Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia.
Kỉ niệm 58 năm ngày thành lập, những ngày cuối năm 2020 cũng là dịp Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải – CTCP (TEDI), nhìn lại một năm đầy khó khăn, biến động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Do đó, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người lao động của Tổng Công ty. Song với nỗ lực vượt bậc của tập thể cán bộ công nhân viên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
1. Khẳng định sự phát triển bền vững trên lĩnh vực tư vấn khảo sát, thiết kế các công trình hạ tầng giao thông
Tiếp nối truyền thống “Đi trước mở đường – Dũng cảm kiên cường – Thông minh sáng tạo”, từ ngày thành lập (27.12.1962) đến nay, trải qua nhiều giai đoạn phát triển từ một Viện thiết kế chuyển sang mô hình doanh nghiệp và đến nay sau 5 năm là doanh nghiệp cổ phần, TEDI luôn coi phát triển bền vững trong lĩnh vực tư vấn, khảo sát, thiết kế là mục tiêu xuyên suốt. Sau những dấu ấn thành công của các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng đã đưa vào khai thác những năm trước đây, năm 2020 tiếp tục đánh dấu sự phát triển của TEDI qua những công trình đặc biệt khác đã được khánh thành như cầu Hoàng Văn Thụ (cầu vòm có nhịp lớn nhất), cầu vòm Trần Hoàng Na, cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn…
Tiếp tục triển khai và đã hoàn thành các dự án trọng điểm Quốc gia trong năm 2020 góp phần thúc đẩy tiến độ các dự án quan trọng của đất nước, đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công các dự án như giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất:
Đường bộ cao tốc phía đông giai đoạn 2017-2020: Cao Bồ-Mai Sơn, Mai Sơn-QL.45, Cam Lộ-La Sơn; cầu Mỹ Thuận 2 –(cầu dây văng có nhịp lớn nhất do Việt Nam thiết kế và đang thi công), hầm đường bộ Thần Vũ, Dốc Sạn; dự án cải tạo nâng cấp đường cất hạ cánh cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất.
Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; đường sắt đô thị, các công trình cảng lớn dọc theo bờ biển đất nước…qua đó tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong của TEDI trong lĩnh vực Tư vấn ngành Giao thông vận tải.
Để chuẩn bị cho chiến lược phát triển ngành GTVT đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và thực hiện theo Luật Quy hoạch năm 2017, Bộ GTVT đã triển khai lập quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông (quy hoạch cấp quốc gia). Đây là lần đầu tiên cả 05 quy hoạch thuộc các lĩnh vực trọng điểm của ngành GTVT là đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không được thực hiện đồng thời, đảm bảo tính thống nhất về quy mô, phương án đầu tư, phương thức vận tải, phương án phân bổ nguồn lực hợp lý trong điều kiện nguồn lực nhà nước còn hạn chế. TEDI đã được tham gia thực hiện cả 05 quy hoạch trên. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 của TEDI để tập trung hoạch định “bộ khung” kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng có ý nghĩa quyết định trong việc phát triển kinh tế của đất nước trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…
2. Phát triển, mở rộng ngành nghề mới
TEDI có cơ cấu tổ chức là một Tổng công ty Tư vấn gồm công ty mẹ và 11 công ty thành viên với khoảng 1.600 cán bộ-nhân viên lao động và doanh thu khoảng 800 tỉ đồng, các công ty được đặt ở khắp mọi miền của đất nước. TEDI đã tham gia đầy đủ các lĩnh vực về kết cấu hạ tầng giao thông bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đã tạo thương hiệu, dấu ấn trong mỗi dự án góp phần phát triển đất nước. Riêng lĩnh vực đường hàng không, trước năm 2020 lĩnh vực này vẫn còn là mới với TEDI. Nhưng với quyết tâm cần phải sớm tham gia vào lĩnh vực còn thiếu này để hướng tới mục tiêu phát triển Tổng công ty tư vấn toàn diện, phát triển bền vững cả về chất và lượng, tiếp tục khẳng định vai trò là tư vấn hàng đầu tại Việt Nam, bộ phận thiết kế sân bay đã được thành lập và đã có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực trước khi được chính thức tham gia các dự án trọng điểm trong thời gian vừa qua như Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc.
Dù là lĩnh vực mới nhưng do có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng nên sự tham gia của TEDI trong dự án vừa qua được các bên liên quan đánh giá cao, đặc biệt trong công tác nghiên cứu, tính toán, đáp ứng chất lượng, tiến độ theo yêu cầu.
3. Phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ
Trong lĩnh vực tư vấn, con người được xem là yếu tố quyết định đến sự phát triển của Tổng công ty. Năm 2020 mặc dù dịch bệnh luôn chực chờ xong Tổng công ty đã tổ chức 14 khóa đào tạo ngắn và dài hạn với gần 300 lượt cán bộ, kỹ sư tham gia. Song song với việc phát triển lĩnh vực thế mạnh tư vấn hạ tầng giao thông, phát triển mở rộng ngành nghề mới, TEDI tiếp tục đầu tư nguồn nhân lực để phát triển khoa học công nghệ, khẳng định vị trí tiên phong trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học trên thế giới vào các công trình giao thông của Việt Nam; đặc biệt chú trọng phát triển các kết cấu mới, kiến trúc mỹ thuật, cảnh quan phù hợp với yếu tố văn hóa lịch sử và môi trường,…Đến thời điểm hiện tại, TEDI đã cơ bản làm chủ các công nghệ trong lĩnh vực xây dựng công trình cầu, hầm giao thông, công trình đường bộ, công trình Cảng-đường thủy, công trình đường sắt, đường sắt đô thị…
Ứng dụng Khoa học công nghệ trong thiết kế công trình giao thông.
Việc áp dụng khoa học công nghệ vào các dự án làm tăng năng suất, kiểm soát tính toán trong quá trình thiết kế cũng như thi công, đây cũng là yêu cầu áp dụng trong mỗi dự án TEDI thực hiện. Qua mỗi dự án, với việc tối ưu hóa công nghệ trong công tác thiết kế, TEDI đã tạo niềm tin đối với mỗi khách hàng, tạo dấu ấn góp phần thúc đẩy phát triển đất nước.
Để đạt được các kết quả nêu trên là nhờ sự ủng hộ, tạo điều kiện giúp đỡ từ Bộ GTVT, các Bộ, Ban ngành TW, UBND các tỉnh thành phố và những nét đẹp văn hóa được kế thừa từ doanh nghiệp nhà nước tại TEDI. Đó là sự phối hợp hoạt động chặt chẽ của HĐQT, Đảng ủy và các tổ chức đoàn thể vì một mục tiêu chung là doanh nghiệp phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích của Doanh nghiệp – Cổ đông – Người lao động. Đời sống, việc làm, chế độ cho người lao động được các cấp chính quyền quan tâm và tổ chức công đoàn giám sát thường xuyên. 100% người lao động có đủ việc làm, thu nhập ổn định, được đóng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của người lao động thường xuyên được nâng cấp, cải thiện; trang bị đầy đủ dụng cụ, quần áo bảo hộ lao động cho người lao động làm việc ngoài công trường; tổ chức khám sức khoẻ định kỳ đầy đủ, đối với lao động nữ được khám sức khỏe 02 lần/năm.
Những hoạt động chăm lo đời sống người lao động của TEDI đã được hỗ trợ từ nguồn Quỹ Xã hội – Từ thiện cho nhiều trường hợp là người lao động TEDI gặp khó khăn trong cuộc sống. Ghi nhận những hoạt động vì người lao động nói trên, ba năm liền (2018-2020) TEDI đã được vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì Người lao động”. Trong đó, năm 2019 được tặng Bằng khen “Doanh nghiệp tiếu biều vì Người lao động” của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Nguồn: https://laodong.vn