Ngày 25/01/2024, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức Lễ công bố và trao giải Cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu. Ban tổ chức đã lựa chọn ra 3 phương án kiến trúc cầu đặc biệt và đáp ứng được các yêu cầu đề ra. Trong đó, phương án “Cánh chim Hòa Bình” với mã số dự thi TC03 đạt giải Nhất do Liên danh Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải – CTCP và Công ty CP Kiến trúc Lập Phương (gọi tắt là Liên danh TEDI – CUBIC) thực hiện.
Sau đây là các nội dung chính của Phương án kiến trúc cầu Thượng Cát:
- Cầu Thượng Cát đã được hoạch định trong Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 và các quy hoạch phân khu: S1 (phía Nam cầu); N4 (phía Bắc cầu), R (phân khu đô thị sông Hồng), trong đó có kết nối 2 trục dọc sông Hồng trong tương lai, trục TC5 phía Hạ lưu và TC13 phía Thượng lưu sông.
- Cầu nằm trên tuyến Vành đai 3.5 của Thành phố Hà Nội, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quy hoạch & giao thông. Dự án dài khoảng 5.2km, có điểm đầu giao đường Kỳ Vũ, quận Bắc Từ Liêm, điểm cuối giao đường KCN Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh.
- Dự án được xây dựng sẽ góp phần hoàn thiện đường VĐ3.5 theo quy hoạch tạo động lực thúc đẩy phát triển phía Bắc và phía Nam sông Hồng với các chuỗi đô thị đông VĐ4 và đô thị Mê Linh – Đông Anh.
Vị trí cầu Thượng Cát
- Định hướng thiết kế: Hình ảnh cây cầu là biểu trưng cho sự phát triển đô thị tại mỗi giai đoạn
- Cầu Long Biên: Chứng nhân lịch sử, biểu tượng của vẻ đẹp và các giá trị lịch sử quá khứ cũng như hiện tại, được coi là di sản văn hoá trong sự phát triển tương lai của Hà Nội
- Cầu Thăng Long, Cầu Chương Dương: Thời kỳ phục hồi sau kháng chiến, giải quyết cơ bản việc đi lại và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Hà Nội. Hình thành lên cây cầu huyết mạch ở cửa ngõ phía đông của Thủ đô
- Cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì: Thời kỳ đầu phát triển đất nước. Cải thiện giao thông cho một quốc gia đang trên đà hội nhập và phát triển. Tạo bước đột phá cho kinh tế và dịch vụ trong vùng và lân cận.
- Cầu Nhật Tân: Thời kỳ phát triển, một biểu tượng mới của Hà Nội. Không chỉ có ý nghĩa lớn về kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng.
>>> Cầu Thượng Cát:
- Đánh dấu bước chuyển mình của huyện Đông Anh, đang trong quá trình từ huyện lên quận. Đánh dấu một thời kỳ nâng cấp đời sống con người. Tri ân một vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa con người Việt Nam
Thời kỳ phát triển công nghệ, hình ảnh chuyển mình thích nghi với thế giới mới.
2. Cảm hứng thiết kế
Mang vị trí đầu nguồn của chuỗi những cây cầu bắc ngang sông Hồng, cầu Thượng Cát cần hướng đến một hình ảnh biểu tượng lớn thể hiện được tinh thần thủ đô. Thiết kế cầu Thượng Cát được lấy cảm hứng từ những Cánh chim trong câu tục ngữ “Đất lành chim đậu”, vừa hài hòa ẩn mình trong hệ sinh thái phong phú của dòng sông nặng phù sa, lại vừa mang tính biểu tượng toàn cầu.
Thành phố Hà Nội luôn phấn đấu để trở thành một thành phố thân thiện, hiếu khách và đề cao hòa bình. Chính vì thế, hình tượng những Cánh chim hòa bình nối tiếp nhau dẫn bước đoàn xe qua cầu trở thành một hình tượng lớn lao đại diện cho cả định hướng phát triển lâu dài của thành phố
Vườn chim tự nhiên
Hà Nội – Thành phố vì hòa bình
Cánh chim hòa bình
Ý tưởng thiết kế
3. Giải pháp kiến trúc
Dựa trên các phân tích SWOT về bối cảnh, môi trường của dự án, cây cầu sẽ là một biểu tượng kiến trúc đương đại mới cho thành phố Hà Nội. Không cần những chi tiết thiết kế rườm rà, hình thức cầu hướng đến sự đơn giản với đường nét và hình ảnh tinh tế, hiện đại. Lựa chọn một loại hình kết cấu cầu chính theo hướng rất hiệu quả, tối ưu và phù hợp các yêu cầu kỹ thuật khác, đó là kết cấu cầu dây văng, dầm hộp liên tục bê tông cốt thép dự ứng lực. Dựa trên kết cấu cầu chính này, đề xuất một số điều chỉnh, nâng cấp và kết hợp chi tiết kiến trúc cho kết cấu cầu:
- Cầu gồm 3 nhịp chính sử dụng kết cấu dây văng. Các tháp cầu thiết kế vuốt cong nhẹ sang hai bên thành cầu theo hình đáng một cánh chim vươn cao. Kết cấu trong những tháp này là bê tông đúc hẫng kết hợp dây văng chịu lực.
- Cầu đánh đèn dọc thân tháp cả mặt trong lẫn mặt ngoài, tạo điểm nhấn vào đường nét cong mềm mại nhưng không kém phần khỏe khoắn của công trình.
- Các chi tiết phụ trợ gồm cột đèn chiếu sáng giao thông, lan can được thiết kế đồng điệu, hài hòa tôn vinh ý tuởng thiết kế tổng công trình.
4. Kết quả thiết kế:
- Theo quy hoạch và kết quả dự báo nhu cầu giao thông, cầu Thượng Cát rộng khoảng 33~37m đảm bảo 8 làn xe, trong đó 6 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp. Bề rộng đường đầu cầu 50-60m. Chiều dài cầu khoảng 4.060m, trong đó cầu chính dài 600m với sơ đồ nhịp (100+2×200+100)m, đảm bảo tĩnh không thông thuyền sông cấp II (BxH=50×9.5m);
- Kết cấu cầu chính: Cầu dây văng 2 mặt phẳng dây bố trí dạng bán nan quạt; bề rộng cầu chính khoảng 37m; kết cấu dầm chủ bằng BTCT DƯL; Trụ tháp bằng BTCT được tạo kiểu dáng kiến trúc với hình tượng cánh chim phù hợp với ý tưởng kiến trúc với 2 tháp biên cao 70m, tháp giữa cao 80m, trụ neo bằng BTCT và BTCT DUL đặt trên hệ móng cọc khoan nhồi D=1,5~2,0m.
- Kết cấu cầu dẫn: kết cấu nhịp giản đơn sử dụng dầm Super T với kết cấu thân trụ hình dáng uốn cong, mở rộng đồng điệu với tổng thể các tháp cầu chính. Riêng đối với nhịp vượt đê sử dụng kết cấu dầm hộp BTCT DUL đúc hẫng cân bằng, đảm bảo tĩnh không vượt đê Tả và Hữu hồng, đảm bảo an toàn đê điều và xói lở bờ bãi đối với cầu vượt sông có đê theo yêu cầu của Quyết định 19 của Thủ tướng.
- Về CPXL và TMĐT dự án: Tổng mức đầu tư khoảng 8.161 tỷ, trong đó, giá trị xây lắp phần cầu khoảng 5.152 tỷ (cầu chính 2.215 tỷ). Các giá trị này đảm bảo tính đủ theo phương án kiến trúc đề xuất và nhỏ hơn giá trị đã được phê duyệt của chủ trương đầu tư dự án.
Mặt cắt ngang cầu tại vị trí tháp biên và tháp giữa
Mặt bằng dự án và nút giao phía Bắc và phía Nam
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cùng TS. KTS Phan Đăng Sơn trao giải cho đại diện đơn vị đạt giải Nhất.
Một số hình ảnh PAKT cầu Thượng Cát