp nghiêng, cầu lệch trong giai đoạn 1 nhưng tới giai đoạn 2 là trở nên đối xứng theo phương ngang và phản xứng theo phương dọc cầu. Đó là ý tưởng mới về sự hình thành kiến trúc cầu theo giai đoạn đầu tư.
Một số hình ảnh phối cảnh:
Giai đoạn 1
Giai đoạn 2