Chặng đường gần 60 năm hình thành và phát triển, TEDI để lại dấu ấn đặc biệt trên nhiều công trình giao thông trọng điểm quốc gia…
Trải qua gần 60 năm phát triển, TEDI luôn là tư vấn uy tín hàng đầu góp mặt tại nhiều dự án trọng điểm quốc gia
(Trong ảnh: Đoàn Ủy ban kinh tế Quốc hội kiểm tra vị trí đường cao tốc Bắc – Nam đoạn Bùng – Vạn Ninh vượt sông Long Đại. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ và tư vấn TEDI tham gia, giới thiệu dự án)
“Dấu ấn TEDI” trong thành công quy hoạch trọng điểm
Những ngày cuối tháng 12/2021, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) bày tỏ vui mừng khi một năm 2021 sắp qua đi, TEDI kịp để lại những dấu ấn lớn trong những dự án, quy hoạch quan trọng của ngành GTVT.
Năm 2021, lần đầu tiên các quy hoạch chuyên ngành GTVT được thực hiện đồng thời, có sự phân công rõ vai trò dựa trên lợi thế từng phương thức trên từng hành lang vận tải chính, đảm bảo tính hệ thống, kết nối đồng bộ. 5/5 quy hoạch quan trọng ấy đã có sự tham gia của TEDI.
Quy hoạch mạng lưới đường bộ là quy hoạch chuyên ngành đầu tiên của ngành GTVT được phê duyệt theo Luật Quy hoạch số 21/2017, được đánh giá có quy mô, phạm vi và sức ảnh hưởng lớn trong 37 quy hoạch chuyên ngành quốc gia.
Xây dựng quy hoạch này, liên danh TEDI-TDSI đã tham mưu, xác định mạng lưới đường bộ cao tốc được cơ bản hoàn thiện với 41 tuyến, tổng chiều dài hơn 9.000km; mạng lưới quốc lộ gồm 172 tuyến với chiều dài gần 30.000km và tuyến đường bộ ven biển đi qua 28 tỉnh, thành dài hơn 3.000km.
Quy hoạch đề xuất lựa chọn danh mục các dự án ưu tiên trên nguyên tắc bảo đảm tính lan tỏa, là động lực phát triển vùng/liên vùng, đầu tư phát huy ngay hiệu quả. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2030 ưu tiên các tuyến cao tốc có năng lực thông hành lớn để hình thành mạng lưới cao tốc kết nối liên vùng, là xương sống của hệ thống đường bộ quốc gia.
“Tham gia quy hoạch này, liên danh tư vấn TEDI-TDSI đã được lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá cao khi thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, đảm bảo phát triển mạng lưới đường bộ chất lượng, bền vững trên toàn không gian lãnh thổ Việt Nam”, lãnh đạo TEDI chia sẻ.
Tại Quy hoạch hệ thống cảng biển, TEDI cùng các đơn vị tư vấn trong liên danh (CMB và TDSI) đã nghiên cứu, đề xuất hoạch định 5 nhóm cảng biển, xác định ưu tiên phát triển các khu bến tại cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu), từng bước phát triển cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong, bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng)…
Đối với quy hoạch mạng lưới đường sắt, xác định đây là một trong ba đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư để phát triển KT-XH gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng, thích ứng với biến đổi khí hậu, bên cạnh định hướng nâng cấp các tuyến đường sắt hiện hữu.
Đồng thời, đề xuất từng bước đa dạng hóa nguồn lực, tiếp cận huy động nguồn lực của địa phương, đẩy mạnh các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng, thiết bị, phương tiện kinh doanh đường sắt.
TEDI cũng góp mặt ở Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa với định hướng phát triển 55 tuyến vận tải chính, 54 cụm cảng hàng hóa, 39 cụm cảng hành khách, tăng cường vai trò của phương thức vận tải khối lượng lớn, giá thành rẻ, góp phần giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa.
Quy hoạch cuối cùng TEDI tham gia thực hiện là Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Liên danh tư vấn là TEDI-ADPi-TDSI. Quy hoạch này hiện đã hoàn thành và đang trình Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.
Hiện các quy hoạch TEDI tham gia tư vấn đều được Hội đồng thẩm định đánh giá cao và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chuẩn bị bước vào giai đoạn triển khai, hiện thực hóa sự đồng bộ, hiệu quả của mạng lưới giao thông quốc gia.
Năm 2021 của TEDI khép lại với vai trò tư vấn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Từ kết quả triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn trước (2017 – 2020), TEDI đã tham gia nghiên cứu, đưa ra đánh giá cụ thể, đề xuất phạm vi, hướng tuyến, hình thức đầu tư phù hợp với tình hình thực tiễn để đảm bảo tính khả thi.
Dự án đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá cao và đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét.
Khoa học công nghệ là “điểm tựa” vươn tầm
Trải qua hành trình 59 năm xây dựng và trưởng thành, bên cạnh những dự án đã và đang hiện diện, thương hiệu TEDI gắn liền với tên tuổi những công trình giao thông mang tính biểu tượng như: Cầu Thăng Long – kỷ lục cầu giàn thép dài nhất; cầu Chương Dương – kỷ lục nhanh nhất; cầu Rạch Miễu – kỷ lục cây cầu dây văng khẩu độ nhịp lớn nhất lần đầu do các kỹ sư tư vấn Việt Nam thiết kế và thi công (270m); cầu Pá Uôn – kỷ lục trụ cao nhất với độ cao tới 100m; cầu Hàm Luông – kỷ lục cầu có chiều dài nhịp lớn nhất tới 150m đối với công nghệ cầu đúc hẫng; cầu Đông Trù – ứng dụng kết cấu mới, vòm ống thép nhồi bê tông với chiều rộng lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hoàn thành (55m).
Cùng đó là các công trình: cầu Nhật Tân – 5 trụ tháp dây văng dài nhất Việt Nam; cầu Bắc Luân – cây cầu nối liền hai nước Việt Nam – Trung Quốc với kỷ lục cầu vòm bê tông có khẩu độ nhịp vòm lớn nhất Việt Nam (105m); cầu Hoàng Văn Thụ (Hải Phòng) với kỷ lục là cầu vòm ống thép nhồi bê tông có khẩu độ nhịp lớn nhất (200m) và đạt giải thưởng FIDIC PROJECT AWARD 2021 do Hiệp hội các kỹ sư tư vấn quốc tế trao tặng…
Những năm gần đây, thị trường tư vấn xây dựng giao thông có sự phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ, song mọi hoạt động của TEDI vẫn giữ được ổn định, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng qua các năm, đời sống của cán bộ, người lao động không ngừng được nâng cao.
Nếu năm 2013, doanh thu toàn Tổng công ty đạt hơn 657 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 46 tỷ đồng, dự kiến năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất của TEDI đạt 890 tỷ đồng với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 70 tỷ đồng.
Riêng doanh thu của Công ty mẹ đạt hơn 405 tỷ đồng, với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 39 tỷ đồng.
Tổng giám đốc TEDI Phạm Hữu Sơn cho biết, để tiếp tục phát triển và giữ vững được thương hiệu trong thị trường tư vấn trong nước và quốc tế, TEDI xác định việc làm cấp thiết là xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện tình hình mới.
Từ sau cổ phần hóa, xác định khoa học công nghệ là điểm tựa, nhân tố quan trọng trong công cuộc chinh phục thử thách mới, TEDI đã đầu tư đưa công nghệ vào phục vụ công tác nghiên cứu, khảo sát, thiết kế.
Đến thời điểm hiện tại, các phần mềm thiết kế được sử dụng tại TEDI đều có bản quyền, công tác thiết kế đang chuyển đổi thiết kế từ 2D sang thiết kế 3D để kiểm soát tốt nhất chất lượng thiết kế, hướng tới quản lý dự án theo mô hình thông tin công trình (BIM).
Các phần mềm tiên tiến phục vụ công tác tư vấn, dự toán, dự báo, đánh giá hiệu quả đầu tư dự án cũng đã được đầu tư đồng bộ.
Thời gian tới, mục tiêu của TEDI là trở thành một hãng tư vấn xây dựng kết cấu hạ tầng hàng đầu Việt Nam; quản lý và hoạt động tiếp cận thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam; đồng thời, trở thành công ty đại chúng có cơ cấu cổ đông hợp lý, niêm yết trên thị trường chứng khoán, có thương hiệu uy tín, có cổ phiếu giá trị và cổ tức cao.
Để làm được điều đó, Tổng công ty sẽ phát triển toàn diện các ngành nghề tư vấn GTVT; xây dựng định hướng, kế hoạch mở rộng sang một số lĩnh vực tư vấn thích hợp khác, duy trì hiệu quả thị trường truyền thống và từng bước mở rộng ra thị trường nước ngoài trên cơ sở hợp tác với các tổ chức tư vấn quốc tế uy tín; lấy việc gia tăng giá trị, hiệu quả thu được từ việc nâng tầm chất lượng tư vấn trong mỗi sản phẩm, dịch vụ là cốt lõi.
Đối với mô hình tổ chức, TEDI sẽ tiếp tục duy trì mô hình Công ty mẹ – Công ty con gắn liền với việc tái cơ cấu tổ chức đảm bảo tinh giản, gọn nhẹ, phát huy cao nhất hiệu quả của từng đơn vị; tăng hiệu quả đầu tư vào công ty con trên cơ sở tăng cường quản trị doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh của nhóm công ty TEDI trên thị trường.