TEDI luôn phát huy truyền thống của đơn vị tư vấn đầu ngành GTVT, không ngừng đổi mới mô hình tổ chức, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ…
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, TEDI đã ghi đậm dấu ấn trên những công trình giao thông trọng điểm, trở thành một trong những đơn vị tư vấn uy tín hàng đầu Việt Nam.
Vượt thách thức sau cổ phần hóa
Không ngừng ứng dụng KHCN và phát triển nhân lực trình độ cao, TEDI đã ghi dấu ấn và nhận được nhiều giải thưởng danh giá, các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Bộ GTVT… trao tặng
Những ngày cuối năm 2022, trong không khí chào mừng 60 năm kỷ niệm ngày thành lập, Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) đón nhận tin vui mới khi các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 do TEDI tham gia khảo sát thiết kế, lập dự án, đang được hoàn thiện các thủ tục cuối cùng, chuẩn bị khởi công đồng loạt.
Sau dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1, năng lực, vị thế của TEDI tiếp tục được khẳng định khi thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 trong bối cảnh vô cùng gấp rút về thời gian.
Theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI, 60 năm kể từ ngày thành lập (27/12/1962), TEDI luôn phát huy truyền thống của đơn vị tư vấn đầu ngành GTVT, không ngừng đổi mới mô hình tổ chức, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, tạo những bước phát triển toàn diện.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, TEDI vừa đảm nhiệm vai trò kiến thiết xây dựng đảm bảo thông tuyến giao thông, mở những tuyến đường tiến ra mặt trận.
Đất nước thống nhất, TEDI đã ra sức nỗ lực khảo sát thiết kế, khôi phục hệ thống mạch máu giao thông bị tàn phá bởi chiến tranh.
Thời kỳ từ năm 1996 – 2007 là giai đoạn hoạt động theo mô hình Tổng công ty 90, thực hiện cổ phần hóa các công ty thành viên. Thời kỳ này, TEDI đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng.
Từ năm 2007 – 2014, một lần nữa, TEDI có sự chuyển đổi về tổ chức, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – con. Năm 2010, công ty mẹ chuyển sang hình thức Công ty TNHH MTV, vốn sở hữu Nhà nước.
Từ năm 2014, thực hiện chủ trương cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, TEDI đã bước sang giai đoạn phát triển với sự thay đổi căn bản về chất, đó là thay đổi về chủ sở hữu. Sau cổ phần hóa, từ một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, TEDI trở thành công ty cổ phần 100% vốn tư nhân với 10 công ty con cùng hoạt động trong lĩnh vực tư vấn hạ tầng GTVT.
“Đến nay, TEDI có 1.450 người lao động trình độ đại học trở lên; doanh thu vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng, cổ tức hàng năm đạt mức từ 15 – 20%; thu nhập bình quân của người lao động tăng bình quân 10%/năm.
TEDI là đơn vị tham mưu, tư vấn cho Bộ GTVT, các tỉnh thành phố trong việc xây dựng quy hoạch giao thông; lập chủ trương đầu tư, lập dự án đầu tư, khảo sát thiết kế và giám sát thi công các công trình trọng điểm quốc gia, là đối tác tin cậy với các tổ chức tư vấn uy tín trên thế giới”, ông Phạm Hữu Sơn chia sẻ.
Làm chủ công nghệ, tạo đột phá
Một trong những đột phá quan trọng của TEDI trong lĩnh vực tư vấn thiết kế chính là định hướng đi trước một bước trong ứng dụng, làm chủ công nghệ mới, khởi tạo giá trị cho các công trình giao thông với kiến trúc độc đáo, kỹ thuật thẩm mỹ cao.
Về lĩnh vực cầu, nhiều công trình áp dụng công nghệ mới lần đầu tiên và đạt kỷ lục Việt Nam như: Cầu Phú Lương (cầu bê tông cốt thép đúc hẫng cân bằng đầu tiên); Cầu Rạch Miễu (cầu dây văng khẩu độ nhịp lớn nhất 270m); Cầu Bạch Đằng (kỷ lục 3 nhịp chính liên tục dây văng)…
Với lĩnh vực hầm, tiếp nhận công nghệ NATM sau khi tham gia tư vấn xây dựng hầm đường bộ Hải Vân, TEDI đã tự chủ thiết kế, hoàn thành một số công trình hầm như: Đèo Ngang, Cổ Mã, Phú Gia, Phước Tượng. Một số công trình đang thi công trên tuyến cao tốc Bắc – Nam như: Hầm Tam Điệp, Thung Thi, Trường Vinh, Dốc Sạn…
Trong lĩnh vực đường bộ, ngoài các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, TEDI đã khảo sát thiết kế nhiều dự án đường cao tốc tiêu biểu như: Hà Nội – Hải Phòng, Pháp Vân – Cầu Giẽ, Cầu Giẽ – Ninh Bình; Hà Nội – Lào Cai, TP.HCM – Trung Lương, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây… thực hiện công tác tổng thể và khảo sát thiết kế dự án đường Hồ Chí Minh, dự án mở rộng nâng cấp QL1A, các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1…
Hiện, TEDI đang tiếp tục thực hiện công tác tổng thể và khảo sát thiết kế các dự án: đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 – TP. HCM, các tuyến cao tốc: Biên Hòa – Vũng Tàu, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng…
Đối với lĩnh vực đường sắt, đơn vị đã từng bước tham gia và tiếp cận các công nghệ hiện đại. Hiện, TEDI là thành viên đứng đầu liên danh tư vấn thực hiện lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Về lĩnh vực hàng không, TEDI đã tham gia quy hoạch, lập dự án, thiết kế chi tiết các cảng hàng không, sân bay như: Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; CHK quốc tế Long Thành; Dự án nâng cấp, cải tạo đường lăn, đường cất/ hạ cánh của CHK quốc tế Nội Bài (Hà Nội); Tân Sơn Nhất (TP.HCM)…
Với lĩnh vực Cảng – Đường thủy, dấu ấn của TEDI được khẳng định qua hàng loạt dự án xây dựng và nạo vét các cảng biển lớn như: Cảng Hải Phòng, cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, cảng Tiên Sa, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, cảng khách quốc tế Hạ Long…
Trong lĩnh vực tư vấn lập quy hoạch giao thông, TEDI đã tham gia với vai trò tham mưu, xây dựng quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông với hàng loạt các dự án đã hoàn thành như: Quy hoạch đường Hồ Chí Minh, Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc cho cả nước; quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030…
Năm 2020, TEDI là đơn vị tư vấn duy nhất tại Việt Nam được Bộ GTVT tin tưởng giao nhiệm vụ tham gia thực hiện đồng thời và đồng bộ 5 đồ án quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng GTVT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Viết tiếp thành tựu của thế hệ đi trước
Tổng giám đốc TEDI Phạm Hữu Sơn cho biết, trong bối cảnh khoa học công nghệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đất nước đang từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, TEDI xác định tiếp tục phát huy ưu thế mô hình hoạt động nhóm công ty TEDI, đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp.
Trong đó, công ty mẹ giữ vai trò chi phối về vốn, định hướng thị trường, ngành nghề và hỗ trợ công nghệ. Các công ty con lựa chọn ngành nghề mũi nhọn và phát triển thị trường theo định hướng của công ty mẹ.
Bên cạnh duy trì phát triển các lĩnh vực tư vấn cốt lõi gồm 5 lĩnh vực: Đường bộ, đường sắt, hàng không, cảng biển và đường thủy nội địa; TEDI cũng sẽ mở rộng lĩnh vực tư vấn xây dựng dân dụng (hạ tầng kỹ thuật, khu công nghiệp…); Tư vấn môi trường (xử lý chất thải, nước thải); Tư vấn phát triển và Tư vấn quản lý dự án.
“Phục vụ chiến lược trên, TEDI sẽ tiếp tục tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn trên tất cả các lĩnh vực; Đầu tư phát triển khoa học công nghệ, trang bị thiết bị, phần mềm khảo sát, thiết kế, quản lý tiên tiến; tăng cường áp dụng mô hình BIM, công nghệ số…”, ông Sơn nói và khẳng định, thế hệ kỹ sư TEDI hôm nay đã tiếp bước thế hệ cha anh, phát huy được truyền thống “Đi trước mở đường – Dũng cảm kiên cường – Thông minh sáng tạo” và sẽ viết tiếp nên những thành tựu ngày càng lớn hơn cho TEDI ngày mai.