Công tác bàn giao mặt bằng các tuyến cao tốc từ Khánh Hòa đến Đồng Nai đang được gấp rút triển khai.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cùng đoàn công tác Bộ GTVT khảo sát thực địa tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo vào tháng 10/2019.
Trên địa bàn 4 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai có 3 phân đoạn cao tốc thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam. Đến nay các địa phương đang rốt ráo bàn giao mặt bằng ngoài thực địa. Tuy nhiên, công tác triển khai xây dựng các khu tái định cư đang bị chậm tiến độ.
Tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, nhà đầu tư đang bám sát địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo Ban QLDA 85 (đại diện nhà đầu tư), dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến đầu tháng 4/2020 đã bàn giao được 52,27/61,5km (đạt khoảng 85%).
Kết quả giải ngân chi phí thực hiện GPMB của các địa phương vốn đã cấp năm 2019 đạt gần 100%. Đối với diện tích đất đoạn qua địa bàn huyện Cam Lâm hiện lãnh đạo TP Cam Ranh đang triển khai quyết liệt các giải pháp để bàn giao mặt bằng, trong đó nhiệm vụ trọng tâm sớm triển khai khu tái định cư.
Ông Phạm Trọng Hùng, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Ninh Thuận cho biết: Tính đến đầu tháng 4 đã tổ chức chi trả cho các hộ dân ảnh hưởng với tổng số hộ đã nhận tiền bồi thường 1.046/1.207 hộ. Để phục vụ dự án tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, tỉnh phải xây dựng 2 khu tái định cư.
Đối với Khu tái định cư tại xã Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn), UBND huyện Ninh Sơn đã tổ chức xong công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công. Hiện đang triển khai công tác thi công hiện trường. Khu tái định cư còn lại tại xã Nhị Hà (huyện Thuận Nam) đang tổ chức đấu thầu để sớm khởi công khu tái định cư này.
Tỉnh Bình Thuận có 3 tuyến cao tốc đi qua, là một trong những điểm sáng trong công tác bàn giao mặt bằng.
Tại Bình Thuận có 3 phân đoạn cao tốc phía Đông gồm: Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây. Công tác GPMB đang được triển khai rốt ráo để bàn giao diện tích đất còn lại cho các nhà đầu tư.
Báo cáo mới nhất của Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cho thấy, đến giữa tháng 4/2020, đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đạt 100% hồ sơ; đã chi trả tiền bồi thường cho 2.401/2.683 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 89,5%. Tổng vốn đã giải ngân đến nay đạt hơn 1.383 tỷ đồng/2.018 tỷ đồng.
Diện tích mặt bằng tỉnh Bình Thuận đã bàn giao cho các Ban QLDA của Bộ GTVT đạt được như sau: đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo bàn giao đạt 91/%; Vĩnh Hảo – Phan Thiết đạt 90%; Phan Thiết – Dầu Giây đạt 87%.
Đối với diện tích được bàn giao UBND tỉnh yêu cầu các huyện tổ chức quản lý đối với phần diện tích đất đã hoàn thành công tác thu hồi, bồi thường, GPMB không để xảy ra hiện tượng người dân tái lấn chiếm. Để phục vụ xây dựng 3 tuyến cao tốc nêu trên tỉnh đang thi công đồng loạt 5 khu tái định cư và đang hoàn thiện thủ tục để di dời hạ tầng kỹ thuật trên phạm vi các dự án.
Tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có tổng chiều dài khoảng 99km, riêng đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 51,5km đi qua các huyện Xuân Lộc, Cảm Mỹ, TP Long Khánh và huyện Thống Nhất. Để phục vụ xây dựng đường cao tốc này cơ quan chức năng phải thu hồi diện tích đất khoảng 395ha của 884 hộ gia đình.
QL1 hiện hữu đoạn Phan Thiết – Đồng Nai đã quá tải. Trong ảnh một đoạn QL1 qua huyện Hàm Tân (Bình Thuận).
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng Quế, Chi cục phó Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên Môi trường) cho biết, công tác GPMB chi trả tiền bồi thường cho dự án tại các địa phương gồm 2 huyện Cẩm Mỹ, Thống Nhất và TP.Long Khánh đã cơ bản hoàn thành. Theo ông Quế, hiện các cơ quan liên quan đang tập trung hoàn thiện các thủ tục để tiếp tục bàn giao mặt bằng trên địa bàn huyện Xuân Lộc.
Đối với khu tái định cư ở huyện Xuân Lộc, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương hoàn tất thủ tục để trong tháng 6 duyệt quy hoạch chi tiết, đấu thầu khởi công khu tái định cư. “Dự kiến trong tháng 6/2020, Đồng Nai có thể bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho chủ đầu tư để thi công dự án đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây”, ông Quế cho hay.
Ngoài việc thực hiện công tác GPMB diện tích đất của các hộ gia đình, cá nhân, Đồng Nai còn phải khẩn trương thực hiện di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án như: viễn thông, điện, cấp nước. Trong đó, việc di dời hệ thống lưới điện cao thế 220kV và 500kV là phức tạp nhất. Do đó, mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Công thương và UBND các huyện khẩn trương thực hiện công tác này.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/