Ngày 13/3/2017, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố Bảng xếp hạng BP500 – 500 doanh nghiệp Việt Nam thịnh vượng năm 2017 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp xuất sắc, thịnh vượng và có tiềm năng đóng góp to lớn cho sự thịnh vượng của đất nước và người dân. Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải – TEDI đứng thứ 468 trong bảng xếp hạng.
Danh sách và thứ hạng của các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng BP500 được đánh giá dựa trên các tiêu chí chính bao gồm: hoạt động kinh doanh tốt và hiệu quả, khả năng tạo việc làm cho xã hội và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và cộng đồng.
Bảng xếp hạng BP500 là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report, được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học, khách quan và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, đồng thời được kiểm chứng với dữ liệu của doanh nghiệp nhằm đảm bảo tính khách quan và chính xác của BXH. Doanh nghiệp không mất một khoản chi phí nào để được có tên trong bảng xếp hạng BP500.
Cùng với việc công bố BXH 500 doanh nghiệp Việt Nam thịnh vượng, Vietnam Report cũng đồng thời công bố BXH 500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thịnh vượng năm 2017. Tiêu chí lựa chọn các doanh nghiệp tư nhân được Vietnam Report sử dụng là các doanh nghiệp có vốn sở hữu tư nhân lớn hơn hoặc bằng 51%. Việc công bố riêng Bảng xếp hạng các doanh nghiệp tư nhân là cần thiết và hữu ích, vừa là cơ sở so sánh với danh sách 500 doanh nghiệp thịnh vượng không phân biệt hình thức sở hữu vốn, vừa góp phần tôn vinh những đóng góp tích cực cho sự phát triển và thịnh vượng chung của đất nước của khu vực kinh tế này.
Thịnh vượng là một khái niệm chứa đựng đầy đủ các yếu tố, đó là sự bùng nổ về mặt vật chất, sự hoàn mỹ nội tại về mặt tinh thần, cộng với những ảnh hưởng của cả khối vật chất, tinh thần đến những người xung quanh hay những cộng đồng lân cận. Với một doanh nghiệp, sự thịnh vượng được thể hiện ở các nhóm chỉ số tài chính: tổng tài sản, doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất sinh lời…, chỉ số nhân lực: số lượng lao động, thu nhập bình quân lao động… và chỉ số trách nhiệm xã hội và cộng đồng (CSR). Theo đó, các doanh nghiệp thịnh vượng được xem nhưnhững đại diện tiêu biểu cóthành tích kinh doanh xuất sắc, có triển vọng tăng trưởng và có trách nhiệm xã hội và cộng đồng.Nếu ví doanh nghiệp như những tế bào của nền kinh tế, thì doanh nghiệp thịnh vượng chính là những tế bào khỏe mạnh nhất tạo nên sự thịnh vượng quốc gia.
Theo chỉ số thịnh vượng Legatum, Việt Nam là một trong số những “ngôi sao sáng” có khả năng đưa khu vực Đông Nam Á tiến tới thịnh vượng. Báo cáo của Viện Legatum (Anh và xứ Wales) chỉ ra rằng, đất nước Việt Nam đang giàu lên và mức độ giàu có này hoàn toàn có thể đưa Việt Nam đến gần sự thịnh vượng hơn, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào cách thức Việt Nam có thể biến của cải thành thịnh vượng hay không. Hiện nay, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam vẫn còn bị đánh giá ở mức thấp, nền kinh tế tuy đạt tăng trưởng khá trong những năm qua nhưng rủi ro đi kèm là những ảnh hưởng thiệt hại gây ô nhiễm môi trường, tài nguyên cạn kiệt, tăng trưởng có xu hướng giảm tốc. Trước tình hình đó, câu hỏi đặt ra cho các doanh nghiệp thịnh vượng là làm thế nào để gắn kết mục tiêu phát triển bền vững đi liền với chiến lược kinh doanh, hoạt động và sản xuất.Trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng BP500, Vietnam Report đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp thịnh vượng nhằm tìm hiểu định hướng hoạt động và những nhận định, đánh giá xung quanh vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, về cách thức doanh nghiệp đóng góp và hỗ trợ vì mục tiêu chung của cộng đồng.
Tăng trưởng là nền tảng của sự thịnh vượng
Theo nhận định của 85,7% doanh nghiệp khảo sát, tăng trưởng doanh thu/ lợi nhuận là mục tiêu chính yếu của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Các ưu tiên trong chiến lược kinh doanh của Doanh nghiệp thịnh vượng. Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp BP500 do Vietnam Report thực hiện tháng 02/2017
Để tăng trưởng trong ít nhất 2 năm tiếp theo, các doanh nghiệp dự tính sẽ chú trọng cải thiện chất lượng sản phẩm/ dịch vụ (76,2% lựa chọn), chất lượng nhân lực (52,4%) và mô hình quản trị doanh nghiệp (42,9%).
Các yếu tố doanh nghiệp cần cải thiện để tăng trưởng trong năm 2017 – 2018. Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp BP500 do Vietnam Report thực hiện tháng 02/2017
Rõ ràng, các doanh nghiệp thịnh vượng đều nhận thức và đánh giá rất cao vai trò của tăng trưởng. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhất giúp doanh nghiệp đến gần hơn với sự thịnh vượng, bởi sự giàu có về vật chất chính là nền tảng cho mọi quyết sách và hành động của doanh nghiệp trong kinh doanh.
Doanh nghiệp thịnh vượng phải gắn kết với xã hội và cộng đồng
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, 5 vấn đề xã hội nhận được nhiều phản hồi nhất từ phía các doanh nghiệp là: thúc đẩy tính minh bạch trong kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng địa phương, giảm tỷ lệ thất nghiệp, bảo vệ môi trường và hỗ trợ việc làm cho thanh niên.
Nhận định của DN về 5 vấn đề xã hội quan trọng nhất mà DN đã góp phần giải quyết trong những năm qua. Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp BP500 do Vietnam Report thực hiện tháng 02/2017
Theo đó, động lực thúc đẩy doanh nghiệp nhiều nhất trong việc thực thi các chiến lược CSR là nhằm bảo tồn và nâng cao uy tín thương hiệu của doanh nghiệp (chiếm 89,5% phản hồi của doanh nghiệp). Đây là minh chứng cho thấy doanh nghiệp đã ý thức được rằng việc “cho đi” không hoàn toàn chỉ đem tới đóng góp cho cộng đồng, xã hội mà thực chất doanh nghiệp còn có thể “nhận lại”, được hưởng những lợi ích từ những hoạt động doanh nghiệp. Một khi doanh nghiệp thể hiện sự “tôn trọng” sản phẩm, thương hiệu của mình thì xã hội sẽ mang lại lợi nhuận cho chính bản thân doanh nghiệp. Ngoài ra, “vì lợi ích của người lao động” (78,9%) và “nhằm tuân thủ pháp luật” (63,2%) cũng là hai mục tiêu doanh nghiệp hướng tới khi tiến hành CSR.
Nhận định của DN về động lực thúc đẩy DN thực hiện các hoạt động CSR. Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp BP500 do Vietnam Report thực hiện tháng 02/2017
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phản hồi về một số phương pháp có khả năng đạt hiệu quả cao khi thực hiện CSR tại Việt Nam để tạo lợi ích cho cộng đồng.Hơn 40% doanh nghiệp đánh giá cao các hoạt động tình nguyện của bản thân doanh nghiệp, đi kèm với các chương trình bảo vệ môi trường. Những phương pháp như đối thoại giữa các bên liên quan hay phối hợp liên ngành cũng nhận được nhiều quan tâm từ phía các doanh nghiệp và đòi hỏi sự liên kết giữa các thành phần của xã hội trong thời gian tới. Điều này cũng thể hiện phần nào nỗ lực của doanh nghiệp Việt nhằm thay đổi bức tranh cũ về CSR, đẩy mạnh việc khẳng định vị thế thực sự của DN trên thương trường, phát huy vai trò chung tay với xã hội để giải quyết các vấn đề cộng đồng một cách hiệu quả.
Nhận định của DN về phương pháp/công cụ hữu hiệu nhất khi thực hiện CSR. Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp BP500 do Vietnam Report thực hiện tháng 02/2017
Có thể thấy, một doanh nghiệp muốn đạt được sự thịnh vượng cần phải dung hòa tốt mục tiêu tăng trưởng, trách nhiệm với người lao động, cũng như trách nhiệm xã hội và cộng đồng. Với mục đích ghi nhận và tôn vinh sự ưu tú của các doanh nghiệp thịnh vượng trong Bảng xếp hạng BP500, Ban tổ chức hi vọng, các doanh nghiệp sẽ có thêm động lực và sự tự tin để tận dụng tốt các cơ hội kinh doanh, hoạt động ngày càng hiệu quả, xứng đáng là những ngôi sao tiềm năng trên bầu trời kinh tế Việt Nam.
Lễ công bố và tôn vinh 500 doanh nghiệp Việt Nam thịnh vượng năm 2017sẽ được tổ chức vào ngày 12/4/2017 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Thành phố Hà Nội.
Nguồn báo www.vietnamnet.vn