UBND thành phố vừa công bố Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg, ngày 31-3-2016). Đây là tiền đề quan trọng cho việc phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô, bảo đảm đồng bộ, bền vững, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của nhân dân.
Quy hoạch được triển khai nghiên cứu trên phạm vi toàn bộ địa giới hành chính Hà Nội, có mở rộng ra vùng phụ cận, đã định hướng rõ nét về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không, mạng lưới vận tải hành khách công cộng, hệ thống bến, bãi đỗ xe… Trong đó, ưu tiên phát triển giao thông công cộng, nhất là loại hình vận tải có khối lượng trung bình và lớn, nhằm góp phần giải quyết ách tắc và tai nạn giao thông.
Quy hoạch nêu rõ các chỉ tiêu cần đạt được, như: Khu vực đô thị trung tâm, diện tích đất giao thông chiếm 20-26% trong tổng diện tích đất xây dựng đô thị, trong đó đất cho giao thông tĩnh từ 3-4%. Mạng lưới vận tải hành khách công cộng đạt từ 2-3 km/km2, bảo đảm đáp ứng 50-55% nhu cầu đi lại vào năm 2030 và 65-70% vào các năm sau. Sẽ có thêm 12 cầu và hầm vượt sông Hồng, đoạn qua địa bàn Hà Nội; bốn cầu vượt sông Đuống. Chín tuyến đường sắt nội đô được kéo dài để kết nối với các đô thị vệ tinh. Xây dựng thêm các bến xe liên tỉnh ngoài vành đai ba để giải quyết tình trạng quá tải. Những bến xe trong nội thành được cải tạo, nâng cấp. Hoàn thành việc cải tạo, xây dựng khép kín các tuyến đường vành đai đến vành đai bốn. Phát triển hệ thống giao thông thông minh… Triển khai các kế hoạch nêu trên, thành phố Hà Nội cần 1.235.380 tỷ đồng để đầu tư.
Đồ án quy hoạch được đánh giá là rất chi tiết, khoa học và khả thi, khi đưa vào thực hiện sẽ tác động sâu đến sự phát triển không chỉ của Hà Nội mà toàn vùng kinh tế Bắc Bộ và cả nước. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, triển khai thực hiện các đề án, đồ án quy hoạch, các dự án chuyên ngành giao thông vận tải… Tuy nhiên, để hiện thực hóa quy hoạch này, còn rất nhiều việc phải làm. Cụ thể như: UBND thành phố cần khẩn trương lập kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện quy hoạch; thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư theo quy hoạch. Xây dựng những chính sách và kế hoạch tài chính phù hợp kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải từng giai đoạn. Rà soát, lập kế hoạch sử dụng đất cho các công trình giao thông. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, quản lý quy hoạch, quản lý giao thông trên địa bàn Thủ đô. Đề ra những cơ chế, chính sách huy động được các nguồn lực đầu tư. Việc quán triệt quy hoạch tới các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận về nhận thức và trách nhiệm có ý nghĩa rất quan trọng tới quá trình triển khai cũng như kết quả thực hiện. Bên cạnh đó, thành phố cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, để đầu tư khớp nối đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, nhằm phát huy cao nhất hiệu quả của đồ án.
Theo Hạnh Nguyên – báo www.nhandan.com.vn