Sáng ngày 25/6/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội đồng thời với Dự án đường cao tốc Cao Lãnh – An Hữu (Giai đoạn 1). Lễ khởi công được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa 7 điểm cầu, gồm các huyện: Hoài Đức, Thanh Oai, Sóc Sơn, Thường Tín, thành phố Hà Nội cùng các địa phương Bắc Ninh, Hưng Yên và Đồng Tháp. Trong đó, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng quốc gia đầu tiên thực hiện theo hình thức đối tác công tư từ khi Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư có hiệu lực, dự án được xác định sẽ đem lại hiệu quả vô cùng to lớn cho Thủ đô Hà Nội, Vùng Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Đây là dự án có tính chất liên vùng đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo và phát động khởi công Dự án
Dự lễ khởi công Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô ở điểm cầu huyện Hoài Đức cùng Thủ tướng Chính phủ có Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô cùng đại diện các Bộ ngành, địa phương có liên quan, về phía TEDI có Tổng giám đốc Phạm Hữu Sơn tham dự. Tại các điểm cầu khác có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Đồng Tháp cùng đại diện nhân dân các địa phương trong khu vực.
Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 đến nay vừa tròn 1 năm. Việc một dự án quan trọng quốc gia với khối lượng đặc biệt lớn, với tính chất liên vùng được triển khai nhanh chóng như vậy nhờ được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự lãnh đạo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương. Trong đó, thành phố Hà Nội đã phát huy vai trò người đứng đầu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân; tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cơ sở; tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 3 tỉnh, thành phố là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cơ quan Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các địa phương.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo tại thực địa Dự án
Về phương diện Tư vấn, Tổng công ty TVTK GTVT – CTCP với kinh nghiệm và khả năng của mình đã được UBND thành phố Hà Nội, Ban QLDA CTGT thành phố Hà Nội tin tưởng giao nhiệm vụ thực hiện dự án ngay từ bước chủ trương đầu tư đến khi hoàn thành các thủ tục khởi công dự án như ngày hôm nay.
Nhận thức được đây là dự án quan trọng quốc gia có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với Vùng Thủ đô, với kinh nghiệm triển khai nhiều dự án cao tốc lớn như: các dự án thành phần Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, 2021-2025; cao tốc Thành phố Hồ Chính Minh – Trung Lương; Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ; Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn; Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái…. Tổng công ty TVTK GTVT – CTCP đã huy động toàn bộ lực lượng tham gia đồng bộ các dự án thành phần, các phân đoạn thuộc dự án.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng giám đốc Phạm Hữu Sơn, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc điều hành dự án các đơn vị và kỹ sư đã tập trung nhân lực, máy móc, công nghệ hiện đại nhất để tiến hành triển khai Dự án. Toàn bộ 07 Dự án thành phần của Dự án đều được triển khai đồng thời và quyết liệt. Báo cáo nghiên cứu khả thi của 06/07 Dự án thành phần đã được phê duyệt. Đối với Dự án thành phần 3: Đầu tư hệ thống đường cao tốc theo hình thức đối tác công tư cũng đã được Bộ GTVT thẩm định và UBND thành phố Hà Nội trình Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định làm cơ sở phê duyệt dự kiến trong quý III.
Đối với bước thiết kế kỹ thuật, toàn bộ 04 gói thầu thuộc Dự án thành phần 2.1 phạm vi địa phận thành phố Hà Nội đều đã được phê duyệt làm cơ sở quan trọng để đấu thầu nhà thầu xây lắp và tiến hành khởi công. Đối với các đoạn thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh cũng đã được các đơn vị Tư vấn tập trung triển khai hoàn thành phấn đấu khởi công vào tháng 9/2023.
Việc triển khai hoàn thành khối lượng công việc lớn, phức tạp, nhiều dự án thành phần lần đầu tiên được thực hiện như: các dự án thành phần giải phóng mặt bằng, dự án thành phần 3 đầu tư theo hình thức đối tác công tư được hoàn thành đảm bảo yêu cầu tiến độ, chất lượng của Chủ đầu tư, Tổng công ty TVTK GTVT – CTCP đã được Thành uỷ Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hưng Yên, UBND tỉnh Bắc Ninh và các Bộ ngành, địa phương trong khu vực dự án đánh giá cao. Trong thời gian tới Tổng công ty TVTK GTVT – CTCP sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện khối lượng công việc còn lại đặc biệt là Dự án thành phần 3: Đầu tư hệ thống đường cao tốc theo hình thức đối tác công tư để đáp ứng tiến độ cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027 theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Một số hình ảnh dự án:
Bản đồ hướng tuyến dự án
Quy mô giai đoạn hoàn thiện (06 làn xe cao tốc, đường song hành, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hành lang xây dựng tuyến đường sắt vành đai)
Quy mô giai đoạn phân kỳ
Đoạn tuyến khu vực đê Song Phương, huyện Hoài Đức
Một số nút giao liên thông thuộc dự án