Thủ tướng CP vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH TP Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông.
Một góc TP Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: Vĩnh Nhân
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 393/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển KT – XH TP Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Trong đó, ưu tiên đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông đối ngoại như: di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố gắn với dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; Tuyến đường quy hoạch dọc theo tuyến đường sắt mới; Xây dựng cảng Liên Chiểu thành cảng IA theo quy hoạch; Nâng cấp quốc lộ 14G; tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây 2, ở rộng QL14G.
Sớm hoàn thành các dự án đường bộ kết nối khu vực như: Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Đà Nẵng – Quảng Trị. Phối hợp đề xuất xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao qua vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Huế – Đà Nẵng – Quy Nhơn); xây dựng hầm đường sắt qua đèo Hải Vân, nghiên cứu đầu tư xây dựng đường sắt Đà Nẵng – Kon Tum thuộc tuyến đường sắt Tây Nguyên từ Đà Nẵng – Kon Tum – Đắk Lắk – Buôn Ma Thuộc – Chơn Thành đến TP.HCM.
Về hệ thống giao thông đường thủy, kết nối Đà Nẵng – Hội An theo tuyến sông Hàn – Cẩm Lệ – Cổ Cò và tuyến Liên Chiểu – Cù Lao Chàm vừa phục vụ hàng hóa, vừa phát triển du lịch. Tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cao khả năng khai thác CHK Quốc tế Đà Nẵng công suất tối đa 28 – 30 triệu lượt khách/ năm.
Đối với giao thông nội thị, Đà Nẵng nghiên cứu lại tổng thể việc tổ chức giao thông nội thị trong đó sớm nghiên cứu giải pháp tổ chức giao thông ngầm đô thị, xây dựng đường hầm qua sân bay Đà Nẵng; nâng cấp và mở rộng các tuyến đường tỉnh, đường huyện…; xây dựng một số nút giao thông khác mức khu vực trung tâm; xây dựng các bãi đỗ xe thông minh.
Mục tiêu của quyết định này nhằm phát triển Đà Nẵng thành một trong những trung tâm KT – XH lớn của cả nước và Đông Nam Á; là thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên, trở thành đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh.
Về các chỉ tiêu KT – XH, mục tiêu đến năm 2020, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt 8-9%/năm, trong đó khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng từ 64-65%, khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm 33-34%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 1-2%.
Đến năm 2030, phấn đấu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 đạt 12%/năm, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng từ 67-68%, công nghiệp và xây dựng 31-32%, nông nghiệp 1%.
Nguồn: www.baogiaothong.vn