Kể từ ngày ký kết hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 5-9-1962 và ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác ngày 18-7-1977), Việt Nam đã hỗ trợ, hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực với Lào, đặc biệt là về giao thông. Trong những năm qua, ngành GTVT Việt Nam đã hỗ trợ, hợp tác với Lào về kết nối hạ tầng giao thông, khai thác vận tải qua biên giới và đào tạo nguồn nhân lực. Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải – CTCP (TEDI) về những hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giữa hai nước.
Xin ông vui lòng khái quát những kết quả đạt được trong hợp tác giữa TEDI và CHDCND Lào trong thời gian qua?
Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải –CTCP (TEDI) vinh dự được Bộ GTVT hai nước giao nhiệm vụ tham mưu, hỗ trợ và triển khai phần lớn các dự án trong lĩnh vực GTVT tại Lào. Năm 1986 tại Thủ đô Viêng Chăn, Viện thiết kế giao thông vận tải, tiền thân của Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải – CTCP là một trong những đơn vị đầu tiên ký hợp tác với Viện nghiên cứu thiết kế giao thông Lào nay là Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải Lào (LTEC). Trong suốt hơn 30 năm qua, TEDI đã cử nhiều đoàn chuyên gia sang hỗ trợ bạn trong công tác khảo sát, thiết kế và chuyển giao công nghệ thông qua các dự án giao thông nhằm nâng cao năng lực các kỹ sư của LTEC. Mối quan hệ tốt đẹp hiện vẫn được các thế hệ lãnh đạo của LTEC và TEDI vun đắp. Hàng năm hai bên vẫn duy trì đều đặn cử đoàn công tác sang thăm, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.
Hiện tại, TEDI vinh dự được Bộ GTVT tin tưởng giao thực hiện các dự án trọng điểm về hợp tác trong lĩnh vực GTVT.
Về các nghiên cứu tổng quan, TEDI được giao lập đề án kết nối giao thông bao gồm cả kết nối đường cao tốc và tăng cường vận tải hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Lào, đề án đã được Đảng, Chính phủ hai nước đánh giá cao và chuyển đổi thành Bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về “Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực GTVT giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Dự án đường cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn cũng đã được TEDI nghiên cứu báo cáo Bộ GTVT, Chính phủ hai nước và cơ bản được thông qua tại “Thoả thuận về đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn”, việc đầu tư xây dựng các tuyến kết nối chiến lược này sẽ là sự kết hợp, tận dụng vị trí trung tâm của Lào trong ASEAN và lợi thế biển của Việt Nam và là tiền đề để hình thành các trục giao thông đường bộ với tốc độ cao kết nối Thủ đô các nước trong khu vực, kết nối theo hướng Đông Tây giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội của hai nước.
Về các dự án cụ thể, gần như các dự án hợp tác đầu tư xây dựng về đầu tư trong lĩnh vực GTVT tại Lào TEDI đều tham gia thực hiện và tham mưu cho Bộ GTVT và Chính phủ hai nước để thực hiện cụ thể như: hỗ trợ bạn thiết kế, giám sát thi công cầu Nậm Thơn. Một dự án hết sức khó khăn trong bối cảnh Liên bang Xô Viết tan rã, toàn bộ hồ sơ thiết kế bị thất lạc. Các kỹ sư và chuyên gia Việt Nam đã phải nghiên cứu đo đạc đánh giá tình trạng của từng thanh kết cấu thép, đưa ra phương án tổ hợp để lắp ráp thành kết cầu dầm thép hoàn chỉnh. Công trình hoàn thành trong sự thán phục của phía bạn. Các dự án đầu tư xây dựng do TEDI thiết kế và giám sát đã đưa vào sử dụng như QL18B; Quốc lộ 2E đoạn Mường Khoa-Tây Trang. Tuyến đường Xăm Tạy – Tha Lấu đã đang thi công và chuẩn bị được đưa vào khai thác.
Thời gian sắp tới các tuyến đường khác do TEDI thực hiện công tác hỗ trợ kỹ thuật như Dự án xây dựng tuyến đường từ Phu-Thít-Phờng tỉnh Luông-Pra-Băng đi Na Son, Lào giáp huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên; Nâng cấp QL 18 B; Dự án đầu tư xây dựng 02 tuyến đường tại tỉnh Xay-sổm-bun sẽ được đẩy nhanh tiến độ thực hiện để thực hiện đầu tư xây dựng góp phần hoàn thiện mạng lưới GTVT của Lào cũng như mạng lưới GTVT kết nối hai nước và khu vực.
Cùng với sự hợp tác trong khuôn khổ song phương, tình đoàn kết anh em giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực GTVT, TEDI sẽ nỗ lực phấn đấu góp phần thực hiện các chiến lược hợp tác phát triển của hai nước, đưa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam Lào ngày càng bền chặt.
Ông có đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư kinh doanh tại Lào hiện nay
Hiện nay điểm sáng trong việc xây dựng nhịp cầu hữu nghị, hợp tác Việt Nam – Lào không thể không kể đến sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp của hai nước. Đầu tư của Việt Nam vào Lào ngày càng tăng. Đến nay, đầu tư của Việt Nam vào Lào đạt giá trị gần 4 tỷ USD với hơn 400 dự án. Năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều hai nước đạt hơn 800 triệu USD. Những khó khăn như chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư; thời gian cấp phép cho các dự án đầu tư, cơ chế chính sách, thủ tục cấp phép đầu tư vào Lào thiếu đồng bộ giữa Trung ương và địa phương, nhất là trong lĩnh vực đất đai, lao động, vật tư, thiết bị, khăn hiếm nguồn nhân lực đã qua đào tạo cũng được Chính phủ Lào ghi nhận và tìm cách tháo gỡ. Như vậy có thể thấy môi trường đầu tư kinh doanh tại Lào đang trở nên hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các nước khác.
Theo ông triển vọng của mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và CHDCND Lào trong giai đoạn hiện nay ra sao?
Quan hệ Việt Nam – Lào là mối quan hệ “đặc biệt hiếm có”, được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước dày công vun đắp. Hiện nay, hai bên đang tiếp tục hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện hiệu quả những thỏa thuận, mục tiêu chiến lược đã đặt ra với tầm nhìn toàn diện và lâu dài nhằm phát triển hơn nữa mối quan hệ đoàn kết đặc biệt. Với lịch sử hợp tác hữu nghị toàn diện và các điều kiện thuận lợi trong mối quan hệ giữa hai nước tôi tin rằng mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Lào sẽ ngày một phát triển, góp phần đưa nền kinh tế xã hội của hai nước vươn lên tầm cao mới sánh ngang với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Qua đây, ông có đề xuất ý kiến đóng góp nào với Chính phủ Việt Nam và Lào nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư song phương của doanh nghiệp hai nước?
Trên kinh nghiệm của TEDI đã hợp tác và thực hiện các dự án tại Lào, tôi hy vọng rằng Chính phủ hai Bên sẽ có những biện pháp, cơ chế, chính sách thiết thực để tổ chức thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước. Trước mắt cần cải thiện môi trường đầu tư tại Lào bằng các chính sách ưu đãi ưu đãi đặc biệt trong các lĩnh vực lợi thế của Việt Nam như nông nghiệp, khai thác mỏ, thủy điện; giảm thủ tục hành chính. Chính phủ hai nước sớm đưa ra những cơ chế đặc biệt để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước và hàng hóa quá cảng xuất đi các nước khác. Đề nghị Chính phủ hai nước giao Ủy ban hợp tác Việt –Lào; Lào –Việt là cơ quan đầu mối cùng nhau rà soát và có đề xuất lên Chính phủ hai nước xem xét và chấp thuận. Lĩnh vực GTVT cần đi trước một bước, hai nước cần tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kết nối giữa hai nước nâng cao năng lực vận tải, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư, tăng cường giao lưu văn hóa giữa các địa phương gần biên giới, phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế mỗi nước.
Theo tạp chí Vietnam Business Forum