Trong những năm gần đây, công nghệ RFID trong quản lý logistics cảng biển được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới. Ứng dụng công nghệ này vào quản lý logistics cảng biển, không chỉ giúp tăng cường an ninh cảng và an ninh thương mại hàng hải mà còn giảm thiểu các rủi ro trong khai thác cảng cũng như tăng hiệu quả hoạt động cảng.
Tiết kiệm nhân lực và thời gian
Tại Hội thảo Công nghệ thông tin và Quản lý chuỗi cung ứng, diễn ra ở TP. HCM mới đây, các chuyên gia IT đánh giá, ứng dụng công nghệ vào quản lý chuỗi cung ứng giúp các doanh nghiệp giải quyết tốt việc lên kế hoạch sản xuất, mua hàng, tồn kho, quản lý kho, giao và vận chuyển hàng hóa… Một trong những công nghệ được các nhà quản lý đánh giá cao là RFID, nhiều công ty trên thế giới đã sử dụng trong việc quản lý chuỗi cung ứng, điển hình là tập đoàn bán lẻ Wal-mart (Mỹ).
RFID hoạt động trên nền tảng sóng vô tuyến kết hợp với máy tính quản lý bao gồm thẻ, đầu đọc thẻ và máy tính chủ. Thẻ RFID gắn vào sản phẩm được tích hợp chip bán dẫn và ăng-ten thu sóng. Đầu đọc thẻ nhận tín hiệu từ thẻ RFID từ xa, có thể lên đến 50m tùy vào nguồn năng lượng được cung cấp cho thẻ RFID, chuyển dữ liệu đến máy tính để phân tích và xử lý các thông tin sản phẩm.
Ưu điểm dễ nhận thấy nhất của hệ thống RFID so với hệ thống mã vạch là khả năng đọc dữ liệu từ xa, bộ nhớ chứa nhiều thông tin hơn, thông tin sản phẩm có thể sửa đổi và cập nhật một cách nhanh chóng, được lưu lại đảm bảo tính chính xác.
Nhờ dung lượng bộ nhớ cao, thẻ RFID cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm như chủng loại, tên sản phẩm, ngày nhập kho, giá, vị trí trong kho, thời hạn sử dụng…, hoặc những thông tin cần thiết khác mà nhà quản trị lập trình.
Lợi thế khi sử dụng công nghệ RFID trong quản lý hoạt động khai thác cảng chính là công nghệ thu nhận dữ liệu “tự động”, điều này có nghĩa là không có bất kỳ người, hoặc thiết bị khai thác nào khác đan xen vào quá trình này. Khi các phương pháp khác đều đòi hỏi phải có sự xuất hiện của con người để ghi nhận thông tin thì RFID là phương pháp tiết kiệm nhân lực và thời gian, cũng như giảm sai sót trong quá trình thực hiện công việc do người lao động gây nên.
Theo ông William Leo, Giám đốc quản lý chuỗi cung ứng của Infor tại châu Á, ứng dụng công nghệ RFID vào quản lý kho bãi giúp giảm lượng hàng tồn kho xuống còn 5-20%, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động 15-40%. Chi phí chuỗi cung ứng chiếm 30-60% giá bán của các sản phẩm hàng tiêu dùng.
Ứng dụng vào quản lý
Công nghệ RFID có thể ứng dụng trong 5 lĩnh vực hoạt động cảng rất hữu hiệu, đó là: kiểm soát công nhân ra vào khu vực cảng; đảm bảo an ninh cho container; nhận dạng và xác định vị trí container; Truy xuất các hoạt động; Tuân thủ các quy định.
Với việc kiểm soát công nhân ra vào cảng: RFID đảm bảo rằng chỉ có những người có nhiệm vụ mới được phép ra vào khu vực làm hàng của cảng, tránh khả năng mất hàng hoặc bị lấy nhầm hàng. Các thẻ nhận dạng RFID của nhân viên, tự động cung cấp thời gian và số lần xuất hiện của người sử dụng. Ở một số khu vực cụ thể, các thẻ RFID còn có chức năng như các thẻ lưu trữ cho phép công nhân có thể mua hàng trong khu vực làm việc (ăn trưa, đồ uống…) mà không cần sử dụng tiền mặt.
Đảm bảo an ninh cho container, mục tiêu của việc “kẹp chì thông minh” (Smart seals) là ngăn ngừa các hành vi đổi tráo hàng hoặc lấy cắp hàng, nhưng với kẹp chì thường thì bằng chứng của hành vi xâm phạm niêm phong chỉ được phát hiện rất lâu sau khi đã xảy ra mà không mang lại lợi ích nào khác ngoài việc đưa ra bằng chứng là container đã bị xâm phạm. Kẹp chì RFID, bên cạnh công dụng trên còn cảnh báo các nhân viên khác trong khu vực làm hàng của cảng về việc xâm phạm container tại thời điểm container bị gỡ niêm chì.
Kiểm soát phương tiện vận chuyển: Thiết bị RFID ghi đọc được bố trí tại các trạm xăng, cổng cảng hoặc các điểm vào cảng để cho phép các phương tiện ra vào cảng, đồng thời lưu trữ các thông tin về thời điểm thực tế mà xe chạy. Ngoài ra, thẻ nhận dạng nhân viên được sử dụng để kiểm soát xem có đúng tài xế đi đúng xe vận chuyển và xếp đúng đơn vị hàng hay không…
Với những tính năng vượt trội trên, kinh phí để đầu tư công nghệ RFID khoảng 150.000 USD cao hơn so với GDP của Việt Nam. Tuy vậy, một số cảng tại Việt Nam như Tân cảng Sài Gòn cũng đang tiến hành sử dụng công nghệ này để nâng cao sức cạnh tranh bắt kịp tốc độ phát triển thương mại vận tải biển với các nước trong khu vực.
(theo giaothongvantai.com.vn)