Trong thi công các công trình ngầm, đặc biệt trong thi công hệ thống cấp thoát nước đô thị, để đảm bảo thành công đòi hỏi rất nhiều yếu tố như nhân lực, chất lượng vật liệu, địa chất… Tuy nhiên, điều mà các nhà thầu quan tâm hơn cả chính là yếu tố công nghệ bởi những công trình ngầm khi thi công mang tính chất nguy hiểm và chứa nhiều rủi ro hơn thi công trên mặt đất, nên cần phải có một công nghệ phù hợp, được tính toán chính xác nhằm giảm được tối đa mức độ ảnh hưởng tới các công trình bên cạnh, giảm thời gian thi công, không phá vỡ bộ mặt đô thị.
Bên cạnh các công nghệ kích cống ngầm của Đức, Italy, một công nghệ kích đẩy đến từ Nhật Bản mới đây vừa được giới thiệu tại Việt Nam sẽ giúp cho các nhà thầu có thêm sự lựa chọn công nghệ phù hợp, hiệu quả cho công trình của mình.
Đó là công nghệ kích đẩy Suishin do Cty Yasuda Engineering Co.,Ltd nghiên cứu nhằm thay thế phương pháp đào lấp thông thường.
Thực tế cho thấy, tại một số đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…, khi thi công xây dựng những hệ thống hỗ trợ liên quan đến đô thị như đường ống cấp nước, thoát nước, cấp điện và cáp truyền thông tin…, hầu hết các dự án này đều được thi công bằng phương pháp đào mở. Hình thức này tuy đơn giản, chi phí thấp nhưng lại có hạn chế lớn là khó quản lý bởi việc thi công kéo dài, chỉ phù hợp cho việc thi công ở độ sâu ngắn, nằm ngay gần mặt đất. Chưa kể, sau khi hoàn thiện công trình, nhiều đơn vị thi công chỉ quan tâm “dọn dẹp” khu vực mình quản lý, để mặc khu vực xung quanh với những con đường lồi lõm, chắp vá, làm mất mỹ quan đô thị. Khi thi công các cống ngầm (khoan ngầm trong lòng đất), nguyên lý hoạt động của công nghệ kích đẩy Nhật Bản sẽ giúp hỗ trợ thực hiện thiết lập cửa hầm đầu và cửa hầm cuối của đoạn đường cống ngầm cần lắp đặt. Dung kích đẩy máy đào từ cửa hầm đầu hướng về cửa hầm cuối, sau đó đặt các đoạn ống (bê tông) đã được làm sẵn nối tiếp sau máy đào và kích đẩy dần các đoạn ống này nối tiếp theo máy đào cho đến khi đầu mối chạm đến cửa hầm cuối tạo thành một đường cống ngầm dài xuyên suốt, giúp giữ nguyên bề mặt hiện trạng của khu vực thi công.
Theo ông Yasuda Kazunari – GĐ điều hành Cty Yasuda Engineering Co.,Ltd, phương pháp này đặc biệt hữu ích với những thành phố có mật độ giao thông lớn, những đường ngầm qua sông, cống ngầm đi qua các khu đô thị…, do thi công ngầm dưới mặt đất nên giao thông vẫn có thể lưu thông bình thường, giảm được ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm bụi, không chiếm dụng mặt đường như phương pháp đào mở, kể cả khu vực có nền đất yếu (nền đất càng yếu bao nhiêu càng dễ dàng kích đẩy ống cống bấy nhiêu mà không làm vị trí ống cống bị di chuyển). Mặt khác, do công nghệ kích đẩy bằng định vị điều khiển tự động nên không cần sử dụng con người vì nếu dùng nhân công sẽ nguy hiểm và tiến độ rất chậm trong khi nhân lực chỉ có thể đào từ 6 – 10 mét sâu. Với công nghệ này, thành phố có thể dễ dàng tạo nên những đường ống thoát nước, hào chứa nước lớn, giúp thoát nước nhanh chóng hơn hoặc xây dựng đường ống dẫn nước sinh hoạt hằng ngày, đường điện…
Công nghệ kích cống ngầm đã được áp dụng nhiều trên thế giới như TP Kualalampua của Malaysia, các đô thị của Nhật Bản hay tại Tp.HCM cũng đã có nhiều công trình áp dụng công nghệ này vào khoan kích ống ngầm nhiều tuyến cấp, thoát nước như tuyến thoát nước dọc sông Nhiêu Lộc – Thị Nghè, tuyến cấp nước qua sông Sài Gòn, tuyến công D3000 qua sông Sài Gòn… Tuy nhiên, một số chuyên gia ngành Cấp thoát nước cho rằng, công nghệ khoan kích ống ngầm nói chung và của Nhật Bản nói riêng có nhiều ưu điểm nổi trội như giảm thiểu mặt bằng thi công, giảm thiểu yêu cầu di dời các công trình kỹ thuật hạ tầng, đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận dọc tuyến cống, giảm thiểu khối lượng tái lập mặt đường, hạn chế ùn tắc giao thông…, nhưng do là công nghệ mới, chưa ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam nên chưa có các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn và định mức dự toán cho công nghệ này. Bên cạnh đó, nếu đem so sánh chi phí đầu tư trực tiếp khi áp dụng phương pháp đào mở sẽ thấp hơn phương pháp kích đẩy, nên cũng cần xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng khi tiếp nhận chuyển giao công nghệ này.
(theo baoxaydung.com.vn)