Từ 15/2/2016, lao động đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội trở lên, mất sức lao động về hưu sớm được hưởng lương với mức thấp hơn theo quy định.
Theo thông tư Bộ Lao động Thương binh và Xã hội mới ban hành, từ 15/2/2016, người lao động đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội (BHXH) trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn nếu thuộc các trường hợp: suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% và đảm bảo điều kiện về tuổi đời (xem bảng); giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi; suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động, Bộ Y tế ban hành.
Mức hưởng lương hưu
Lương hưu của người lao động thuộc diện trên được tính theo quy định chung của BHXH bắt buộc. Sau đó, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì mức hưởng giảm 2%. (Ví dụ 1). Trường hợp người đủ tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, trên 6 tháng thì không giảm bởi nghỉ hưu trước tuổi của năm đó (Ví dụ 2). Nếu thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì từ 1 đến 6 tháng, người lao động được tính nửa năm, từ 7 đến 11 tháng được tính tròn một năm. (Ví dụ 3).
Thời điểm hưởng lương hưu
Thông tư quy định, người đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu là ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng sinh của năm mà người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu. (Ví dụ: Ông A sinh 1/3/1956, làm việc trong điều kiện bình thường. Thời điểm ông A đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu là ngày 1/4/2016).
Trường hợp người sinh vào tháng 12 thì thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là ngày 1/1 năm liền kề sau năm mà người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu. (Ví dụ: Ông M sinh ngày 1/12/1956, làm việc trong điều kiện bình thường. Thời điểm ông M đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu là ngày 1/1/2017).
Trường hợp không xác định được ngày tháng sinh (chỉ ghi năm sinh) thì thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là ngày 1/1 của năm liền kề sau năm người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu. (Ví dụ: Bà C làm việc trong điều kiện bình thường, trong hồ sơ chỉ ghi sinh năm 1961. Thời điểm bà C đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu là ngày 1/1/2017).
Trường hợp người bị suy giảm khả năng lao động từ 61 đến 80% và đủ điều kiện về hưu thì tính tuổi nghỉ hưu theo bảng sau:
Ví dụ về mức hưởng lương hưu
Ví dụ 1:
Bà A 53 tuổi, làm việc trong điều kiện bình thường, bị suy giảm khả năng lao động 61%, có 26 năm 4 tháng đóng BHXH, nghỉ hưu tháng 6/2016. Tỷ lệ hưởng lương hưu của bà A được tính như sau:
– 15 năm đầu được tính bằng 45%;
– Từ năm thứ 16 đến năm thứ 26 là 11 năm, tính thêm: 11 x 3% = 33%;
– 4 tháng được tính là 1/2 năm, tính thêm: 0,5 x 3% = 1,5%
– Tổng các tỷ lệ trên là: 45% + 33% + 1,5% = 79,5% (chỉ tính tối đa bằng 75%);
– Bà A nghỉ hưu trước tuổi 55 theo quy định là 2 năm nên tỷ lệ hưởng lương hưu tính giảm: 2 x 2% = 4%.
Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà A là 75% – 4% = 71%. Ngoài ra, do bà A có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng 75% (cao hơn 25 năm) nên còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu là: 1,5 năm x 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Ví dụ 2:
Bà K bị suy giảm khả năng lao động 61%, nghỉ việc hưởng lương hưu tháng 1/2019 khi đủ 50 tuổi một tháng, có 28 năm đóng BHXH, tỷ lệ hưởng lương hưu được tính như sau:
– 15 năm đầu được tính bằng 45%;
– Từ năm thứ 16 đến năm thứ 28 là 13 năm, tính thêm: 13 x 2% = 26%;
– Tổng 2 tỷ lệ trên là: 45% + 26% = 71%;
– Bà K nghỉ hưu khi 50 tuổi một tháng (nghỉ hưu trước tuổi 55 là 4 năm 11 tháng) nên tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi là 8% + 1% = 9%;
Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà K sẽ là 71% – 9% = 62%.
Ví dụ 3:
Ông G làm việc trong điều kiện bình thường, bị suy giảm khả năng lao động 61%, nghỉ việc hưởng lương hưu năm 2018 khi 56 tuổi 7 tháng, có 29 năm 7 tháng đóng bảo hiểm xã hội, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính như sau:
– Số năm đóng bảo hiểm xã hội của ông G là 29 năm 7 tháng, số tháng lẻ là 7 tháng được tính là 1 năm, nên số năm đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương hưu của ông G là 30 năm.
– 16 năm đầu tính bằng 45%;
– Từ năm thứ 17 đến năm thứ 30 là 14 năm, tính thêm: 14 x 2% = 28%;
– Tổng 2 tỷ lệ trên là: 45% + 28% = 73%.
– Ông G nghỉ hưu khi 56 tuổi 7 tháng (nghỉ hưu trước tuổi 60 theo quy định là 3 năm 5 tháng) nên tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi là 6%;
Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông G sẽ là 73% – 6% = 67%.
Theo Phòng TCCB&LĐ