Thực hiện chương trình công tác của Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội (theo Quyết định số 3617-QĐ/TU ngày 29/9/2022 của Thành ủy Hà Nội), sáng ngày 04/01/2024, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì đi kiểm tra hiện trường và họp Ban Chỉ đạo nghe báo cáo về tình hình triển khai, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và giải pháp tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội (Dự án).
Cùng tham dự và chủ trì cuộc họp có các đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, gồm: ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Bí thư tỉnh ủy Hưng Yên và ông Nguyễn Anh Tuấn – Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh.
Cùng dự cuộc kiểm tra có các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh; các thành viên Ban Chỉ đạo…
Chương trình làm việc bao gồm:
- Kiểm tra hiện trường tại vị trí giao QL.38 (Km88+100), địa phận xã Hoàng Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh
- Kiểm tra hiện trường tại vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 và đường Lê Văn Lương, thôn Khúc Lộng, địa phận xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên
- Làm việc tại phòng họp, trụ sở Tỉnh ủy tỉnh Hưng Yên, số 12 đường Chùa Chuông, Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên
TEDI với vai trò là đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế Dự án đã tham dự kiểm tra hiện trường và báo cáo tại Hội nghị giao ban đôn đốc tình hình triển khai Dự án. Ông Phạm Hữu Sơn – Tổng Giám đốc TEDI đã báo cáo các đại biểu tham dự Hội nghị các nội dung sau:
- Báo cáo công tác khảo sát thiết kế Dự án TP 2 ở cả 3 tỉnh thành: Hà Nội, Hưng Yên, và Bắc Ninh đã hoàn thành đúng tiến độ làm cơ sở đấu thầu triển khai trên toàn tuyến các đường song hành, đáp ứng tiến độ triển khai đầu tư xây dựng dựng dự án theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đề ra.;
- Tư vấn TEDI đã vào cuộc và bám sát dự án cùng chủ đầu tư trong công tác giám sát tác giả để xử lý các vấn đề liên quan. Đến thời điểm hiện tại dự án đã chính thức khởi công xây dựng được 06 tháng, các nhà thầu và ban quản lý dự án đang quyết tâm thi công xây dựng khẩn trương trên cơ sở các giải pháp thiết kế kỹ thuật dự án theo hồ sơ dự án đã được chủ đầu tư phê duyệt đảm bảo tính kinh tế, kỹ thuật, phù hợp với điều kiện khu vực dự án và chưa có phát sinh vấn đề kỹ thuật nổi cộm phải xử lý, điều chỉnh giải pháp thiết kế.
- Về đề xuất của nhà thầu về đường công vụ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, trên cơ sở hoạch định của Tư vấn bước BVTC, nhà thầu làm việc với địa phương để triển khai, vận động địa phương cho mở các mũi thi công vào thực hiện gói thầu.
- Dự án thành phần 3 vừa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt về cơ bản TMĐT dự án 4 thành phố Hà Nội đáp ứng nguồn vốn theo nghị quyết 56/QH của Quốc Hội. Các khó khăn vướng mắc chủ yếu về việc thực hiện Dự án BOT cho dự án thành phần 3 để đảm bảo sớm xây dựng các công trình cầu lớn Hồng Hà, Mễ Sở, Hoài Thượng để kết nối giữa các tỉnh đảm bảo nâng cao hiệu quả đầu tư của tuyến đường song hành khi đưa vào khai thác dự kiến trong năm 2025.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, qua kiểm tra ở hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và kết quả kiểm tra trên địa bàn Hà Nội vừa qua, nhìn chung tình hình tiến độ triển khai thực hiện Dự án đường Vành đai 4 đến thời điểm này rất khả quan. Quá trình triển khai rất bài bản, phối hợp chặt chẽ giữa 3 địa phương, có sự vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ đồng thuận của người dân.
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, kinh nghiệm từ việc triển khai các dự án vành đai trước đây (Vành đai 1, Vành đai 2,5) cho thấy, các dự án vành đai phải làm sớm được ngày nào tiết kiệm ngày ấy và đã làm phải làm đồng bộ mới hợp lòng dân.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị trước mắt tập trung phấn đấu di dời xong các mộ trước ngày 23 tháng Chạp; di dời xong các công trình hạ tầng chìm, nổi trước 30/6/2024. Đối với di dời đất ở, nếu không xong kịp các khu tái định cư, có thể vận dụng phương án tạm cư.
Đối với vật liệu, khó khăn lớn nhất là thiếu đất đắp phục vụ dự án ở hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, tuy nhiên như trả lời của đại diện các bộ có thể thay thế bằng cát đắp. Còn với cát đắp, Hà Nội đã chỉ đạo rà soát bổ sung các mỏ phía đông sát hai tỉnh để sẵn sàng hỗ trợ; vấn đề phải thực hiện đúng cơ chế, chính sách, đúng quy định. “Làm sao chọn phương án rẻ nhất, tốt nhất, minh bạch nhất để làm”- Bí thư Thành uỷ Hà Nội lưu ý.
Đối với những khó khăn, vướng mắc như về cơ chế tái định cư cho doanh nghiệp, đầu tư xây dựng các cầu, Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết sẽ kiến nghị ngay với Chính phủ, Quốc hội để sớm trả lời, tháo gỡ cho dự án.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội nêu và đánh giá cao cách làm của huyện Mê Linh khi vận động người dân cho mượn đất làm đường công vụ phục vụ thi công dự án. Từ đó, đề nghị các địa phương khác ở Hà Nội và cả hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên vận dụng để giúp nhà thầu thi công tăng thêm đường công vụ, tăng thêm mũi thi công để góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án.