Trong chiến lược phát triển kinh tế vùng ĐBSCL- vùng châu thổ sông ngòi chằng chịt- giao thông thông suốt luôn được đặt lên hàng đầu. Trong suốt 20 năm qua, trên 20 triệu dân trong vùng liên tiếp đón nhận nhiều cây cầu “khủng” được hoàn thành, như cầu Mỹ Thuận (năm 2000), cầu Rạch Miễu (2009), cầu Cần Thơ (năm 2010), cầu Năm Căn (2015), cầu Cổ Chiên (2015), cầu Cao Lãnh (2018), cầu Vàm Cống (dự kiến tháng 6/2019), góp phần tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn toàn vùng.
Tháng 3/2019, Ban quản lý (BQL) Dự án 7- Bộ GTVT đã kiến nghị bộ này cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhằm giải quyết tình hình ùn tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ, các bến phà trong thời gian qua. Trong khi đó, nếu tính đến thời điểm cầu Vàm Cống khánh thành (6/2019), và cầu Đại Ngãi nối 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng đang triển khai, hoàn tất thì toàn tuyến giao thông đường bộ ĐBSCL gần như kết nối hoàn toàn, không còn cách trở “lụy phà”.
Cầu Mỹ Thuận, “phát pháo mở màn”
Hàng mấy trăm năm, người dân ĐBSCL đã quen với những cách gọi: đi đò, đi phà, qua bắc… mỗi khi muốn qua sông. Đến năm 2000, một sự kiện đã gây “chấn động” cả vùng là thông xe cầu dây văng Mỹ Thuận đầu tiên của cả nước, mơ ước ngàn đời bắc qua sông Tiển.
Lúc ấy, suốt cả năm trời, người dân khắp đồng bằng kéo nhau về ngắm chiếc cầu dây văng như một “kỳ quan thế giới”. Mỗi khi qua cầu Mỹ Thuận, trên đỉnh cao lộng gió, thay cho cảnh ngột ngạt qua phà, ai cũng thấy mình như… bay. Dự án cầu Mỹ Thuận nối 2 tỉnh Tiền Giang – Vĩnh Long trên tuyến QL1, do Chính phủ Úc viện trợ (90 triệu AUD, tương đương 75 triệu USD lúc bấy giờ), được người Úc thiết kế, thi công và khởi công ngày 6/7/1997, khánh thành vào 21/5/2000, được xem như dấu mốc mở màn đầy triển vọng cho việc kết nối những ngăn sông cách trở của vùng miền Tây sông nước chằng chịt này.
Đúng 2 năm sau ngày khánh thành cầu Mỹ Thuận, chiếc cầu dây văng dài nhất Việt Nam – cầu Rạch Miễu – do các đội ngũ chuyên gia, kỹ sư và công nhân Việt Nam xây dựng, được khởi công, nối 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre trên QL60. Cầu dài 2.878m chưa tính đường dẫn (dài 8.330m). do các kỹ sư Việt Nam thiết kế và thi công theo công nghệ mới, được khởi công ngày 30/4/2002 và khánh thành vào 19/1/2009, xóa vị thế “ốc đảo” 3 cù lao của tỉnh Bến Tre với thế giới bên ngoài, tạo điều kiện và cơ hội để Bến Tre phát triển và bứt phá liên tục những năm sau đó. Chính thành công này đã góp phần tạo động lực để Chính phủ, Bộ GTVT tìm nguồn vốn để tiếp tục đầu tư xây dựng cầu khác cho vùng.
Cầu Cần Thơ, kết nối đường đến Tây Đô
Từ Sài Gòn- TP HCM đi về miền Tây Nam Bộ, người ta thường nghĩ tới điểm đầu tiên trong chuỗi hành trình là “thủ phủ vùng ĐBSCL” : TP Cần Thơ, quen gọi là Tây Đô. Hành trình bị “ngắt quãng” bởi 2 con sông lớn là chi lưu lớn nhất của sông Mê – Kong đoạn vào Việt Nam (sông Cửu Long): sông Tiền và sông Hậu. Sông tiền đã có cầu Mỹ Thuận còn sông Hậu thì chưa.
Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu nối Cần Thơ với Vĩnh Long trên QL1, được khởi công vào ngày 25/9/2004, dự án do nguồn vốn ODA Chính phủ Nhật Bản tài trợ với tổng vốn đầu tư 342.6 triệu USD (thời điểm năm 2001), vốn đối ứng 15% từ Chính phủ Việt Nam. Cầu Cần Thơ dài 2.750m (phần đường dẫn dài 153850m) do Nhật Bản thiết kế và thi công. Sau 6 năm rưỡi xây dựng, cầu khánh thành và đưa vào khai thác tháng 4/2010, rút ngắn thời gian hành trình từ TP HCM đi Cần Thơ (180km) từ 6 tiếng (tính cả thời gian đợi phà) xuống còn hơn 3 tiếng đồng hồ.
Như vậy, sau cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ thông xe đã nối thông phần còn lại của vựa lúa ĐBSCL với cả nước, mở rộng cửa và động lực mới cho 7 tỉnh vùng Tây sông Hậu. Cầu Cần Thơ là công trình giao thông không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng đối với miền tây Nam bộ; là biểu tượng sinh động trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cầu Cần Thơ đã hiện thực hóa ước mơ bao đời nay của đồng bào hai bờ sông Hậu, ĐBSCL và cả nước. Tăng cường giao thông thuận lợi hai chiều giữa TP HCM, Đông Nam bộ với ĐBSCL, góp phần quan trọng thúc đầy kinh tế các tỉnh Nam sông Hậu với hơn 16 triệu dân.
Cầu Cổ Chiên kết nối tuyến duyên hải ĐBSCL
Nếu như cầu Rạch Miễu xóa đi thế cách trở của tỉnh Bến Tre về hướng Đông Bắc, kết nối với tỉnh Tiền Giang, Long An, TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ thì cầu Cổ Chiên đã xóa thế cô lập vĩnh viễn về hướng Tây Nam của Bến Tre. Không những vậy, cầu Cổ Chiên còn là một trong bốn cầu lớn trên QL60 (bao gồm Cổ Chiên, Rạch Miễu, Hàm Luông, Đại Ngãi) và là một trong những điểm kết nối quan trọng giữa QL60 với các tuyến quốc lộ hành lang duyên hải phái Đông ĐBSCL (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng).
Cầu Cổ Chiên do Việt Nam thiết kế và xây dựng , là cây cầu bê tông dự ứng lực đúc hẫng, dài 1.590m, có tổng vốn đầu tư trên 2.300 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 3/2011 và khánh thành tháng 5/2015. Cùng với cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông và những công trình khác trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL, cầu Cổ Chiên được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng là điều kiện quan trọng để Bến Tre, Trà Vinh và các tỉnh trong vùng đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh quốc phòng, thúc đẩy thực hiện chiến lược hợp tác Tiểu vùng sông Mê- kong.
Việc đưa vào sử dụng cầu Cổ Chiên sẽ rút ngắn khoảng cách từ Tp HCM đến Trà Vinh, tạo kết nối chặt chẽ giữa QL60 và QL1, giảm áp lực giao thông cho QL1, góp phần hình thành một tuyến giao thông hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng trong khu vực và yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội các tỉnh phía Đông cũng như toàn vùng Tây Nam bộ.
Cầu Vàm Cống nối Tây Đô với Đồng Tháp
Cầu Vàm Cống là cây cầu dây văng bắc qua sông Hậu đang trong quá trình thi công, nối liền Tp Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp- Một vựa thóc của ĐBSCL. Cầu cách bến phà Vàm Cống hiện hữu 3km về phái hạ lưu sông Hậu, và sẽ thay thế cụm phà này khi cầu đi vào hoạt động. Cầu được khởi công xây dựng từ tháng 9/2013 và dự kiến khánh thành, thông xe vào 6/2019.
Dự án cầu Vàm Cống dài 2.970m (phần cầu chính 870m), có tổng mức đầu tư hơn 5.687 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Tư vấn thiết kế, giám sát thi công và thầu xây dựng do phía Hàn Quốc đảm nhiệm, thầu phụ phía Việt Nam là Cienco1. Cầu được thiết kế với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, vận tốc 80km/h với bề rộng mặt cầu 24.5m. Đây là một trong hai cây cầu dây văng lớn nằm trên tuyến đường Mỹ An- Rạch Sỏi, thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL và dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Tây, cũng là cây cầu dây văng thứ hai bắc qua sông Hậu sau cầu Cần Thơ, cách cầu Cần Thơ 48km về phía thượng lưu.
Trước năm 2010, giao thông hai bên bờ sông Hậu luôn phụ thuộc vào những bến đò, bến phà để qua sông. Khi khánh thành vào năm 2010, cầu Cần Thơ trở thành cây cầu đầu tiên vượt sông Hậu, nối kết Tp Cần Thơ với tỉnh Vĩnh Long nói riêng, đồng thời mở ra cơ hội giao thông và phát triển các tỉnh miền Tây Nam bộ. Tuy nhiên, trên sông Hậu vẫn còn nhiều bến phà, bến đò lớn đang hoạt động, trong đó có bến phà Vàm Cống đã hoạt động từ năm 1925, và thường xuyên quá tải khi nhu cầu đi lại qua hai bên bờ sông ngày càng lớn. Năm 2011, Bộ GTVT đề xuất kế hoạch phát triển giao thông ĐBSCL trong đó có xây dựng cầu Vàm Cống nằm trên tuyến đường Lộ Tẻ- Rạch Sỏi và được Chính phủ phê duyệt.
Mới đây, Bộ GTVT đã quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án nâng cấp QL30, đoạn Cao Lãnh- Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), với tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng. Công trình dự kiến khởi công vào quý 3 năm 2019 và hoàn thành năm 2020. Như vậy, cùng với cầu Vàm Cống chuẩn bị hoàn tất và khánh thành, dự án nâng cấp QL30 nói trên góp phần kết nối toàn tuyến lưu thông từ Tp HCM đi các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và ngược lại.
Với các dự án “khủng” xây dựng cầu trong những năm qua, các tỉnh ĐBSCL đều có thêm động lực, có thêm điều kiện để phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của toàn vùng. Cùng với những bài toán đang được giải về lúa gạo, con cá tra, trái cây… ở cấp độ vĩ mô và ở từng địa phương, hệ thống giao thông bộ hoàn thiện hứa hẹn sẽ giúp ĐBSCL “bay” lên vào năm 2020, thời điểm mà nhiều tỉnh trong khu vực phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp.
Theo Thời báo kinh tế Việt Nam