Những ngày Thu tháng 8 năm 2022, trên đại công trường cao tốc Bắc – Nam phía Đông trải dài hàng trăm km từ Bắc chí Nam vẫn hừng hực khí thế lao động hăng say, sức nóng của tiến độ Đại dự án cũng không kém sức “nóng” của những ngày cuối Hạ đầu Thu này. Sau những ngày xẻ núi, băng rừng, hình hài tuyến cao tốc xuyên dọc đất nước đang dần hiện lên rõ nét. Có được điều đó, công sức của những cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động TEDI đã và đang tham gia thực hiện công tác khảo sát, thiết kế “Đi trước mở đường” là không nhỏ.
Giữa cái “nắng và gió miền Trung”, khi tiết trời đầu Thu vẫn còn đang rất gay gắt, hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động TEDI đang hăng say lao động, quyết tâm phấn đấu thực hiện khảo sát cho bước tiếp theo của Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự án thành phần giai đoạn 2021 – 2025, bước thiết kế kỹ thuật. Nhân chuyến công tác thực hiện kế hoạch thu thập tư liệu hiện trường các dự án để hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập TEDI (27/12/1962 – 27/12/2022) và đồng thời cụ thể hóa chủ trương của Lãnh đạo Tổng công ty về công tác thăm hỏi, động viên người lao động ngoài hiện trường dự án, chúng tôi đã phối hợp cùng Công đoàn Tổng công ty đến thăm hỏi, gặp gỡ các Đơn vị khảo sát địa hình, địa chất cho các dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Quy Nhơn – Chí Thạnh và Chí Thạnh – Vân Phong. Ở đó là những cán bộ, kỹ sư, công nhân của TEDI đang ngày đêm “bám núi, ngủ rừng” để khảo sát chi tiết địa hình, địa chất, thủy văn của tuyến. Trên gương mặt họ ánh lên niềm tự hào khi được tham gia vào đại dự án của đất nước, nhưng cũng không giấu nổi những khó khăn, vất vả của những người thực sự “Đi trước mở đường”.
Sau khi tìm hiểu về tình hình thực hiện dự án của từng phân đoạn do TEDI đảm nhận, cũng như nguồn lực thực hiện, tất cả cho thấy TEDI đã dành toàn bộ tâm sức, trí lực để thực hiện dự án Đường bộ cao tốc Bắc Nam với mục tiêu xuyên suốt là đảm bảo chất lượng và tiến độ một cách tốt nhất. Từ những trang thiết bị máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến như UAV kết hợp công nghệ quét Lidar cùng các phần mềm mạnh, có bản quyền đều được huy động vào thực hiện dự án cho đến nguồn nhân lực từ kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân đều giàu kinh nghiệm và có kiến thức sâu rộng về dự án.
Phương tiện thiết bị phục vụ công tác hiện trường được TEDI đầu tư rất hiện đại, góp phần giải phóng sức lao động cho kỹ sư, công nhân. Nhưng dù thiết bị có hiện đại đến đâu thì vai trò của người cán bộ, kỹ sư, công nhân vẫn là yếu tố quyết định đến hiệu quả, chất lượng công việc. Do đó, với những người gắn bó với công việc khảo sát, việc đối mặt với hoàn cảnh “nắng ở trên đầu, nóng ở dưới chân” đã rất đỗi quen thuộc.
Với đặc thù “người đi trước mở đường”, những khó khăn đời thường với nghề khảo sát thường xuyên phải xa nhà, xa người thân, chuyện ăn ở kiểu “cơm hàng, cháo chợ” đã là việc rất đơn giản để họ khắc phục, vượt qua. Ngoài những khó khăn phải gặp hàng ngày, nhóm khảo sát thường xuyên phải đối diện với vô vàn nguy hiểm như: Muỗi sốt rét, các loại rắn rết, bò cạp, ong rừng… nên đa phần anh em khảo sát thường mắc phải các bệnh sốt rét, xương khớp, các bệnh ngoài da,… Vì thế những ai chọn nghề này phải có lòng đam mê, sự nhiệt huyết với công việc,… và mặc dù không nói ra, nhưng họ cũng cảm thấy rất ấm lòng mỗi khi được Lãnh đạo Tổng công ty, lãnh đạo đơn vị trực tiếp và Công đoàn quan tâm thăm hỏi, động viên kịp thời (mà nhiều khi món quà đặc biệt lại đơn giản là lời thăm hỏi, động viên thôi,…) để rồi tạo thành động lực, vượt qua mọi khó khăn gian khổ của công việc thường nhật khảo sát hiện trường dự án.
Có đến tận nơi mới cảm nhận được sự khó khăn của các anh. Nào rắn rết, ong rừng cùng các loài côn trùng độc đâu đó quanh vị trí khảo sát. Có những hôm, ngày nào vào rừng cũng va phải ong. Không phải là tổ ong để mà có thể lấy mật đem về mà là những tổ ong khoái, ong vò vẽ,.. chi chít là ong bung ra, tấn công vào những con người đã vô tình xâm phạm vào môi trường của chúng. Những anh kỹ sư công nhân già có, trẻ có đều dính mùi ong đốt: nhìn những bàn tay, bắp chân rắn rỏi giữa công trường là thế mà nay khi chạm phải nọc ong trở nên đau nhức và sưng tướng lên, ai nấy đều xót xa,… Ấy vậy mà các anh vẫn cười tươi khi được bác sỹ sơ cứu, còn trấn an cả đội rằng mai khỏi ngay để tiếp tục công việc khảo sát còn đang dang dở.
Trên đoạn tuyến Vân Phong – Nha Trang, có thể do đặc điểm thổ nhưỡng thời tiết mà trên tuyến đi qua có khá nhiều loại rắn độc. Những con rắn hổ mang to phè phè giương nọc độc về phía đối thủ, hay những con rắn lục xanh lét đang ngụy trang đâu đó trên cành cây – Đó là các hình ảnh các anh kỹ sư, công nhân đang khảo sát trên tuyến thường xuyên gặp phải. Và để yên tâm thực hiện công việc, ngoài việc bảo hộ lao động kín kẽ, có những ngày các anh phải thuê những người dân địa phương có kinh nghiệm để thực hiện công tác phát hiện và đuổi rắn, cảnh báo cho đội khảo sát phòng tránh kịp thời đảm bảo an toàn lao động.
Những hiểm nguy dẫu không phải bom đạn hay khói lửa nhưng cũng là mối lo thường trực mỗi khi ra hiện trường. Dẫu vậy, các anh luôn cố gắng, khắc phục mọi khó khăn để công việc được thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Nghe những lời tâm sự của các anh, chúng tôi nhận thấy rõ sự vất vả nhưng cũng thấy cả tình yêu, sự hy sinh thầm lặng (nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ vợ hiền, nhớ các con thơ,…) của các anh đối với công việc.
Những nắm xôi ăn vội giữa rừng hay nồi mì tôm “không giặc lái” (ý là không có trứng) đã là những thực phẩm chính trong suốt quá trình khảo sát hiện trường (do điều kiện khu vực dự án xa dân cư, đời sống người dân bản địa cũng còn nhiều khó khăn).
Công tác hiện trường với muôn hình vạn trạng những khó khăn, nhưng với sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo TEDI, sự tự tin về kiến thức và kinh nghiệm công tác của mỗi cán bộ, kỹ sư, công nhân TEDI, tất cả cùng đồng lòng khắc phục khó khăn để đưa dự án Xây dựng Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông về đích đúng tiến độ, góp phần hiện đại hóa hệ thống giao thông đường bộ của đất nước, đáp ứng mong mỏi và sự kỳ vọng của nhân dân cả nước.