Ông Lê Văn Tăng cho rằng, dư luận không nên quan ngại về việc nhà đầu tư nước ngoài trúng thầu tại các dự án cao tốc Bắc – Nam.
Chuyên gia về đấu thầu cho rằng, dư luận không nên quá lo ngại việc nhà đầu tư Việt Nam hay nhà đầu tư của một nước nào đó trúng thầu tại các dự án cao tốc Bắc – Nam, quan trọng nhất là nhà đầu tư trúng thầu phải làm tốt, đảm bảo tuân thủ đúng các yêu cầu đề ra.
Năng lực tài chính quyết định thành bại của nhà đầu tư
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP) cho biết, đến nay, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư của 11 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông (tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng), gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.
Theo ông Huy, 8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông theo hình thức PPP là dự án nhóm A, thuộc lĩnh vực đường bộ. “Đối chiếu với các quy định hiện hành của pháp luật, hình thức lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án là đấu thầu rộng rãi quốc tế”, ông Huy nói và cho biết, quy trình đấu thầu rộng rãi quốc tế trải qua hai bước. Thứ nhất, sơ tuyển quốc tế trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt. Thứ hai, tổ chức đấu thầu trên cơ sở thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình.
Theo ông Huy, hiện Bộ GTVT đang hoàn thiện hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam và dự kiến sẽ phát hành hồ sơ trong tháng 4/2019. Trong hồ sơ mời sơ tuyển, để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, Bộ GTVT sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100. Trong đó, mức tối thiểu để đáp ứng yêu cầu là 60% tổng số điểm (60 điểm) và điểm đánh giá từng nội dung yêu cầu cơ bản tối thiểu là 50% điểm tối đa của nội dung đó.
“Trường hợp liên danh, năng lực về tài chính của nhà đầu tư liên danh là tổng năng lực của các thành viên trong liên danh, đồng thời từng thành viên trong liên danh phải đáp ứng năng lực tương ứng với phần vốn góp chủ sở hữu theo thỏa thuận liên danh”, ông Huy thông tin và cho biết, kinh nghiệm của nhà đầu tư liên danh thể hiện qua số dự án tương tự và bằng tổng số dự án của các thành viên trong liên danh đã thực hiện.
Theo ông Huy, rút kinh nghiệm từ các dự án PPP trước đây cho thấy, năng lực về tài chính có vai trò quyết định đến sự thành công của dự án. Do vậy, trong hồ sơ mời sơ tuyển, Bộ GTVT xây dựng với mức điểm năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 60% tổng số điểm (tương ứng với 60 điểm); năng lực về kinh nghiệm của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 30% tổng số điểm (30 điểm) và phương pháp triển khai dự án của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 10% tổng số điểm (10 điểm).
Về cách tính điểm đối với năng lực tài chính của nhà đầu tư, ông Huy cho biết có 3 tiêu chí để đánh giá, gồm: Giá trị tài sản ròng, giá trị vốn chủ sở hữu và khả năng thu xếp vốn vay. Cụ thể, giá trị tài sản ròng của nhà đầu tư được đánh giá điểm tối đa là 30 điểm, tối thiểu 15 điểm và được chia làm 3 mức để chấm điểm. Trong đó, giá trị tài sản ròng của nhà đầu tư bằng 20% tổng vốn đầu tư thì đạt điểm tối thiểu; giá trị tài sản ròng ≥ 30% tổng vốn đầu tư thì đạt điểm tối đa; giá trị tài sản ròng của nhà đầu tư nằm trong khoảng 20 – 30% tổng vốn đầu tư thì điểm đánh giá xác định theo phương pháp nội suy tuyến tính trong khoảng 15 – 30 điểm.
Tương tự, đối với việc đánh giá giá trị vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, điểm tối đa 20 điểm và tối thiểu 10 điểm. Tiêu chí vốn chủ sở hữu cũng được chia làm 3 mức để chấm điểm. Cụ thể, vốn chủ sở hữu nhà đầu tư cam kết bằng 20% tổng vốn đầu tư thì đạt điểm tối thiểu; vốn chủ sở hữu nhà đầu tư cam kết 30% tổng vốn đầu tư thì sẽ đạt điểm tối đa, vốn chủ sở hữu nhà đầu tư cam kết nằm trong khoảng 20 – 30% tổng vốn đầu tư thì điểm đánh giá sẽ được nội suy tuyến tính giữa điểm tối thiểu và tối đa.
Không ngại nhà đầu tư nước nào trúng thầu cao tốc Bắc-Nam
Trước một số ý kiến cho rằng, khi đấu thầu quốc tế, doanh nghiệp của một số nước đã từng có “tiền sử” chậm tiến độ, đội vốn tại các dự án giao thông có thể trúng thầu, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho rằng, dư luận không nên quan ngại về việc nhà đầu tư Việt Nam hay nhà đầu tư của một nước khác trúng thầu tại các dự án cao tốc Bắc – Nam, điều quan trọng nhất là nhà đầu tư trúng thầu phải làm tốt, đảm bảo tuân thủ đúng các yêu cầu đề ra.
“Quan trọng là khi ra đầu bài, để bất kể nhà đầu tư nào trúng thầu thì chúng ta vẫn quản lý được và làm được. Hơn nữa, hợp đồng của chúng ta phải chặt chẽ và nghiêm chỉnh, chất lượng dự án tốt thì chẳng có ai kêu cả, đó mới là cái lớn”, ông Tăng chia sẻ và cho biết, không được tự ý ban hành các tiêu chí để hạn chế hoặc ưu tiên bất cứ nhà đầu tư của quốc gia nào.
Theo ông Tăng, trong quá trình xây dựng Luật Đấu thầu (cách đây 6 năm), khi soạn thảo nội dung về đấu thầu đã định hướng việc lựa chọn nhà thầu trên nguyên tắc ưu tiên các nhà thầu trong nước, riêng đối với lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án PPP thì phải ưu tiên đấu thầu quốc tế để thu hút các nguồn lực từ bên ngoài đầu tư vào Việt Nam, trừ các trường hợp đặc biệt liên quan đến quốc phòng, an ninh,…
“Quốc hội từng có ý kiến và cho rằng, khi xây dựng Luật Đấu thầu, Bộ KH&ĐT không nhất quán vì để một bên chặt, một bên lỏng. Lúc đó, tôi đã giải thích, khi đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà thầu, chúng ta phải đưa ra điều kiện rất chặt để dành việc cho nhà thầu Việt Nam. Tức là những việc gì doanh nghiệp Việt Nam đã làm được thì khỏi phải đấu thầu quốc tế”, ông Tăng cho hay.
“Nhưng trong đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư phải mở ra để nhà đầu tư nước ngoài mang tiền vào cho chúng ta. Trước đây, Bộ KH&ĐT xây dựng theo hướng đó là rất nhất quán vì lợi ích quốc gia. Đấu thầu lựa chọn nhà thầu phải chặt để dành việc cho doanh nghiệp trong nước làm, còn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phải mở để nhà đầu tư nước ngoài mang tiền vào. Nếu hai bên cùng chặt, chúng ta được nhà thầu nhưng sẽ không có nhà đầu tư mang tiền vào. Nếu hai bên cùng lỏng, chúng ta được nhà đầu tư thì bao nhiêu việc của nhà thầu Việt Nam sẽ mất hết”, ông Tăng nói.
Trở lại với 8 dự án cao tốc Bắc – Nam thực hiện theo hình thức PPP, ông Tăng cho rằng, việc đấu thầu quốc tế để huy động vốn từ nước ngoài là phù hợp với pháp luật về đấu thầu. “Trong cuộc đấu này, nhà thầu Việt Nam trúng thầu, chúng ta rất mừng, còn nhà thầu Việt Nam không trúng cũng không quá lo lắng vì điều quan trọng nhất là chúng ta lựa chọn được nhà đầu tư tốt”, ông Tăng chia sẻ và cho biết, việc lựa chọn nhà thầu của nhà đầu tư trúng thầu sẽ phải soạn quy chế thực hiện theo khoản 2, điều 3 của Luật Đấu thầu.
“Nhà đầu tư chọn nhà thầu để thực hiện dự án phải tuân thủ theo quy định này. Trong bước sơ tuyển, Bộ GTVT cần phải nêu điều kiện này trong hồ sơ mời tuyển, tức là nhà đầu nước nước ngoài vào đây là mang tiền vào làm chứ không phải vào các dự án này để lấy công ăn việc làm của các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Tăng đề xuất.
Tất cả lộ trình thực hiện công tác lựa chọn nhà đầu tư các dự án cao tốc Bắc – Nam theo hình thức PPP phải làm đúng quy trình, tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật. Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ về tình hình sơ tuyển, riêng đối với kết quả sơ tuyển nhà đầu tư của các dự án cao tốc Bắc – Nam theo hình thức PPP sẽ báo cáo Chính phủ khi có kết quả sơ tuyển. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, trong Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội cũng đã nêu rõ, trường hợp đấu thầu nhà đầu tư không thành công sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. – Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật
Theo baogiaothong.vn