Theo Công đoàn GTVT Việt Nam, báo cáo chưa đầy đủ của các đơn vị cho thấy tính đến hết tháng 9/2012, có 68 doanh nghiệp rất khó khăn, chiếm tỉ lệ 15,8%, trong đó có 8 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và 2 đang làm thủ tục phá sản. Tổng số lao động thiếu việc làm trên 7.000 người, chiếm 8% tổng số CNVCLĐ toàn Ngành. Nợ lương người lao động 9 tháng đầu năm 204,6 tỉ đồng. Nợ các loại bảo hiểm trên 223,7 tỉ đồng.
Theo ông Cấn Hồng Lai – TGĐ Cienco1, khó khăn thực tế rất lớn, báo cáo của Công đoàn GTVT còn chưa thống kê khoản nợ thuế ngân sách của doanh nghiệp. Các đơn vị thi công đường bộ và sản xuất vật liệu xây dựng của Cienco1 hiện hoàn toàn không có việc làm. Hiện nợ lương công nhân và bảo hiểm khá lớn, song bản thân đơn vị có tới hơn 1.000 tỉ đồng bị các chủ đầu tư, các Ban QLDA nợ lại.
Đại diện các TCT khác của Bộ GTVT như: Cienco8, Cienco5, Thăng Long, TCT Đường thủy, TEDI phát biểu cũng có cùng nội dung: Hiện các chủ đầu tư, các Ban QLDA nợ doanh nghiệp xây lắp rất lớn, cùng với các khối lượng đọng tại các công trình bị đình hoàn tiến độ do Nghị quyết 11 cũng rất lớn, là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp không cân đối được tài chính, nợ lương công nhân, nợ thuế và các loại bảo hiểm. Cienco8 còn bị nợ đọng tại các chủ đầu tư trên 800 tỉ đồng, TCT Đường thủy 500 tỉ đồng, TCT Thăng Long trên 800 tỉ đồng..
Nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Ngành
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo: Người lãnh đạo đơn vị phải chịu trách nhiệm rất cao trong điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Phải xác định rõ giải quyết lương và bảo hiểm cho người lao động là trách nhiệm chính trị hàng đầu của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo đơn vị. Trách nhiệm của Công ty mẹ cũng phải được làm rõ. Khi thành lập mô hình Tổng công ty xác định là để tập trung sức mạnh đấu thầu, thắng thầu và thực hiện dự án lớn, chính là để thực hiện điều tiết về công việc làm, lương, chính sách xã hội. Nay, cần phải chấn chỉnh lại và công ty mẹ cần xem xét thành lập ngay Quỹ lương để cho vay, hỗ trợ cho các đơn vị thành viên khó khăn trả nợ lương và bảo hiểm, từ nay đến hết năm phải cơ bản giải quyết được các khoản nợ người lao động.
Bộ đang tập trung chỉ đạo tái cơ cấu các doanh nghiệp. Tất cả các đề án tái cơ cấu của doanh nghiệp đã được phê duyệt, cần phải nhanh chóng biến thành hiện thực. Các doanh nghiệp của Bộ cần phải nhanh chóng mạnh lên về mọi mặt, nếu không sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Về đẩy mạnh CPH doanh nghiệp GTVT, Thứ trưởng đề nghị cần xác định rõ để triển khai theo 2 hướng: 1 là để lại 51% vốn nhà nước chi phối đối với doanh nghiệp xét thấy cần thiết, 2 là cho CPH hết 100%. Như vậy doanh nghiệp và Bộ sẽ có phương hướng để triển khai nhiệm vụ, đáp ứng thực tế thị trường vốn hiện nay.
Lãnh đạo Bộ sau cuộc họp này sẽ ban hành Chỉ thị về việc giải quyết công ăn việc làm bảo đảm đời sống chính sách cho người lao động, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị của Bộ: Ban QLDA phải minh bạch trong đấu thầu để lựa chọn những đơn vị có kinh nghiệm trúng thầu các dự án; Các chủ đầu tư phải nhanh chóng giải quyết nợ đọng cho các doanh nghiệp; trách nhiệm của từng đồng chí Thứ trưởng phụ trách dự án và phụ trách đơn vị; trách nhiệm Công đoàn các cấp. Mặc dù tình hình khó khăn, toàn Ngành nợ lương 200 tỉ đồng và nợ bảo hiểm khoảng trên 200 tỉ đồng là khá lớn, song nếu có sự quan tâm mạnh mẽ và có giải pháp quyết liệt cụ thể thì sẽ sớm giải quyết được, không để vấn đề này kéo dài. Thứ trưởng rất quyết liệt: Vấn đề giải quyết nợ lương và bảo hiểm cho người lao động cần phải sớm giải quyết triệt để và không còn để tái diễn trong bất kì hoàn cảnh nào.
(theo giaothongvantai.com.vn)