TEDI khẳng định được vị thế đầu ngành trong lĩnh vực tư vấn giao thông, góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng GTVT…
Cầu Đông Trù, Hà Nội mang dấu ấn của TEDI
Tiền thân là Viện Thiết kế, sau 54 năm xây dựng và phát triển, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải – CTCP (TEDI) đã khẳng định được vị thế đầu ngành trong lĩnh vực tư vấn giao thông, góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng GTVT theo hướng hiện đại, thúc đẩy phát triển KT-XH đất nước.
Sứ mệnh “đi trước mở đường”
Ngày 27/12/1962, Viện Thiết kế (tiền thân của TEDI) được thành lập trên cơ sở hợp nhất Viện Thiết kế thủy bộ và Viện Thiết kế đường sắt. Ra đời trong bối cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, điều kiện làm việc thiếu thốn trăm bề, nhưng với vai trò nòng cốt được Bộ GTVT giao sứ mệnh “đi trước mở đường”, viện đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiến hành khảo sát thiết kế nhiều công trình để kịp thời thi công, phục vụ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965).
Nhiều tiến bộ kỹ thuật do viện nghiên cứu đã được ứng dụng vào các đồ án như: Chống sụt trượt trên QL6, thiết kế dầm bê tông cốt thép dự ứng lực đầu tiên ở cầu Phủ Lỗ và cầu Cửa Tiền, thiết kế trụ cầu Hàm Rồng bằng cột ống bê tông cốt thép đường kính 1,55m… Đồng thời, viện đã nghiên cứu để đưa những thiết bị thông tin tín hiệu đường sắt hiện đại vào đồ án thiết kế, dùng tà vẹt bê tông thay tà vẹt gỗ, thiết kế và chỉ đạo thi công hàng chục hầm đường sắt, cầu đường sắt vượt thung lũng nằm trên đường cong và dốc dọc trên tuyến Hà Nội – Lạng Sơn.
Đến năm 1975, Viện Thiết kế được đổi tên thành Viện Thiết kế giao thông, rồi Viện Thiết kế GTVT (năm 1982). Giai đoạn 1975-1985, viện đã khảo sát thiết kế nhiều công trình, lập nhiều luận chứng kinh tế kỹ thuật trên phạm vi toàn quốc để trình Nhà nước quyết định chủ trương xây dựng và vốn đầu tư. Trong quá trình đó, nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được ứng dụng như các phương án thiết kế khắc phục điều kiện vật tư, thiết bị hạn chế trên tuyến đường sắt Bắc – Nam, phương án dầm dàn thép tổ hợp thanh hàn, liên kết bu lông cường độ cao ở cầu Thăng Long, cầu Chương Dương…
Bước vào thời kỳ đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện (năm 1986), vốn đầu tư cho ngành GTVT ngày một tăng, hàng loạt dự án giao thông do nước ngoài tài trợ được ký kết. Viện Thiết kế GTVT (đổi tên thành Công ty Khảo sát thiết kế GTVT – 1993, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT – 1995) đã mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế và cử nhiều cán bộ tham gia vào các dự án để nâng cao trình độ, tiếp cận với phương thức mới theo thông lệ quốc tế. TEDI đã tham gia các dự án như VIE 88/040 (UNDP tài trợ), VIE 88/014 (JICA tài trợ), nghiên cứu khả thi dự án cải tạo và nâng cấp đường sắt Thống Nhất. Sang thời kỳ 1986 – 1995, nhiều ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới đã được thực hiện như thiết kế dầm Super, dầm bê tông cốt thép dự ứng lực liên tục đúc hẫng khẩu độ lớn ở cầu Phú Lương và cầu Sông Gianh, móng mặt đường bê tông nhựa sử dụng cấp phối đá dăm liên tục theo tiêu chuẩn AASHTO tại đường Bắc Thăng Long – Nội Bài…
Những năm gần đây, TEDI đã tham gia khảo sát thiết kế hầu hết các công trình xây dựng lớn của ngành GTVT, điển hình các dự án nâng cấp, mở rộng QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, QL5, QL6, QL10, QL18, QL9, QL14B, đường Láng – Hòa Lạc, đường Hồ Chí Minh, cầu Nhật Tân, Mỹ Thuận, Bãi Cháy, Cần Thơ, Thanh Trì, Rạch Miễu, Pá Uôn, Phú Lương, Sông Gianh, Quán Hàu, Đắk Rông, Hoàng Long, Phù Đổng, Tân Đệ, Tạ Khoa, cầu Kiền, cầu Bính, cầu Thị Nại; hầm đường bộ Hải Vân, hầm Đèo Ngang; cảng Cái Lân, Dung Quất, Vũng Áng, Thị Vải – Vũng Tàu… Các dự án do TEDI thực hiện đều được chủ đầu tư đánh giá cao về kỹ thuật, mỹ thuật và hiệu quả sử dụng. Minh chứng rõ nhất là kết quả đánh giá xếp hạng năng lực đối với các tổ chức tư vấn của Bộ GTVT, khi 4 năm liên tiếp (2012-2015) TEDI đều được xếp hạng nhất trong tổng số hàng trăm đơn vị tư vấn được đánh giá.
Làm chủ công nghệ tiên tiến nhất
Qua 54 năm xây dựng, TEDI đã tập trung đổi mới toàn diện để nâng cao tiềm lực, trình độ khoa học, kỹ thuật công nghệ, nhanh chóng nắm bắt và làm chủ các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; áp dụng các tiến bộ về khoa học công nghệ, chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến từ nước ngoài sớm nhất và có hiệu quả nhất về tư vấn xây dựng các công trình giao thông tại Việt Nam. Điển hình, Tổng công ty đã khảo sát thiết kế và chỉ đạo thi công cầu dây văng Rạch Miễu (Bến Tre) với khẩu độ nhịp 270m. Đây là lần đầu tiên một cầu dây văng khẩu độ lớn do kỹ sư Việt Nam đảm nhiệm thiết kế, chỉ đạo thi công và đã làm chủ được công nghệ. Chi phí khảo sát thiết kế và xây dựng cầu Rạch Miễu thấp hơn rất nhiều so với việc phải thuê tư vấn nước ngoài. TEDI cũng tham gia công tác thiết kế các cầu: Mỹ Thuận, Cần Thơ, Bãi Cháy và Nhật Tân …
Bên cạnh đó, TEDI tham gia khảo sát thiết kế và chỉ đạo thi công cầu Hàm Luông (Bến Tre) – cầu dầm hộp liên tục thi công đúc hẫng có khẩu độ nhịp 150m – kỷ lục Việt Nam về khẩu độ nhịp chính dầm hộp liên tục; cầu Pá Uôn – cầu dầm hộp liên tục có chiều cao trụ gần 100m – kỷ lục về trụ cầu cao nhất Việt Nam. Cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội) và cầu Thủ Thiêm (TP.HCM) là những cầu nội đô đẹp về tổng thể và nút giao hợp lý do TEDI khảo sát thiết kế. Đây là những sản phẩm trong hàng loạt các cây cầu dầm hộp đúc hẫng trên cả nước do TEDI đã làm chủ được công nghệ sau khi hợp tác với nước ngoài ở cầu Phú Lương (Hải Dương); lập thiết kế kỹ thuật – bản vẽ thi công cầu Bạch Đằng kết cấu dây văng hiện đang trong quá trình thi công.
Đặc biệt, TEDI đã áp dụng thành công giải pháp thiết kế các tuyến đường bộ bằng ảnh hàng không, thiết kế móng mặt đường bê tông nhựa sử dụng cấp phối đá dăm liên tục theo tiêu chuẩn AASHTO, ứng dụng thành công công nghệ thiết kế xử lý nền đất yếu, thiết kế kiên cố hóa mái dốc… Ngoài ra, TEDI còn là đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ lập đề án đầu tư xây dựng các đoạn tuyến trên cao tốc Bắc – Nam; thực hiện xây dựng đề án quy hoạch GTVT cho Thủ đô Hà Nội, TP Đà Nẵng và TP.HCM.
Ở lĩnh vực cảng – đường thủy, TEDI đã nghiên cứu nhiều đề tài về diễn biến của dòng chảy và chế độ vận động của bùn cát trong điều kiện kênh chịu ảnh hưởng của thủy triều bằng cách kết hợp các phương pháp thống kê và lý thuyết kết hợp với thí nghiệm trên mô hình vật lý từ những kết quả nghiên cứu đã đề xuất được những kênh tuyến chạy tàu hợp lý. Đồng thời, Tổng công ty đi đầu trong việc áp dụng mô hình toán MIKE 21 để dự báo sóng, dòng sa bồi. Trên công trình cảng Cái Lân (liên danh tư vấn với Nhật Bản), lần đầu tiên ở Việt Nam đã áp dụng thành công phương pháp thiết kế và thi công thùng chìm khổng lồ xây dựng cảng nước sâu.
Ngoài ra, TEDI liên danh với các tư vấn nước ngoài tiến hành khảo sát thiết kế và giám sát thi công hầm qua đèo Hải Vân dài 6,3km, hầm dìm Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn. Bằng nội lực của mình, TEDI lần đầu tiên khảo sát thiết kế, giám sát thi công, làm chủ công nghệ và xây dựng thành công hầm Đèo Ngang dài 500m, thiết kế BVTC hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Phước Tượng, hầm Phú Gia dài 4.300m theo công nghệ mới NATM với độ chính xác cao.
Trách nhiệm với ngành GTVT không thay đổi
Tháng 6/2014, TEDI chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Đến tháng 5/2016, TEDI hoàn thành thoái toàn bộ vốn Nhà nước, trở thành công ty cổ phần 100% vốn ngoài quốc doanh. “Đây là bước ngoặt lịch sử trong quá trình hình thành và phát triển của TEDI. Đến nay, dù doanh nghiệp không còn vốn Nhà nước, nhưng chúng tôi luôn cam kết với lãnh đạo Bộ GTVT, trách nhiệm của TEDI với ngành GTVT sẽ vẫn như trước, đặc biệt là công tác tham mưu”, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI chia sẻ với Báo Giao thông.
Theo ông Sơn, mặc dù hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, tuy nhiên, bộ máy của TEDI tách bạch rõ ràng giữa bộ phận quản lý và điều hành. Hiện nay, TEDI đang xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp cho giai đoạn tới, trong đó, lĩnh vực tư vấn giao thông vẫn là ngành nghề chủ lực. “Trong dư luận, vẫn có ý kiến cho rằng, TEDI có một số lợi thế để kinh doanh bất động sản hay có thể mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, nhưng quan điểm nhất quán của chúng tôi là có làm gì cũng phải sống bằng ngành nghề chính của mình, muốn đột biến cũng phải đột biến trên cơ sở ngành nghề chính của mình, bởi tư vấn là ngành nghề đặc thù, nguồn tài sản lớn nhất của doanh nghiệp chính là nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Sơn nói và cho biết, có những thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn công việc như thời kỳ 2011-2012 khi hàng loạt công trình, dự án giao thông bị dừng hoãn, giãn tiến độ, song những kỹ sư giỏi vẫn gắn bó với đơn vị.
Những năm gần đây, thị trường tư vấn xây dựng giao thông có sự phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ, song mọi hoạt động của TEDI vẫn giữ được ổn định, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng qua các năm, đời sống của cán bộ, người lao động không ngừng được nâng cao. Cụ thể, năm 2013, doanh thu toàn tổng công ty đạt 657,5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 45,9 tỷ đồng; năm 2014, doanh thu: 771,7 tỷ đồng, lợi nhuận: 55,1 tỷ đồng; năm 2015, doanh thu: 887,7 tỷ đồng, lợi nhuận: 68,8 tỷ đồng.
“Doanh thu năm 2016 của TEDI và các đơn vị thành viên ước đạt trên 800 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động khoảng 15 triệu đồng/người/tháng. Đối với các cổ đông, năm 2015, chúng tôi đã trả cổ tức ở mức 20%, dự kiến năm nay trả khoảng 18%”, ông Sơn cho hay.
Về cơ cấu tổ chức, hiện nay, nhóm Công ty TEDI gồm công ty mẹ là Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT – CTCP, 10 công ty con là các công ty cổ phần có vốn chi phối của Tổng công ty và một công ty liên kết với tổng số hơn 1.400 CBCNV. Trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao của TEDI bao gồm trên 70% là cán bộ kỹ sư được đào tạo chính quy trong nước và nước ngoài. “Nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với mô hình quản lý phù hợp, hiệu quả sẽ là nền tảng vững chắc và quan trọng đảm bảo cho TEDI tiếp tục ổn định và phát triển”, ông Sơn chia sẻ.
“Tôi cho rằng, lãng phí lớn nhất chính là lãng phí từ đầu tư. Dự án, công trình đầu tư không phát huy hết hiệu quả sẽ dẫn tới lãng phí. Tư vấn của dự án lựa chọn giải pháp kết cấu, cách thức xử lý không phù hợp chẳng khác nào ném tiền qua cửa sổ. Vai trò của tư vấn độc lập trong việc tham mưu cho các cấp lãnh đạo để đưa ra các chủ trương đầu tư là rất lớn”. Ông Phạm Hữu Sơn – Tổng giám đốc TEDI
“Vai trò của tư vấn thiết kế có ảnh hưởng rất lớn đến dự án. Nếu dự án được thiết kế hợp lý, công trình sẽ phát huy tối đa hiệu quả. Trường hợp tư vấn làm không sát sẽ dẫn tới những khó khăn trong quá trình thi công do phải điều chỉnh nhiều lần. Bởi vậy, yêu cầu đòi hỏi với đơn vị tư vấn rất cao, người làm tư vấn phải hiểu rõ địa lý, địa hình, điều kiện xã hội… tại khu vực công trình, dự án để đưa ra các giải pháp phù hợp. Đối với các dự án Ban QLDA Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư, TEDI tham gia với vai trò làm tư vấn thiết kế như: Cầu Thanh Trì, đường Vành đai 3 trên cao, nút giao Trung Hòa, hầm chui Thanh Xuân, theo đánh giá của chủ đầu tư, công tác thiết kế đều đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật và mỹ thuật công trình”. Ông Phạm Thanh Bình – Phó tổng giám đốc Ban QLDA Thăng Long.
Ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT:
TEDI cần giữ vững lực lượng nòng cốt
Tư vấn thiết kế là một nghề rất đặc thù, đòi hỏi người tư vấn phải có kiến thức vừa tổng quan vừa chuyên sâu. Kỹ sư thiết kế không chỉ giỏi chuyên môn mà phải có tầm nhìn và kiến thức sâu rộng về địa hình, địa chất, thủy văn, điều kiện xã hội… nhằm đưa ra các giải pháp xử lý đạt hiệu quả nhất cho dự án, công trình. Chất lượng của đơn vị tư vấn thiết kế có tác động rất lớn đến hiệu quả đầu tư dự án, tính hợp lý của giải pháp thiết kế có thể dẫn tới chi phí xây dựng công trình tăng hay giảm nhiều tỷ đồng.
Những năm qua, mặc dù lĩnh vực tư vấn thiết kế có rất nhiều đơn vị, song TEDI vẫn tiếp tục khẳng định được vị thế của một đơn vị đầu ngành. Đây không chỉ là đơn vị trực tiếp sản xuất kinh doanh mà còn là cơ quan tham mưu cho Bộ GTVT về lĩnh vực phát triển ngành. Hiện nay, TEDI đã chuyển sang công ty cổ phần, để tiếp tục giữ vững được vị thế của đơn vị đầu ngành, TEDI cần phải tiếp tục xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao và lực lượng nòng cốt.
NHỮNG THÀNH TÍCH NỔI BẬT
– Danh hiệu Anh hùng Lao động (2013).
– Huân chương Hồ Chí Minh (2007).
– Huân chương Độc lập:
+ 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất (2002).
+ 2 Huân chương Độc lập hạng Nhì (1997, 2007).
+ 2 Huân chương Độc lập hạng Ba (1987, 2007).
– Huân chương Độc lập hạng Nhất của CHDCND Lào (2015).
– Huân chương Lao động hạng Nhì của Hoàng gia Campuchia về đóng góp cho sự phát triển GTVT giữa hai nước Việt Nam và Campuchia (2015).
Nguồn báo www.baogiaothong.vn