LiDAR – (Light Detection And Ranging) – là công nghệ viễn thám chủ động sử dụng các loại tia laser để khảo sát đối tượng từ xa. Dữ liệu thu được của hệ thống là tập hợp đám mây điểm phản xạ 3 chiều của tia laser từ đối tượng được khảo sát ở dưới mặt đất. Một hệ thống LiDAR điển hình thường được gắn cố định trên một loại máy bay phù hợp nào đó. Khi máy bay bay trên vùng cần khảo sát, cảm biến laser sẽ phát ra các chùm tia laser về phía đối tượng, bộ thu nhận tín hiệu laser gắn kèm với cảm biến sẽ thu nhận tín hiệu phản xạ từ đối tượng. Mỗi một giây hệ thống có thể thu nhận được vài trăm ngàn điểm đến vài triệu điểm LiDAR. Các đám mây điểm LiDAR này sau đó sẽ được xử lý sơ bộ dựa trên các phần mềm chuyên dụng
Công nghệ Lidar phục vụ cho công tác lập mô hình số địa hình (DTM) và bản đồ không gian (3D) độ chính xác cao là một bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến để tạo lập các sản phẩm có chất lượng và độ chính xác cao đáp ứng các yêu cầu và nhiệm vụ phát triển kinh tế bảo vệ an ninh quốc phòng trong giai đoạn hiện nay …
Để đảm bảo cho việc thiết kế các công trình giao thông được tối ưu thì công tác lập bản đồ địa hình vô cùng quan trọng. Trong thực tế sản xuất hiện nay công tác khảo sát lập bản đồ địa hình chủ yếu dựa vào các loại thiết bị đo đạc phổ thông như: thiết bị thu tín hiệu vệ tinh GNSS, máy toàn đạc điện tử, máy kinh vĩ, máy thủy chuẩn… Với phương pháp đo đạc truyền thống thì việc khảo sát, lập bản đồ địa hình sẽ mất rất nhiều công sức và thời gian, đặc biệt đối với những vùng địa hình núi cao, hiểm trở, địa hình khó đi lại. Với địa hình dạng tuyến hẹp và kéo dài hàng chục đến hàng trăm km thì việc sử dụng công nghệ UAV gắn LiDAR sẽ bảo đảm được tiến độ và độ chính xác cần thiết.
Với công nghệ LiDAR cho phép ta lập bản đồ địa hình nhanh chóng, chính xác, với dải băng tuyến đủ rộng với thời gian ngắn để nghiên cứu hướng tuyến mà với các phương pháp truyền thống không cho phép do chi phí quá cao và tiến độ gấp, do đó cho phép người kỹ sư thiết kế có nhiều lựa chọn trong cách nhìn nhận tổng quan để lựa chọn được hướng tuyến tối ưu nhất cho dự án và có tính thuyết phục nhất đối với các chủ thể liên quan trong trình bày báo cáo phản biện dự án…
Qua thời gian nghiên cứu, thực nghiệm và đạt được một số kết quả nhất định từ thiết bị bay chụp (UAV) Phantom 3 Professional, Phantom 4 Professional, Phantom 4 RTK. Từ năm 2016 TEDI đã cho áp dụng công nghệ bay chụp UAV/DRONE trong công tác khảo sát địa hình cho các dự án: Hệ thống các nút giao thông Hà Nội, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, Chợ Mới – Bắc Kạn, dự án đường sắt Mụ Dạ – Vũng Áng, các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông 2017-2020, 2021-2025, các dự án đường vành đai 3, 4 TP HCM và Hà Nội … hầu hết các dự án TEDI thực hiện …
Đánh giá hiệu quả của ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác khảo sát, góp phần đảm bảo tiến độ, nâng cao chất lượng khảo sát thiết kế cho các công trình giao thông do TEDI đảm nhận và tiến tới kỷ nguyên 4.0, tiếp cận nhanh với các công nghệ mới phục vụ công tác ứng dụng BIM trong thiết kế và quản lý dự án mà TEDI đang thực thi. TEDI là tư vấn giao thông đầu tiên mạnh dạn tiếp tục đầu tư nâng cấp thiết bị bay chụp thế hệ mới LiDAR phục vụ cho công tác lập mô hình số địa hình (DTM) và bản đồ không gian (3D)
Các kỹ sư, kỹ thuật viên Trung tâm số liệu cơ bản TEDI nhanh chóng nắm bắt Công nghệ mới và tiến hành áp dụng ngay vào dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, hệ thống mỏ vật liệu cao tốc Bắc Nam 2021-2025, Tuyến Kỳ Thượng – Cửa Lục, Dầu Giây – Tân Phú, Bảo Lộc – Liên Khương …