Việc xem xét cơ chế đặc thù, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư vấn Việt Nam tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được đánh giá là cần thiết, góp phần đảm bảo tính độc lập, khách quan, kiểm soát chi phí phù hợp với điều kiện trong nước.
4 lý do cần giao việc cho tư vấn trong nước
Năm 2024, niềm vui lớn đến với Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) khi dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc – Nam – Dự án TEDI trực tiếp tham gia nghiên cứu và tham gia xây dựng báo cáo tiền khả thi chính thức được Quốc hội bấm nút thông qua chủ trương đầu tư.
Phối cảnh dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam
Nhìn nhận cơ hội tại dự án, ông Phạm Hữu Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị TEDI cho rằng, ĐSTĐC là loại hình có công nghệ, kỹ thuật tương đối mới mẻ. Song, các công trình hạ tầng (cầu, hầm, dân dụng…) có yêu cầu kỹ thuật cao, nhưng cơ bản các đơn vị tư vấn trong nước có thể đảm nhận.
Những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình triển khai dịch vụ tư vấn thiết kế, thi công các dự án hạ tầng lớn như: đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, cầu Nhật Tân, cầu Mỹ Thuận 2 hay Cảng hàng không quốc tế Long Thành… sẽ hỗ trợ tư vấn triển khai thành công các hạng mục hạ tầng của dự án.
Theo ông Sơn, một trong những yêu cầu đặt ra của Trung ương là đề cao tính tự lực tự cường, huy động tối đa các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư xây dựng, vận hành khai thác dự án.
Trên tinh thần đó, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã đánh giá, dự kiến đề xuất ràng buộc điều kiện phải chuyển giao công nghệ và xây dựng định hướng phát triển công nghiệp đường sắt đến năm 2045 với 4 mục tiêu lớn: làm chủ về công nghiệp xây dựng; lắp ráp trong nước và từng bước nội địa hóa phương tiện đối với đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; sản xuất trong nước và từng bước nội địa hóa linh kiện phần cứng, phần mềm về thông tin, tín hiệu và hệ thống cấp điện; làm chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì, sửa chữa đối với ĐSTĐC.
Hiện thực hóa mục tiêu trên, 4 lý do được Chủ tịch TEDI đưa ra và cho rằng, việc xem xét tạo điều kiện tối đa cho lực lượng tư vấn trong nước triển khai dự án ĐSTĐC là điều cần thiết.
Thứ nhất, ĐSTĐC là dự án sử dụng công nghệ hiện đại, lần đầu triển khai tại Việt Nam, cần nghiên cứu, lựa chọn loại hình công nghệ phù hợp với hình thái địa lý và nhu cầu vận tải, vừa đáp ứng được tính đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển, vừa đảm bảo khả năng tiếp cận, làm chủ trong vận hành khai thác. Việc chọn lựa ra hệ thống tiêu chuẩn áp dụng cũng cần được quan tâm thực hiện.
Quá trình này không thể tách rời vai trò của tư vấn trong nước để cùng nghiên cứu đề xuất, đảm bảo sự phù hợp với các điều kiện trong nước.
Thứ hai, Việt Nam cần làm chủ phần xây dựng (chiếm khoảng 75% giá trị xây dựng, thiết bị). Các doanh nghiệp tư vấn trong nước có thể huy động thêm các chuyên gia quốc tế để triển khai ngay công tác khảo sát, thiết kế, lựa chọn hướng tuyến và vị trí công trình trên tuyến, thiết kế phần hạ tầng xây dựng, sớm bàn giao phạm vi GPMB để các địa phương triển khai các công việc tiếp theo, đáp ứng tiến độ dự án.
Thứ ba, đối với hạng mục lựa chọn, chuyển giao công nghệ, vai trò của tư vấn trong nước như một đối tác và là cầu nối hữu hiệu để các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp nhận chuyển giao. Điều này đã được chứng minh cụ thể đối với một số quốc gia đi trước như: Hàn Quốc, Thái Lan…
Thứ tư, việc đầu tư dự án ĐSTĐC mới chỉ là sự khởi đầu, quá trình vận hành khai thác sẽ theo suốt chúng ta trong tương lai. Chiến lược của Chính phủ là phải tiến tới làm chủ hoàn toàn quá trình vận hành khai thác.
“Như vậy, tư vấn trong nước có vai trò quan trọng trong việc triển khai dự án ĐSTĐC, là lực lượng đi đầu trong việc tiếp nhận, làm chủ và chuyển giao cho các đơn vị trong nước để thực hiện thành công dự án, đảm bảo tính độc lập, khách quan, kiểm soát chi phí phù hợp với điều kiện Việt Nam”, ông Phạm Hữu Sơn chia sẻ.
Hai mô hình lựa chọn
Dưới góc độ phân tích chuyên môn, lãnh đạo TEDI cho rằng, việc lựa chọn tư vấn nghiên cứu dự án có thể triển khai theo hai mô hình.
Mô hình 1 là liên danh tư vấn bao gồm quốc tế và trong nước. Trong đó, tư vấn quốc tế đứng đầu liên danh, tư vấn trong nước là thành viên triển khai các hạng mục công việc theo thỏa thuận.
Triển khai mô hình này sẽ lựa chọn được tư vấn quốc tế có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án. Song, thời gian lựa chọn tư vấn quốc tế sẽ dài hơn; tính linh hoạt trong tham mưu, xử lý các công việc yêu cầu tiến độ gấp bị hạn chế.
Mô hình 2 là liên danh tư vấn bao gồm quốc tế và trong nước. Trong đó, tư vấn trong nước đứng đầu liên danh có thể huy động thêm các vị trí nhân sự chủ chốt là các chuyên gia quốc tế.
Với mô hình này, một số chuyên gia quốc tế sẽ được huy động, làm việc dưới sự điều hành trực tiếp của doanh nghiệp tư vấn trong nước, đảm bảo linh hoạt trong giải quyết công việc, quản lý tốt về chi phí và công nghệ. Tuy nhiên, mô hình này muốn đảm bảo tính khả thi đòi hỏi phải có cơ chế chính sách như cho phép sử dụng năng lực kinh nghiệm theo cấp hạng công trình tương tự, đánh giá năng lực tài chính của tổng thể liên danh hoặc không xét.
Việc đưa doanh nghiệp xây dựng trong nước tham gia dự án ĐSTĐC được đánh giá sẽ đảm bảo cho quá trình chuyển giao, tiến tới tự chủ công nghệ
Xem xét cơ chế đặc thù
Xác định dự án ĐSTĐC với giá trị xây dựng cơ bản khoảng 33 tỷ USD là cơ hội lớn cho doanh nghiệp, nhà thầu Việt, ngày 18/12/2024, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam đã ký văn bản kiến nghị Thủ tướng xem xét loạt cơ chế đặc thù cho dự án ĐSTĐC Bắc – Nam.
Đặc biệt quan tâm công tác lựa chọn nhà thầu, VACC đề xuất cấp có thẩm quyền nghiên cứu cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu trong dự án và áp dụng giảm giá 5%.
Tiêu chí lựa chọn năng lực kinh nghiệm nhà thầu trong nước là các nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm; từng tham gia các dự án, công trình giao thông có cấp hạng (theo phân cấp công trình xây dựng quy định tại Thông tư 06/2021/TT-BXD) tương đương với cấp hạng tuyến đường sắt tốc độ cao hoặc có cấp hạng được quy đổi từ tối thiểu 3 công trình ở cấp thấp hơn liền kề.
Về tiêu chí lựa chọn năng lực tài chính, cho phép cộng năng lực tài chính của tất cả các nhà thầu trong liên danh và có thể giảm bớt yêu cầu về năng lực tài chính.
Mô hình khuyến khích là liên danh giữa các nhà thầu trong nước hoặc trong và ngoài nước nhưng nhà thầu trong nước đóng vai trò là đứng đầu liên danh. Khuyến khích cộng điểm cho liên danh nhà thầu sử dụng nhà thầu trong nước với tỷ lệ công việc lớn hơn.
Trường hợp các nhà thầu nước ngoài muốn tham gia thì phải liên danh với nhà thầu Việt Nam trong đó các nhà thầu Việt Nam phải đảm nhận ít nhất 50% khối lượng công việc. Xem xét bổ sung quy định sử dụng lao động Việt Nam, ưu tiên lao động tại địa phương (tối thiểu 70%).
Riêng lực lượng tư vấn, theo VACC, dự án sử dụng quy trình thiết kế FEED và đấu thầu nhà thầu EPC.
Do lực lượng nhà thầu tư vấn ở nước ta còn mỏng nên cần xem xét, cho phép các nhà thầu tư vấn tham gia các bước nghiên cứu khả thi, thiết kế FEED vẫn được tham gia trong liên danh tổng thầu EPC để đấu thầu nếu chứng minh được sự độc lập về pháp lý và tài chính với các thành viên nhà thầu xây lắp trong tổ hợp tổng thầu EPC, hoặc cho phép nhà thầu EPC được lựa chọn tư vấn thiết kế sau khi trúng thầu.
Về tư vấn giám sát và các tiêu chuẩn kỹ thuật sử dụng, xuất phát từ lý do dự án có yêu cầu kỹ thuật cao, đặc biệt đòi hỏi độ chính xác lớn, hạn chế dung sai, VACC đề xuất cần tăng cường công tác tư vấn giám sát theo hình thức tư vấn nước ngoài liên danh với tư vấn trong nước để thực hiện.
Quá trình thi công, giám sát thi công có yêu cầu phía nước ngoài chuyển giao công nghệ thi công cho nhà thầu Việt Nam.