Hiếm có công trình nào lại hội tụ nhiều “binh hùng tướng mạnh” của ngành GTVT như cầu Tạ Khoa khi cùng lúc có đến 5 đơn vị Anh hùng cùng triển khai thực hiện. Điều này nói lên tầm quan trọng và tính chất đặc biệt phức tạp của một trong những cây cầu tầm cỡ đầu tiên chinh phục thượng nguồn sông Đà hung dữ.
Vượt lũ xây cầu
Vào năm 2001, để phục vụ xây dựng Thủy điện Sơn La, các tuyến giao thông tại vùng Tây Bắc đã được đồng loạt nâng cấp, mở rộng và hàng loạt những những cây cầu mới được đầu tư xây dựng. Cầu Tạ Khoa là cây cầu lớn và hiện đại bắc qua sông Đà, mở đầu cho đại công trường xây dựng thủy điện Sơn La, nối gần khoảng cách giữa miền Tây Bắc với đồng bằng, san đỡ gánh nặng cho QL6 đang cải tạo, nâng cấp.
Để làm cầu Tạ Khoa, Bộ GTVT đã huy động cùng lúc 5 đơn vị Anh hùng là: Công ty cầu 12, cầu 14 thuộc Cienco1; cầu 3, cầu 7 thuộc Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long và Công ty Tư vấn thiết kế cầu lớn hầm (TEDI). Đây thực sự là kỷ lục hiếm có trong các công trình xây dựng hạ tầng giao thông.
Ông Hồ Sỹ Hòa – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1), khi ấy còn làm Trưởng phòng kỹ thuật Công ty cầu 12, trực tiếp phụ trách công trường xây dựng cầu Tạ Khoa cho biết, sở dĩ lúc đó Bộ GTVT phải chọn toàn những đơn vị thiện chiến trong Ngành vì dự án cầu Tạ Khoa được coi là một dự án cực kỳ khó khăn bởi các điều kiện về mặt bằng, thủy văn, địa chất, giao thông.
Do địa hình phức tạp, mực nước sông Đà luôn dao động lớn từ 120m đến 90m, hai mố đầu cầu đặt trên 2 đỉnh núi đôi bờ sông. Vì thế,Tạ Khoa trở thành cây cầu có nhiều kỷ lục nhất của những cầu lớn Việt Nam. Đó là công trình đầu tiên có khoảng cách từ lớp mặt đáy sông lên tới mặt cầu là 50m, trụ cao chót vót với thân trụ chính lên đến 35m. Đây là cầu có nhịp bê tông dự ứng lực dài nhất với 130m. Độ thông thuyền đảm bảo cấp 1 rộng 80m, cao 10m, ứng với tần suất mực nước 5%.
Tuy nhiên, cây cầu tầm cỡ này lại được thi công trong thời gian ngắn để đảm bảo điều tiết giao thông khi cải tạo QL6 và cũng là dự án được tiến hành khảo sát, thiết kế trong chưa đầy 2 tháng. Do quy trình tích, xả nước của hồ chứa thủy điện Hòa Bình, nên so với các cầu khác, tiến độ xây dựng cầu Tạ Khoa được kiểm soát ngặt nghèo.
“Cầu Tạ Khoa đi qua lòng hồ sông Đà, trong khi đặc điểm của lòng hồ là tích nước vào sau tháng 10 hàng năm nên cao độ tích nước giữa mùa cạn với mùa lũ có khi chênh nhau đến hơn 30m. Vào mùa lũ, tốc độ dòng chảy cực lớn, đến nỗi không một hệ nổi nào có thể trụ vững nên mọi giải pháp thi công đều bất khả thi. Vì thế, việc thi công chỉ có thể thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 12 đến 15/6.” – ông Hòa kể.
Cũng theo ông Hòa, do vị trí xây cầu trước đây là một khe suối nên có nhiều đá mồ côi. Khi bắt tay vào khoan cọc trụ, anh em công nhân dùng đủ các loại máy khoan hiện đại nhất thời đó đều bất thành, hết mũi nọ đến mũi kia đều gãy. Cuối cùng anh em phải dùng mìn phá lớp đá bên trên mặt. Ngỡ như vậy là xong, nào ngờ khi đưa khoan chạm đến lớp đá gốc thì gặp đá cuội, mà lại toàn là những khối to đến 50 – 60 phân. Sau nhiều ngày ròng rã đánh vật với những khối đá này, nhiều anh em không khỏi nản chí. Tuy nhiên, bằng sự bền gan và kinh nghiệm thi công nhiều công trình giao thông trên địa bàn cả nước, các đơn vị thi công của Cienco 1 đã chinh phục thành công khó khăn thử thách và tiến độ công trình luôn được đảm bảo.
Dựng lán trại giữa sông
Khi đưa quân đến công trường, ông Hòa “ngán” nhất là không tìm đâu ra khoảng đất nào để có thể đóng doanh trại và tập kết vật liệu. Nhìn bốn bề xung quanh toàn là những dốc núi dựng đứng. Vì không có mặt bằng, nên các loại vật tư thiết bị dùng đến đâu thì tập kết về đến đó, còn mặt bằng ưu tiên cho thiết bị, máy móc. Thế nhưng, quãng đường vận chuyển vật liệu, vật tư về công trường lại không hề đơn giản. Ngoài hơn 150km đường từ Hòa Bình lên, thì tuyến QL6 và QL37 khi đó chưa hoàn thành việc nâng cấp. Do đó, nhiều khi một xe chở vật liệu lên Tạ Khoa mất vài ngày là chuyện thường. Đã vậy, tình trạng sạt lở, tắc đường xảy ra như cơm bữa. Những lúc đó, cả công trường lại lo nháo nhào vì chẳng lấy đâu sắt thép, xi măng mà thi công.
Cũng vì không có mặt bằng nên một phương án bất đắc dĩ được đưa ra là dựng lán trại ngay trên lòng sông Đà. Vì sông chảy siết, và đề phòng có lũ nên anh em phải tìm những đoạn sông có âu, vịnh kín dựng nhà sàn. Phương án này tỏ ra hợp lý nên sau đó, tất cả các đơn vị thi công khác đều áp dụng. Vậy là cả một đoạn sông dài, bám xung quanh công trường, toàn là những nhà nổi. Vào buổi tối, mặc dù phải sử dụng điện máy phát nhưng cả một đoạn sông dài chẳng khác một thị trấn náo nhiệt.
Ông Nguyễn Đức Ý – Tổng giám đốc Công ty CP cầu 7 Thăng Long, khi đó đang làm Phó giám đốc, chỉ huy công trường cầu Tạ Khoa cũng từng trải nghiệm thời gian dài trên những chiếc hệ nổi giữa sông đó để “điều quân, khiển tướng”. “Lũ về, trên sông có nhiều gỗ, củi khô từ đầu nguồn trôi xuống. Khi đến đây, gặp các âu vịnh, nước bị xoáy vào làm gỗ, củi dạt xuống dưới đáy nhà sàn. Vậy là cả hệ nổi cứ thế dần dần được đẩy lên. Lớp gỗ, củi ở bên dưới như là bệ đỡ an toàn. Lúc đó, anh em chúng tôi hay nói đùa với nhau là đang bị mắc cạn trên sông. Không những thế, khi ấy anh em nhà bếp chỉ cần đứng bên trên thò tay xuống dưới là có củi để đun nấu…” – ông Ý nói.
“Hai ca bốn kíp” luân phiên chạy tiến độ
Do đặc điểm mùa lũ và chế độ xả nước của hồ thủy điện Hòa Bình nên thời điểm thi công cầu Tạ Khoa được tính toán rất kỹ lưỡng. Thời điểm làm trụ cầu chỉ được phép diễn ra từ khoảng tháng 10 năm trước đến tháng 6 năm sau. Đây là thời điểm mùa khô và sông Đà có mực nước thấp nhất.
Để bảo đảm tiến độ và tranh thủ được thời gian nước rút, Công ty cầu 7 đã huy động các đơn vị thi công thực hiện chế độ “hai ca bốn kíp”. Theo đó, các tổ thi công được chia làm hai nhóm làm hai ca một ngày. Lịch làm việc được luân phiên mỗi nhóm làm 6 giờ và cứ luân phiên như vậy suốt 24 giờ một ngày. Khi ấy, trên cả một khúc sông, lúc nào điện cũng sáng rực như ban ngày.
Ông Hồ Sỹ Hòa cũng cho biết, trong suốt cuộc đời gắn bó với các công trình cầu, đường, chưa bao giờ ông phải thực hiện ca kíp gấp rút như vậy. Lúc ấy, để bảo đảm được tiến độ, Công ty cầu 12 bố trí riêng một tổ chuyên chỉ đi làm công tác chuẩn bị cho các đơn vị thi công như: Cắt ống vách, hàn sạn đạo… Thi công liên tục 24/24 giờ, chủ động chuẩn bị mọi điều kiện, vật tư, thiết bị, nhân lực và chớp được thời cơ mực nước thấp nhất để đổ bệ trụ nên chỉ từ tháng 12/2002 đến tháng 6/2003, Công ty cầu 12 đã lên được một thân trụ khung T đúc hẫng, công đoạn khó khăn nhất của dự án và hoàn thành toàn bộ các gói thầu bao gồm 3 thân trụ cầu chỉ trong một năm.
Cầu Tạ Khoa bắc qua sông Đà trên QL37 được khởi công thác 12/2001 và khánh thành tháng 8/2003. Cầu dài hơn 583m, rộng 11m, có 8 trụ, 2 mố, tải trọng 30 tấn. Tĩnh không thông thuyền cao 10m, rộng 80m. Đường dẫn vào hai đầu cầu dài 1.058m. Cầu Tạ Khoa không chỉ trực tiếp phục vụ giao thông của tỉnh Sơn La mà còn nối liền vùng Tây Bắc với Việt Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc lên xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La 2005.