Chủ tịch TP Hà Nội cho biết dự kiến tiến độ giải phóng mặt bằng dự án vành đai 4 vùng thủ đô đạt 70% vào giữa năm 2023 và hoàn thành tháng 12/2023.
Tại buổi làm việc với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh về triển khai Dự án vành đai 4 vùng thủ đô ngày 5/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói với tiến độ trên, khi các nhà thầu nhận bàn giao đất “sạch”, sẽ phấn đấu hoàn thành công trình trong 36 tháng.
Hướng tuyến đường Vành đai 4 Vùng thủ đô. Nguồn: UBND Hà Nội
Tại dự án này, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn bày tỏ lo ngại với hướng tuyến được đơn vị tư vấn đưa ra.
Với phương án hiện nay, khi qua Hưng Yên, tuyến sẽ đi vào khu công nghiệp lớn của tỉnh. Tuy nhiên đây là khu vực rất phát triển, chi phí giải phóng mặt bằng có thể lên đến 9.000 tỷ đồng.
Cho rằng ngoài tốn kém về kinh tế, hướng tuyến này cũng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội tỉnh cũng như tiến độ dự án, ông đề xuất dịch chuyển về hướng tây, đi qua xã Đình Dù; xây dựng nút giao kết nối đường Vành đai 4 với đường di sản của tỉnh nhằm tăng khả năng kết nối, phát triển các khu đô thị vệ tinh, hỗ trợ việc giãn dân trong tương lai của cả Hưng Yên và Hà Nội.
Đánh giá hiện có nhiều khó khăn về vốn, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đề nghị điều chỉnh lùi tiến độ và Hà Nội chủ trì cắm mốc giải phóng mặt bằng toàn tuyến để tạo sự đồng bộ.
Mô phỏng các thông số kỹ thuật đoạn đi trên cao tuyến Vành đai 4. Nguồn: UBND Hà Nội
Giống Hưng Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng cũng thừa nhận việc giải phóng mặt bằng là khâu khó khăn nhất. Ông Phượng cho rằng áp lực về mốc thời gian thực hiện theo đúng kế hoạch là rất lớn vì trong quá trình triển khai có nhiều nội dung chưa có tiền lệ. Ông đề nghị UBND Hà Nội với tư cách là đầu mối sẽ hỗ trợ Bắc Ninh.
Lưu ý giá cả nguyên vật liệu, nhân công sẽ diễn biến khó lường do ảnh hưởng chung của thế giới, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị các địa phương tính toán các gói thầu, đảm bảo sự linh hoạt tạo điều kiện cho chủ đầu tư thực hiện.
Tuyến đường Vành đai 4 vùng thủ đô dài 112,8 km, qua ba tỉnh, thành gồm Hà Nội (58,2 km), Hưng Yên (19,3 km), Bắc Ninh (25,6 km) và tuyến nối khoảng 9,7 km.
Dự án được chia thành ba nhóm với 7 dự án thành phần, bao gồm ba dự án giải phóng mặt bằng ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên; ba dự án đầu tư xây dựng đường song và một dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.800 tỷ đồng, chuẩn bị đầu tư năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026, khai thác năm 2027.
Nguồn: vnexpress.net