1. Tên dự án: Xây dựng nút Trung Hòa hoàn chỉnh thuộc Tiểu Dự án xây dựng nút giao Trung Hòa hoàn chỉnh, Dự án Đầu tư Xây dựng giai đoạn 2 đường vành đai 3 TP Hà Nội, đoạn Mai Dịch – Bắc hồ Linh Đàm
2. Địa điểm triển khai: Hà Nội
3. Năm khởi công: 2014
4. Năm hoàn thành: 2015
Các đặc điểm nổi bật của dự án:
Quy mô dự án bao gồm 2 hầm chui thông theo 2 chiều giao thông, hướng Đại lộ Thăng Long-đường Trần Duy Hưng – Hoàng Minh Giám. Mỗi hầm có 3 làn xe cơ giới rộng 3,5m/làn. Chiều dài phần hầm kín là 120m, hầm hở là 488m và đường dẫn vào hầm dài 83,8m. Kết cấu móng hầm được sử dụng bao gồm: kết cấu móng cọc khoan nhồi, kết cấu móng cọc bê tông cốt thép, kết cấu móng nông được gia cố nền bằng cọc đất gia cố xi măng thi công theo công nghệ khoan phụt cao áp.
Mô tả ứng dụng khoa học công nghệ, phần mềm tiên tiến:
Theo quy hoạch, dọc theo tuyến đường Trần Duy Hưng – Đại lộ Thăng Long có tuyến đường sắt đô thị số 5 của TP Hà Nội tại độ sâu ~16.0m so với mặt đất. Hầm Trung Hòa nằm ở độ sâu ~10.0m so với mặt đất. Như vậy tuyến đường sắt này sẽ nằm bên dưới hầm Trung Hòa, khoảng cách từ đỉnh hầm đường sắt tương lai và đáy hầm Trung Hòa sẽ là ~5.0m. Quá trình thi công hầm của tuyến đường sắt trong tương lai (khoan đào) sẽ ảnh hưởng đến hầm Trung Hòa do gây ra sụt lún lớp đất hạt rời tại đáy hầm và ảnh hưởng đến độ ổn định của hầm.
Do vậy, cần phải có giải pháp tăng cường độ kết dính của lớp đất hạt rời ở độ sâu từ đáy hầm Trung Hòa đến hết độ sâu của hầm TBM và tạo thuận lợi cho quá trình khoan đào hầm TBM phía dưới.
Phía dưới đáy hầm Trung Hòa phân bố chủ yếu các lớp đất hạt rời do đó khi thi công khoan đào TBM sẽ gây hiện tượng lún sụt ảnh hưởng trực tiếp đến độ ổn định của hầm. Trên cơ sở đó, trong quá trình thiết kế, TEDI đã phối hợp với công ty OC đã tính toán và sử dụng phương pháp xi măng hóa các lớp vật liệu rời này, tăng độ dính kết của vật liệu tạo độ ổn định cho hầm Trung Hòa và tăng cường ổn định khi thi công khoan đào TBM. Biện pháp jet-grouting được áp dụng trong thi công.