Khương Duy cho hay, mục tiêu của mình là sớm hoàn thành danh hiệu Kiện tướng rồi Đại kiện tướng quốc tế và trở thành nhà vô địch thế giới.
Sự kiện Đầu Khương Duy giành chuẩn kiện tướng quốc tế mới đây đã gây xôn xao làng cờ vua Việt Nam. Đặc biệt hơn, thành công của cậu bé 11 tuổi luôn có bóng người cha kiến trúc sư bên cạnh.
Cột mốc lịch sử của kỳ thủ 11 tuổi
Khi đã ngồi vào vào bàn cờ, Duy dồn mọi năng lượng cho các quân cờ. Ảnh: NVCC
Những ngày đầu tháng 11/2022, PV liên hệ với gia đình kỳ thủ nhí Đầu Khương Duy để trò chuyện cùng cậu bé sau chiến tích đạt chuẩn Kiện tướng quốc tế (IM).
Tuy nhiên, anh Đầu Anh Bắc, cha ruột Khương Duy chia sẻ, anh không muốn con tiếp xúc nhiều với truyền thông nhằm tránh gặp áp lực.
Nói rồi ông bố trẻ bắt đầu câu chuyện bằng việc chính bản thân anh cũng bất ngờ khi con trai đạt chuẩn IM sau giải đấu diễn ra tại Bangkok: “Bangkok Open 2022 mới là giải đấu quốc tế thứ 2 Duy tham dự trong vòng gần 3 năm qua.
Do dịch bệnh nên từ năm 2020 gần như cháu chỉ tập luyện và thi đấu tại Việt Nam, không được cọ xát quốc tế.
Thế nên, việc cháu đạt hiệu suất thi đấu 2,393 elo, chỉ thua duy nhất 1 ván trên tổng số 9 ván khiến tôi rất bất ngờ. Trước đó, tôi xác định cho cháu thi đấu tích lũy kinh nghiệm”.
Theo quy định của Liên đoàn Cờ vua thế giới, một kỳ thủ đạt IM phải có 3 chuẩn IM và 2,400 elo.
Nói vậy để thấy, con đường đạt danh hiệu Kiện tướng quốc tế của Khương Duy vẫn còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, cậu bé đã đi vào lịch sử khi trở thành kỳ thủ Việt Nam trẻ nhất giành chuẩn IM.
Kể về hành trình đến với môn cờ vua của con trai, anh Bắc cho hay, Duy bắt đầu chơi cờ từ năm 6 tuổi.
Ban đầu chỉ là hai bố con chơi cùng nhau ở nhà, sau thấy con có năng khiếu nên anh đã tìm CLB để con được học cờ vua bài bản hơn: “Ngày còn ngồi ghế nhà trường, tôi cũng rất thích cờ vua nhưng thời đó không có điều kiện để học sâu nên chỉ dừng lại ở chơi phong trào. Không ngờ sau này con trai cũng đam mê nên tôi rất ủng hộ cháu”.
Tháng 1/2018, Duy được bố đưa tới một CLB gần nhà sinh hoạt tuần hai lần vào buổi tối. Dù vậy, tranh thủ mọi thời gian rảnh, cậu bé sinh năm 2011 đều tập cờ, tìm hiểu các thế đánh qua internet.
Tháng 6 năm đó, kỳ thủ vừa giành chuẩn IM dự giải trẻ toàn quốc và đoạt HCV đồng đội. Thành tích này giúp em đủ điều kiện theo học ở đội tuyển trẻ Hà Nội, dưới sự dìu dắt của thầy Lương Trọng Minh.
“Tới tháng 9, tôi biết có giải trẻ thế giới tổ chức ở Trung Quốc nhưng Duy chưa đủ điều kiện được cử tham gia. Tôi quyết định đăng ký cho con tham gia theo hình thức tự túc. Các bạn đều đi máy bay còn con cùng thầy Minh đi bằng tàu hỏa. Tại giải đó, Duy là cái tên duy nhất của Việt Nam giành Huy chương Đồng và con bắt đầu được chú ý nhiều hơn”, anh Bắc nhớ lại.
Sau khi gây tiếng vang ở giải thế giới, Duy còn khiến làng cờ vua Việt Nam ngỡ ngàng với thắng lợi trước đại kiện tướng Cao Sang ở giải đối thủ mạnh toàn quốc.
Đây là thành tích mà ngay cả thế giới cũng cực hiếm gặp và lập tức cậu bé được biên chế vào đội tuyển Hà Nội. Kể từ đây, Duy gần như không có đối thủ ở lứa tuổi của mình tại các giải quốc nội, thâu tóm HCV ở mọi nội dung thi đấu.
Với các giải quốc tế, Duy cũng thường xuyên gặt hái thành công. Đơn cử như trước khi dự giải Bangkok Open 2022, cậu bé sinh năm 2011 đã kịp lấy 3 HCV cờ nhanh và cờ chớp tại Giải châu Á 2022.
Bạn đồng hành đặc biệt
Trong cuộc trò chuyện với anh Đầu Anh Bắc, PV rất ngạc khiên bởi anh quá rành rọt về các thuật ngữ cũng như quy định của môn cờ vua. Anh bảo vì con đam mê và theo đuổi môn thể thao này nên anh phải tự tìm tòi để có kiến thức đồng hành cùng con.
“Ngày xưa nếu được học bài bản có lẽ tôi cũng đã trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp. Tôi coi việc con theo đuổi môn này giống như giúp mình viết tiếp giấc mơ vậy. Tôi đọc nhiều tài liệu nước ngoài về luật, rồi nghiên cứu các thế cờ, chơi online để có thể chia sẻ khi con cần.
Ví dụ như việc thi đấu cần thắng trận cuối để đạt chuẩn này chuẩn kia thì mình phải biết, qua đó động viên con cố gắng. Còn nếu cứ để con tự do thì đôi khi bạn ấy sẽ không đánh hết sức. Trước đây, khi Duy mới tập cờ thì hai bố con thường xuyên chơi cùng nhau nhưng giờ trình độ cháu vượt tôi rồi nên tôi không dám chơi nữa”, anh Bắc cười nói.
Người cha kiến trúc sư cũng cho hay, cuộc sống của nhà vô địch trẻ châu Á chỉ xoay quanh bàn cờ. Ngoài thời gian học văn hóa, Duy dành toàn bộ thời gian còn lại để chơi cờ.
Ngày kỳ thủ vừa đạt chuẩn IM vừa bước chân vào thế giới cờ vua, anh Bắc luôn là người đưa con đi thi, chăm sóc và bảo ban con. Sau này, Khương Duy chủ yếu được thầy Minh đồng hành nhưng ông bố trẻ vẫn theo sát từng trận đấu của con.
Chứng kiến con trưởng thành, anh cho biết mình cảm thấy tự hào nhưng cũng vô cùng thương con vì áp lực ngày một đè nặng lên đôi vai nhỏ bé.
“Nhìn con bứt rứt, kém vui sau những trận thua đối thủ yếu hoặc tuột cơ hội giành HCV tôi hiểu con đang gặp nhiều áp lực. Tôi cũng ân hận vì trước đây có những thời điểm mình không hài lòng khi con thua trận. Chính bởi vậy, tôi luôn cố gắng giải tỏa áp lực cho con bằng những câu chuyện vui và không đặt mục tiêu quá cao ở các giải đấu, để con được chơi và tận hưởng thay vì lúc nào cũng nghĩ tới thành tích”, ông bố quê Thái Nguyên bộc bạch.
Anh Bắc còn kể thêm, gia đình anh không dư giả tài chính nhưng sẵn sàng đầu tư cho sự nghiệp của con. Thời điểm Duy chưa vào biên chế đội tuyển Hà Nội, mọi cuộc thi đều do gia đình tự túc kinh phí. Anh không nhớ hết đã đi bao nhiêu giải nhưng số tiền bỏ ra cũng lên tới hàng trăm triệu, tốn kém hơn cả là những giải đấu diễn ra ở nước ngoài bởi chi phí đi lại, ăn ở đắt đỏ.
“Tiền có thể kiếm được nhưng nếu để quá mất giai đoạn con đang hoàn thiện thì có nhiều cũng không mua được. Bởi vậy đầu tư cho con tôi không hề tiếc”, anh Bắc tâm sự.