Ngày 24/11/2022 đến ngày 25/11/2022, Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội đã cùng đoàn công tác gồm Đại diện các Bộ ngành, các cơ quan, địa phương của thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, đơn vị Tư vấn Tổng công ty TVTK GTVT – CTCP đi khảo sát thực địa và làm việc với các cơ quan liên quan về tình hình thực hiện dự án, trọng tâm là dự án thành phần giải phóng mặt bằng.
Đoàn công tác đã thị sát và làm việc với 07 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm các huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông cùng với 02 tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội chỉ đạo tại thực địa
Tại địa bàn thành phố Hà Nội dự án thành phần giải phóng mặt bằng đã hoàn thành phê duyệt chỉ giới đường đỏ 5/5 đoạn với tổng chiều dài 58,2km. Thành phố cũng đã hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường, tham vấn cộng đồng, đã đăng tải tham vấn trên trang điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Về kết quả cụ thể, TP đã tổ chức cắm mốc giải phóng mặt bằng được 36,3/58,2km tại 7 quận, huyện; dự kiến sẽ hoàn thành công tác cắm mốc xong trước ngày 30-11 đối với 21,9km còn lại. Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, trong quý 4 sẽ giải ngân được khoảng 1.759 tỉ đồng cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết khối lượng công tác giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 4 – vùng thủ đô Hà Nội rất lớn, nhiều phần việc khó khăn vẫn còn ở phía trước, như di dời mồ mả, trụ sở cơ quan, trường học, công trình điện… Trong khi đó, tiến độ Quốc hội đề ra là phải cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027. Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đề nghị các bộ, ngành tiếp tục đồng hành, bám sát tiến độ theo cam kết của thành phố Hà Nội và hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên để kịp thời theo dõi, đôn đốc.
Tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh, dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua địa bàn 3 huyện Gia Bình, Thuận Thành, Quế Võ và TP Bắc Ninh với tổng chiều dài khoảng 35,3km. Tổng vốn đầu tư đường Vành đai 4 tại tỉnh Bắc Ninh là 5.274 tỷ đồng. Đến nay, 3 huyện và TP Bắc Ninh mà dự án đi qua đã thành lập hội đồng GPMB; hoàn thành công tác đo đạc bản đồ địa chính, thống kê sơ bộ nhu cầu sử dụng đất, đề xuất khu tái định cư.
Trong khi đó, dự án đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô Hà Nội qua địa phận tỉnh Hưng Yên dài 19,3km, đi qua 4 huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ và Văn Lâm. Tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Hưng Yên là 5.245 tỷ đồng. Đến nay, 4 huyện đã hoàn thành trích lục bản đồ địa chính và đang triển khai công tác trích đo giải thửa, rà soát, quy chủ đối với đất nông nghiệp và đất ở. Các huyện cũng đã hoàn thành đề xuất nhu cầu bố trí tái định cư, lập điều chỉnh quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất để làm căn cứ thực hiện các thủ tục chuyển đổi đất theo quy định pháp luật.
Lãnh đạo hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên đều khẳng định, đường Vành đai 4 là dự án trọng điểm, quan trọng, là động lực phát triển to lớn đối với tỉnh nhà. Thời gian qua, người dân trên địa bàn đều hồ hởi, phấn khởi, chờ mong; lãnh đạo các cấp đều ý thức rõ về trách nhiệm, chủ động vào cuộc quyết liệt.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn đề nghị sớm tổ chức họp Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội để tổng hợp các vấn đề khó khăn, vướng mắc để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời có chỉ đạo thống nhất để các tỉnh làm căn cứ phê duyệt các dự án thành phần; làm việc với các tỉnh trong vùng để cấp phép ngay việc khai thác mỏ phục vụ dự án… Quan điểm chung của tỉnh là sẽ nỗ lực tháo gỡ tối đa những khó khăn, vướng mắc để thực hiện các dự án đạt kết quả cao nhất.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, mặc dù đang vướng mắc về việc ứng vốn GPMB, nhưng qua làm việc với đoàn công tác hôm nay tỉnh đã rõ hướng giải quyết và tới đây sẽ triển khai theo thẩm quyền. Trước mắt tỉnh sẽ ứng tiền ngay để phục vụ di dời mồ mả trước dịp 23 tháng Chạp (Âm lịch). Tới đây, tỉnh sẽ tập trung điều chỉnh quy hoạch nghĩa trang, xây dựng khu tái định cư để phục vụ công tác GPMB. Đồng thời thống nhất các nội dung với thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh để kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai dự án. Dù biết rất khó khăn, nhưng tỉnh quyết tâm thực hiện bằng được tiến độ dự án, bảo đảm đến tháng 6/2023 bàn giao ít nhất 70% mặt bằng.
Tổng Giám đốc TEDI – Phạm Hữu Sơn báo cáo tại thực địa
Trên hiện trường Dự án cũng như tại các cuộc làm việc Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội cùng với lãnh đạo thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh đánh giá rất cao công tác thực hiện của đơn vị Tư vấn Tổng công ty TVTK GTVT – CTCP. Lãnh đạo các địa phương đề nghị cần tập trung hơn nữa, phát huy truyền thống là đơn vị Tư vấn đầu ngành GTVT để đẩy nhanh tiến độ Dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ. Tổng Giám đốc Phạm Hữu Sơn đã báo cáo, giải trình các ý kiến của các Bộ ngành, địa phương và cơ quan liên quan, đề xuất các giải pháp về kỹ thuật, mỹ thuật để đẩy nhanh tiến độ và chất lượng của Dự án.