TEDI là đơn vị tư vấn đầu ngành tham gia vào công tác thiết kế của rất nhiều công trình giao thông trọng điểm ở các lĩnh vực từ đường bộ, đường sắt, đường thủy đến hàng hải, hàng không.
Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI (thứ 2 từ phải sang) thuyết trình với Đoàn công tác của Quốc hội trong chuyến khảo sát thực tế tuyến Vành đai 4 – Vùng Thủ đô
Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm đang được triển khai đầu tư xây dựng trên khắp các vùng miền Tổ quốc từ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1, giai đoạn 2 đến Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP.Hà Nội, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột,… Có được kết quả này không thể không nhắc tới những đóng góp thầm lặng của đơn vị tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực GTVT là Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI).
Xây dựng hồ sơ tổng thể cho toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam
TEDI là cái tên đã trở nên quá thân thuộc đối với những người đã và đang gắn bó với ngành GTVT. Bởi đây là đơn vị tư vấn đầu ngành tham gia vào công tác thiết kế của rất nhiều công trình giao thông trọng điểm ở các lĩnh vực từ đường bộ, đường sắt, đường thủy đến hàng hải, hàng không.
Đặc biệt, tại các dự án lớn đang triển khai như: Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 (2017 – 2020), cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 (2021 – 2025), Đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh; Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột,… với tiến độ triển khai rất gấp, đòi hỏi chất lượng cao thì vai trò của TEDI càng trở nên quan trọng khi trực tiếp tham gia công tác chuẩn bị triển khai các dự án, gồm: công tác chuẩn bị, công tác tổng thể, điều hành chung, định hướng kỹ thuật chung; kiểm soát chất lượng khảo sát, thiết kế từ khâu số liệu đầu vào,…
Ông Võ Hoàng Anh – Trưởng phòng Quản lý chất lượng và Nghiên cứu phát triển (TEDI) cho biết, đối với công tác chuẩn bị tại các dự án giao thông trọng điểm, trên cơ sở nhiệm vụ khảo sát xây dựng được chủ đầu tư chấp thuận, TEDI đã yêu cầu các bộ phận kỹ thuật tiến hành thị sát tuyến, nghiên cứu kỹ địa hình, địa mạo từng khu vực dự án đối chiếu với nhiệm vụ khảo sát xây dựng,… đảm bảo đầy đủ để có các số liệu sát với thực tế và đáp ứng các yêu cầu của công tác thiết kế trong từng giai đoạn thực hiện.
“Ngay trong quá trình thị sát, khảo sát hiện trường, với các đoạn tuyến có điều kiện địa hình đặc biệt khó khăn, cần phải nghiên cứu, so sánh các phương án đảm bảo tối ưu về kinh tế – kỹ thuật, chúng tôi kịp thời đề xuất với chủ đầu tư điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ khảo sát thiết kế phù hợp với yêu cầu từng loại công việc, từng bước thiết kế; khối lượng, nội dung, yêu cầu kỹ thuật phù hợp với quy mô tính chất công trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, tránh tình trạng khối lượng khảo sát được phê duyệt chưa đầy đủ dẫn đến thiếu số liệu đầu vào cho công tác thiết kế, làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng dự án”, ông Võ Hoàng Anh chia sẻ.
Tiếp đó, để chuẩn bị cho công tác thiết kế, TEDI tiến hành rà soát thực địa ngay từ khâu chuẩn bị hồ sơ dự thầu nhằm đánh giá những nội dung có thể phát sinh trong quá trình thiết kế để sớm đưa ra các đề xuất, kiến nghị phù hợp.
Trong quá trình thực hiện, các đơn vị được giao nhiệm vụ thiết kế của TEDI phối hợp chặt chẽ với đơn vị khảo sát theo dõi tiến độ hiện trường cũng như kiểm tra ngay từ đầu các số liệu, đối chiếu hiện trường cùng đơn vị khảo sát, giám sát khảo sát hiện trường và đơn vị KCS (kiểm tra chất lượng) nội bộ để đánh giá toàn diện chất lượng, tính đầy đủ của số liệu khảo sát cũng như giải pháp thiết kế.
Về việc áp dụng giải pháp công nghệ mới để nâng cao chất lượng và rút ngắn tiến độ khảo sát hiện trường, TEDI đã đầu tư trang thiết bị, phần mềm xử lý số liệu khảo sát theo công nghệ quét LiDAR bề mặt địa hình để kiểm soát chất lượng đồng bộ và nâng cao hiệu quả công tác khảo sát địa hình hiện trường, ứng dụng BIM trong công tác thiết kế để nâng cao hiệu quả, chất lượng.
Ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Tổng giám đốc TEDI cho biết, tại cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 (2021 – 2025), thực hiện vai trò tổng thể dự án, TEDI đã sớm lập, hoàn thiện và ban hành các nội dung quy định hướng dẫn về mẫu thiết kế, thiết kế định hướng chung; lập và ban hành hồ sơ mẫu kiểm soát thiết kế để thống nhất trong công tác kiểm soát thiết kế các dự án thành phần do TEDI thực hiện nhiệm vụ tổng thể dự án.
Đặc biệt, trong bước thiết kế kỹ thuật, TEDI đã hoàn thiện và gửi Ban QLDA6 (đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ đầu mối) trình Bộ GTVT xem xét, thống nhất chung làm cơ sở triển khai thực hiện đồng bộ hồ sơ định hướng một số giải pháp kỹ thuật chủ yếu cho công tác thiết kế kỹ thuật các dự án thành phần thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 .
Các hồ sơ tổng thể được ban hành thống nhất thực hiện từ quy định nội dung, hình thức hồ sơ; định hướng thiết kế bao gồm tính toán, bản vẽ, khối lượng, lập dự toán; lập chỉ dẫn kỹ thuật thi công, nghiệm thu; quy trình duy tu bảo dưỡng và khai thác công trình.
“Các giải pháp thiết kế chính, phương án tổ chức xây dựng được xem xét ngay từ khi chuẩn bị với sự tham gia của các thành phần của dự án từ giám đốc điều hành đến các kỹ sư thực hiện chi tiết”, ông Nguyễn Mạnh Hà nói và cho biết, nhằm chú trọng công tác tính toán khối lượng và lập dự toán, lãnh đạo TEDI trực tiếp phụ trách điều hành nhóm khối lượng, dự toán và chỉ đạo đưa ra các biểu mẫu tổng hợp khối lượng phù hợp với yêu cầu của hồ sơ dự toán nhằm đảm bảo tính thống nhất của hồ sơ, rõ ràng, tránh sai sót giữa các gói thầu thiết kế các dự án thành phần.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Tổng giám đốc TEDI (thứ 2 từ phải sang) thị sát dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột
Chủ động khắc phục nhiều bất cập về đơn giá, định mức
Đối với công tác khảo sát địa chất, mỏ vật liệu và bãi đổ thải, ông Võ Hoàng Anh cho biết, TEDI là đơn vị tư vấn có bề dày kinh nghiệm hơn 60 năm thực hiện công tác khảo sát, thiết kế công trình giao thông. Trải qua hàng chục năm hoạt động trong lĩnh vực này, các cơ sở dữ liệu đầu vào như đặc điểm, điều kiện địa chất công trình, địa tầng, đặc điểm phân bố, trữ lượng, chất lượng của vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT),… đều được TEDI lưu trữ cẩn thận và sử dụng trong quá trình thực hiện để tiết kiệm tối đa thời gian, đáp ứng tiến độ.
Đây cũng là các cơ sở dữ liệu để tham khảo trong việc định hướng, hoạch định về phạm vi, quy mô cũng như chiều sâu của các công tác khảo sát địa chất công trình cũng như VLXDTT. Đồng thời là một lợi thế của TEDI mà không nhiều đơn vị tư vấn khác có được.
Dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 và các dự án cao tốc trọng điểm có sự tham gia của TEDI, công tác khảo sát địa chất công trình được thực hiện tuân thủ theo TCCS31:2020/TCĐBVN, TCCS41:2022/TCĐBVN,… việc khảo sát địa chất được xây dựng theo trình tự và kế hoạch thực hiện theo các bước, gồm: Nghiên cứu bản đồ địa chất và khoáng sản khu vực tuyến đường đi qua, xác định sơ bộ nguồn gốc đất, đá, sông hồ, đầm lầy, sườn tàn tích, đá trầm tích, macma,… Thị sát địa chất tuyến đường xác định điều kiện địa hình, địa mạo để chuẩn bị thiết bị khoan khảo sát phù hợp.
Tùy theo tiến độ của dự án huy động nhân sự, thiết bị cho phù hợp với điều kiện thực tế. Mỗi tổ khoan bố trí một kỹ sư địa chất để mô tả hiện trường, mỗi dự án bố trí 1 – 3 cán bộ làm công tác liên hệ địa phương, giải phóng mặt bằng tại các lỗ khoan, tổng hợp thông tin, tiến độ khảo sát hàng ngày báo cáo chủ đầu tư.
“Chúng tôi tiến hành lập các nhóm ứng dụng công nghệ thông tin, kịp thời gửi kết quả khoan hiện trường cho chủ trì hoặc chủ nhiệm thiết kế để tính toán sơ bộ chiều sâu móng công trình, chiều sâu dừng khoan địa chất. Tránh thiếu chiều sâu khảo sát, phát sinh khối lượng khoan. Đặc biệt là khu vực miền núi có đá nguồn gốc trầm tích thường có hiện tượng sụt trượt, sạt lở đất”, đại diện TEDI chia sẻ.
Đồng thời, trong công tác khảo sát mỏ vật liệu, tư vấn hoạch định và thực hiện đầy đủ các nội dung: Khảo sát vị trí, trữ lượng, chất lượng; Các tuyến đường, cấp loại đường có khả năng vận chuyển đến công trình; Khảo sát giá tại các vị trí mỏ thời điểm khảo sát; Khảo sát các vị trí tập kết, đổ thải vật liệu đào thải; Thể hiện bản đồ duỗi thẳng vị trí, các tuyến đường vận chuyển; Phân tích các cự ly vận chuyển tối ưu, khả thi.
Ông Võ Hoàng Anh (ngoài cùng bên phải) thị sát cầu Vân Phúc thuộc dự án đường trục phát triển KT-XH Bắc – Nam của TP.Hà Nội
Ngoài ra, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến khối lượng, dự toán, tính vận chuyển, áp giá cũng được quan tâm định hướng ngay từ khi bắt đầu thực hiện. Hồ sơ định hướng cho công tác bóc tách khối lượng, lập dự toán được nghiên cứu xây dựng để các đơn vị có cơ sở thống nhất chung về nguyên tắc, cơ sở phân tích lập dự toán cho các gói thầu, phân đoạn của từng dự án nên đã hạn chế được tối đa tình trạng trong cùng một dự án mỗi gói thầu, hạng mục công trình hay phân đoạn lại có các phương thức, mã hiệu định mức, cách tính chi phí khác nhau như đã từng xảy ra và được các cơ quan thanh tra, kiểm toán chỉ ra.
Đề cập đến việc xử lý các bất cập trong định mức, đại diện TEDI cho biết, đối với các công tác thi công chưa có định mức ban hành tại Thông tư 12/2021/TT-BXD hoặc đã ban hành nhưng không phù hợp với dự án đã được tư vấn thiết kế chủ động lập danh mục theo hướng dẫn tại điều 21 Nghị định 10/2021/NĐ-CP gửi Cục Quản lý đầu tư xây dựng Bộ GTVT để thống nhất hướng dẫn áp dụng chung cho dự án.
Liên quan đến bất cập về đơn giá, đối với các loại hình chưa có đơn giá trong công bố giá vật liệu địa phương được thống nhất chung là lập dự toán chi tiết để tính toán, xác định chi phí. Đơn giá vật liệu đặc chủng (cần khoan, mũi khoan phục vụ công tác khoan nổ mìn chiếm tỷ trọng khá lớn trong mốt số gói thầu) có sự chênh lệch khá lớn giữa công bố giá của các địa phương và thực tế cũng được quy định các nguyên tắc, cách tính phù hợp để đảm bảo giá trị dự toán cho gói thầu, dự án.
“Chi phí liên quan đến bãi đổ vật liệu đổ đi, vị trí tại các bãi thải dọc theo dự án cũng được tính toán cho từng đoạn tuyến, gói thầu trên cơ sở trữ lượng các bãi đổ thải và khối lượng đất đổ đi. Đối với chi phí liên quan đến hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải yêu cầu hồ sơ dự toán tính vận chuyển đến bãi đổ thải, san gạt bãi thải theo quy định”.
Một nội dung liên quan đến không chỉ TEDI mà toàn bộ các đơn vị tư vấn xây dựng công trình giao thông được Lãnh đạo TEDI trăn trở, chia sẻ là phương pháp xác định giá trị chi phí tư vấn làm sao để đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành cũng như có nguồn lực để tư vấn xây dựng công trình giao thông có điều kiện hoạt động và phát triển.
Việc tra giá trị tư vấn trên tổng chi phí xây dựng của toàn bộ dự án, đặc biệt với các dự án lớn, dự án trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam, trong khi việc triển khai dự án là theo các phân đoạn, gói thầu dẫn đến thiệt thòi quá lớn cho các đơn vị tư vấn tham gia dự án. Nội dung này cũng đã được Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) có ý kiến làm rõ và đề xuất tại Văn bản số 1846/VKT/ĐTh ngày 23/08/2022 gửi Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) nhằm phù hợp, tuân thủ đúng quy định, hạn chế thiệt thòi cho các đơn vị tư vấn xây dựng công trình giao thông.
TEDI mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền quan tâm, làm rõ cách xác định chi phí tư vấn thiết kế xây dựng công trình giao thông đảm bảo chi phí tư vấn được tính đúng, tính đủ tuân thủ các quy định hiện hành và phù hợp thực tế triển khai của các dự án xây dựng giao thông để tư vấn có nguồn lực đầu tư chất xám, khoa học công nghệ cho nghiên cứu và phát triển ngành GTVT nói riêng và cơ sở hạ tầng của đất nước nói chung.
Nguồn: tapchigiaothong.vn