Các chỉ tiêu về chiều dài tuyến đường cao tốc trên diện tích đất và trên dân số giữa phía Bắc và phía Nam đều cơ bản giống nhau.
Các dự án cao tốc khu vực miền Bắc đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 74.400 tỷ đồng, khu vực miền Nam là 71.423 tỷ đồng
– Ảnh minh họa
Không có sự phân biệt vùng miền
Trước thông tin dư luận xã hội cho rằng, có sự “lệch pha” trong quy hoạch đường cao tốc Việt Nam, khi tập trung nhiều ở phía Bắc, thưa thớt ở phía Nam, trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI (đơn vị chủ trì nghiên cứu lập quy hoạch mạng đường cao tốc) khẳng định: Công tác quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam được xây dựng đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH và đảm bảo cân đối giữa các vùng, miền.
Theo ông Sơn, quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 326 ngày 1/3/2016, gồm 31 tuyến với tổng chiều dài 6.411km. Trong đó, hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc dài 1.368km; hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam dài 983km; Đường vành đai TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh dài 713km,…
Vừa qua, trên cơ sở nghiên cứu, đề xuất của TEDI, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung và điều chỉnh tiến độ đầu tư nhiều tuyến cao tốc trong quy hoạch. Cụ thể, đối với hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc: Bổ sung tuyến cao tốc Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên (370km), đoạn Chợ Mới – TP Bắc Kạn (34km), tuyến cao tốc nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài – Lào Cai (81km).
Hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên: Bổ sung tuyến cao tốc từ Ngọc Hồi (Kon Tum) tới cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) dài 21km. Hệ thống đường cao tốc khu vực miền Nam: Bổ sung tuyến cao tốc từ Gò Dầu (Tây Ninh) tới cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh) dài 65km, tuyến Trung Lương – Bến Tre dài 50km, Hồng Ngự – Trà Vinh (166km), kéo dài tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng tới cảng Trần Đề, chiều dài khoảng 30km.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ điều chỉnh tiến trình đầu tư từ sau 2030 về trước năm 2030 đối với 4 tuyến cao tốc: Trà Lĩnh – Đồng Đăng, Sóc Trăng – Cần Thơ – Châu Đốc, Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh, Hà Tiên – Rạch Giá – Cà Mau.
“Việc bổ sung và điều chỉnh một số tuyến cao tốc nhằm thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị của địa phương và nhu cầu thực tế của các khu vực để đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”, ông Sơn nói và cho biết, mạng lưới đường bộ cao tốc trong quy hoạch đã được đánh giá, cân đối kỹ lưỡng về điều kiện khu vực, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế giữa các vùng, miền.
Theo ông Sơn, khi so sánh các chỉ tiêu về chiều dài tuyến đường cao tốc trên diện tích đất (km/km2) và trên dân số (km/triệu dân) giữa khu vực phía Bắc và phía Nam đều tương đối giống nhau. Cụ thể, chiều dài đường cao tốc ở phía Bắc là 0,21km/km2 và 65,25km/triệu dân; phía Nam là 0,21km/km2 và 52,96km/triệu dân.
Ngân sách Nhà nước phân bổ đồng đều
Cũng theo ông Phạm Hữu Sơn, nguồn vốn ngân sách Nhà nước (vốn ngân sách, vốn ODA) bố trí cho các dự án cao tốc đã và đang đầu tư trong cả nước cũng được phân bổ đồng đều giữa các vùng miền. Cụ thể, các dự án cao tốc khu vực miền Bắc đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 74.400 tỷ đồng, khu vực miền Nam là 71.423 tỷ đồng.
Đối với các tuyến nghiên cứu bổ sung vừa qua tại khu vực phía Bắc, ông Sơn cho rằng, chủ yếu là kéo dài các tuyến đã hình thành hoặc kết nối để phát huy hiệu quả các tuyến này như: Chợ Mới – Bắc Kạn – Cao Bằng, Hà Giang kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai,…
Trong khi đó, các dự án khu vực phía Nam được bổ sung đều là các tuyến mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và có hiệu quả cao như: Gò Dầu – Cửa khẩu Xa Mát, Trung Lương – Bến Tre, Hồng Ngự – Trà Vinh và tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng tới cảng Trần Đề.
Thông tin cụ thể về hệ thống đường cao tốc phía Nam, ông Sơn cho biết, ngoài một số tuyến mới được bổ sung, tất cả các trục dọc, trục ngang tại khu vực phía Nam đều đã có trong quy hoạch mạng đường cao tốc Việt Nam tại Quyết định 326/2016, như: Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Tân Phú – Bảo Lộc – Lâm Đồng, Dầu Giây – Phan Thiết, tuyến N1, TP.Hồ Chí Minh – Cần Thơ, Châu Đốc – Long Xuyên, An Hữu – Cao Lãnh,….
“Nhiều dự án cao tốc ở khu vực phía Nam nằm trong quy hoạch đã được Chính phủ, Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện nghiên cứu từ những năm 2009, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tìm được nguồn vốn đầu tư hoàn thiện như: Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Tân Phú – Liên Khương,… đến các tuyến cao tốc hướng tâm khu vực TP.Hồ Chí Minh như: TP.Hồ Chí Minh – Mộc Bài,… chưa có điểm đấu nối do các tuyến đường vành đai chưa hoàn thành. Đặc biệt, các dự án tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thường khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư dưới hình thức PPP vì lưu lượng xe trên các tuyến không lớn, suất đầu tư lại rất cao dẫn đến không khả thi về phương án tài chính đối với nhà đầu tư”, ông Sơn lý giải về việc chậm đầu tư nhiều tuyến cao tốc phía Nam dù đã có trong quy hoạch.
“Một số ý kiến cho rằng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là ít nhưng thực tế các số liệu thống kê không phải như vậy. Bởi, khu vực này được Nhà nước bố trí vốn lớn, nhiều hơn các vùng khác nhưng do suất đầu tư lớn và suất đầu tư cho từng dự án cũng lớn nên số lượng công trình giao thông tương đối ít, còn nguồn vốn được bố trí thậm chí còn nhiều hơn một số vùng khác”, ông Sơn chia sẻ.
Theo baogiaothong.vn